Thành Hồ, văn hóa Chăm Pa trên vùng đất Phú Yên, cửa thông lên Tây Nguyên của vương quốc cổ
Thành Hồ, chứng tích văn hóa Chăm Pa trên vùng đất Phú Yên, cửa ngõ lên Tây Nguyên của một vương quốc cổ
Thứ tư, ngày 30/10/2024 12:22 PM (GMT+7)
Thành Hồ, chứng tích văn hóa Champa nằm phía tả ngạn sông Đà Rằng, thuộc thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Thành Hồ cách trung tâm TP Tuy Hòa 12km, cách cửa sông Đà Diễn 14km về hướng Tây theo quốc lộ 25 đi Gia Lai.
Nếu xem đồng bằng Tuy Hòa như một hình tam giác thì Thành Hồ nằm ngay trên đỉnh của tam giác mà cạnh đáy là đường bờ biển.
Thành Hồ nằm bên bờ sông Đà Rằng, một con sông lớn ở Nam Trung Bộ, bắt nguồn từ vùng núi cao, có lưu vực và chảy qua 4 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Yên. Nơi đây có vị trí quan trọng về giao lưu kinh tế và phòng thủ về quân sự.
Phía Tây Thành Hồ là vùng núi rộng lớn và tương đối bằng phẳng, có nhiều di tích, di chỉ, khảo cổ học có liên quan đến văn hóa Chăm Pa. Thành Hồ chính là cửa ngõ thông lên châu Thượng Nguyên (Tây Nguyên) của vương quốc Chăm Pa.
Các di tích Bia Chợ Dinh có niên đại thế kỷ thứ IV, di tích Tháp Nhạn có niên đại thế kỷ XI, di tích Núi Bà có niên đại thế kỷ XIV... chứng tỏ sự phát triển liên tục và lâu dài của nền văn hóa Chăm Pa ở Phú Yên.
Trong đó, di tích Thành Hồ đóng vai trò như là trung tâm của đồng bằng Tuy Hòa. Do vậy, di tích này là đầu mối quan trọng để tìm hiểu về lịch sử vùng đất Phú Yên.
Ảnh chụp từ vệ tinh khu vực Thành Hồ, chứng tích văn hóa Champa trên vùng đất Phú Yên. Thành Hồ thuộc thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên.
Là một tòa thành có sơ đồ gần giống với hình chữ nhật, thành phía Nam giáp với sông Đà Rằng; thành phía Tây giáp với núi đồi; thành phía Bắc và phía Đông giáp với đồng ruộng.
Ngoài ra còn có một bờ thành thứ năm chạy theo hướng Bắc - Nam chia Thành Hồ làm hai phần, phía Đông gọi là thành ngoại và phía Tây gọi là thành nội. Thành Hồ có tất cả 8 cửa, có 4 cửa sinh thuộc các hướng đông, tây, nam, bắc; 4 cửa còn lại là cửa tử.
Thành Hồ vốn là trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội của người Chăm cổ, có niên đại từ thế kỷ thứ V đến thứ VII, cách đây khoảng 1.400 năm; quy mô diện tích khoảng 1km2, có những bờ thành còn khá nguyên vẹn. Thành Hồ được Bộ VH-TT, nay là Bộ VHTT&DL xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 2005.
Quần thể kiến trúc
Đầu thế kỷ XX, kiến trúc sư kiêm nhà khảo cổ học người Pháp H. Pacmentier đã đến nghiên cứu và khảo sát Thành Hồ, ông cũng là người đầu tiên thực hiện một số bản vẽ tương đối chi tiết về tòa thành này. Đây là nguồn tư liệu quý giá để chúng ta tham khảo, nghiên cứu về Thành Hồ hôm nay.
Trong 2 năm 2003-2004, Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng Phú Yên đã phối hợp khai quật tại Thành Hồ trên diện tích khoảng 200m2 và đã tìm thấy các dấu tích công trình kiến trúc cổ vùi lấp trong lòng đất với mật độ tương đối dày. Kết quả khai quật thu được một lượng lớn các loại đồ gốm dân dụng, gốm kiến trúc, có niên đại thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ VII.
Khi khai quật bờ thành phía Đông, đoàn tìm thấy nhiều lớp đất thành chồng lên nhau, chứng tỏ Thành Hồ đã được tu bổ nhiều lần.
Thành chủ yếu đắp bằng đất, xen lẫn đá nhỏ, một số đoạn được bó gạch, loại gạch đặc có kích thước lớn hơn gạch bây giờ (dày 8cm, rộng 13cm và dài 33cm), gạch nhẹ, nhưng có cường độ chịu nén khá cao. Bên trong thành có các hồ nước sâu 4-5m, đào để lấy đất đắp thành nên mới có tên là Thành Hồ.
Quan sát từ xa ta có thể thấy, hiện tại thành phía Đông còn khá nguyên vẹn, thành có chiều dài 719m, cao 5m, mặt thành rộng từ 10-15m, phía trên có nhiều ụ đất cao, dạng chòi gác, cây cối hiện nay mọc rất nhiều.
Bờ thành phía Tây chạy vòng qua núi Hòn Mốc có 2 đoạn, đoạn phía Đông Nam dài khoảng 600m. Bờ thành thứ năm (thành giữa) dài 920m, phía Bắc bờ thành này hiện nay đã bị phá một đoạn để làm mương dẫn nước. Bờ thành phía Đông gần như bị sụt đổ xuống sông Đà Rằng; có chăng chỉ còn là dạng phế tích.
Dọc theo các bờ thành phía ngoài còn có dấu tích của các hào nước sâu như là hệ thống phòng thủ, hỗ trợ bờ thành.
Phía Tây Thành Hồ, khu vực nội thành có một núi nhỏ là Hòn Mốc cao khoảng 600m so với khu vực xung quanh, trên đỉnh núi này còn sót lại vật liệu xây dựng của các công trình kiến trúc cổ như là tháp canh, trạm gác cho khu vực Thành Hồ.
Đầu năm 2006, tại Hòn Mốc đã tìm thấy 4 pho tượng cổ có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ VII đến thứ X, mang giá trị lịch sử và nghệ thuật điêu khắc Chăm Pa cổ.
Thành Hồ không sở hữu không gian lộng lẫy hay mới lạ để bạn tới đây check-in, mà thay vào đó là những nét cổ kính mang giá trị về văn hóa, lịch sử.
Tại đây bạn có thể khám phá thêm về cấu trúc thành lũy xưa của người Chăm Pa, ngắm nhìn những hiện vật từ đồ gốm cổ như ngói ống, bình cổ, những pho tượng... tiêu biểu cho giai đoạn phát triển rực rỡ của nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc kinh thành Chăm Pa cổ xưa.
Sở VHTT&DL tỉnh Phú Yên cùng với huyện Phú Hòa nên có kế hoạch khai thác Thành Hồ vào phát triển du lịch; tăng cường công tác quảng bá Thành Hồ, đào tạo hướng dẫn viên, xây dựng phòng trưng bày hiện vật… kết hợp với các hoạt động văn hóa khác ở địa phương nhằm hỗ trợ phát triển du lịch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.