Dân Việt

Chuyên gia quốc tế chỉ đích danh yếu tố khiến Trung tâm tài chính Đà Nẵng khác biệt và nổi bật so với toàn cầu

Viết Niệm - Đình Thiên 16/01/2025 19:58 GMT+7
Ông Andy Khoo, CEO của Terne Holdings cho rằng, Trung tâm tài chính Đà Nẵng có thể tự khác biệt hóa và trở nên nổi bật so với các trung tâm tài chính toàn cầu khác bằng cách tập trung vào tài chính xanh, tài chính thương mại và đổi mới Fintech.

Chiều ngày 16/1, tại TP Đà Nẵng, hội thảo "Phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam" đã diễn ra, thu hút hơn 450 đại biểu, bao gồm các chuyên gia, nhà khoa học và nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy sự phát triển của Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. 

Đồng thời, các ý kiến cũng nhấn mạnh về công tác tổ chức để bảo đảm việc xây dựng và vận hành trung tâm tài chính diễn ra một cách thiết thực, hiệu quả, tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành, qua đó gia tăng sự hấp dẫn đối với các tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Chuyên gia quốc tế chỉ đích danh yếu tố khiến Trung tâm tài chính Đà Nẵng khác biệt và nổi bật so với toàn cầu- Ảnh 1.

Hội thảo Phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam diễn ra tại TP Đà Nẵng đã thu hút sự tham gia của hơn 450 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Ảnh Viết Niệm

Xây dựng trung tâm tài chính sẽ là một đột phá về kinh tế

Theo ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam sẽ tạo ra một đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức lớn, bởi mô hình này chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam, đòi hỏi sự chung tay, đồng lòng của các bên liên quan.

Ông Trung nhận định, xu hướng chuyển dịch các trung tâm tài chính truyền thống sang mô hình trung tâm tài chính mới đang dần trở nên thịnh hành ở nhiều quốc gia, tạo cơ hội tốt để các trung tâm tài chính mới nổi khẳng định vị thế trên thị trường trong giai đoạn 20 năm qua.

Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế đặc thù, bao gồm tốc độ phát triển kinh tế nhanh, lực lượng lao động dồi dào với chất lượng ngày càng được nâng cao, cùng với hạ tầng cơ sở đang được hoàn thiện và hiện đại hóa. Nếu tận dụng tốt những cơ hội này, Việt Nam có thể thu hút dòng vốn dịch chuyển từ các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, tạo đà bứt phá và định hình một vị thế mới trên thị trường tài chính quốc tế.

Theo ông Trung, sự phát triển trung tâm tài chính quốc tế sẽ tạo ra bước chuyển mới về chất cho thị trường tài chính Việt Nam, giúp thị trường trở nên lành mạnh, hiệu quả và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Điều này không chỉ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.

Đồng thời, việc này sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín và ảnh hưởng của đất nước trên trường quốc tế. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để đưa Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ và vươn tầm của dân tộc.

Chuyên gia quốc tế chỉ đích danh yếu tố khiến Trung tâm tài chính Đà Nẵng khác biệt và nổi bật so với toàn cầu- Ảnh 2.

Theo ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT xây dựng trung tâm tài chính sẽ là một đột phá về kinh tế. Ảnh: Viết Niệm

"Việc lựa chọn mô hình và cách thức xây dựng trung tâm tài chính cần được thực hiện trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc các bài học kinh nghiệm quốc tế. Đây phải là "sân chơi" của các nhà đầu tư tài chính quốc tế, có luật chơi chung tương thích với thông lệ quốc tế nhưng cần phải phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, ưu tiên chủ quyền, đặt lợi ích quốc gia là trên hết", ông Trung cho biết.

Chuyên gia hiến kế

"Trung tâm Tài chính Đà Nẵng không chỉ là một dự án phát triển, mà còn là một tuyên ngôn táo bạo về khát vọng của Việt Nam trong việc dẫn đầu trên thị trường tài chính toàn cầu," ông Andy Khoo, CEO của Terne Holdings, nhấn mạnh trong bài phát biểu tại hội thảo.

Việt Nam hiện đang nổi lên như một ngôi sao sáng của khu vực ASEAN, với nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ổn định ở mức 6-7% mỗi năm. Dòng chảy thương mại đạt 732 tỷ USD trong năm vừa qua, cùng với hơn 120 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được thu hút trong thập kỷ qua, thể hiện sức hấp dẫn mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam.

Tầm nhìn 2045 của Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao, đồng thời hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

Chuyên gia quốc tế chỉ đích danh yếu tố khiến Trung tâm tài chính Đà Nẵng khác biệt và nổi bật so với toàn cầu- Ảnh 3.

Việt Nam hiện là ngôi sao đang lên của ASEAN. Ảnh: Viết Niệm

Nhưng câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để Việt Nam phát triển từ một trung tâm sản xuất hàng đầu thế giới thành cường quốc tài chính của Đông Nam Á? Và Đà Nẵng có thể định nghĩa lại ý nghĩa của một trung tâm tài chính cho khu vực này như thế nào?

"Với Trung tâm tài chính Đà Nẵng, chúng ta có thể đóng góp thêm 3 - 5 tỷ USD hàng năm vào GDP của Việt Nam và biến tầm nhìn này thành hiện thực" – Ông Andy Khoo đánh giá.

Theo CEO của Terne Holdings, Trung tâm tài chính Đà Nẵng có thể tự khác biệt hóa và trở nên nổi bật so với các trung tâm tài chính toàn cầu khác bằng cách tập trung vào tài chính xanh, tài chính thương mại và đổi mới Fintech.

Chuyên gia quốc tế chỉ đích danh yếu tố khiến Trung tâm tài chính Đà Nẵng khác biệt và nổi bật so với toàn cầu- Ảnh 4.

Ông Andy Khoo, CEO của Terne Holdings đánh giá với Trung tâm Tài chính Đà Nẵng, chúng ta có thể đóng góp thêm 3 - 5 tỷ USD hàng năm vào GDP của Việt Nam và biến tầm nhìn này thành hiện thực. Ảnh: Viết Niệm

Đầu tiên, về tài chính xanh, cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cùng với nhu cầu tài chính xanh trị giá 1 nghìn tỷ USD của ASEAN vào năm 2030 mang đến một cơ hội vô cùng lớn. Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng có thể dẫn đầu trong lĩnh vực này bằng cách phát hành trái phiếu xanh, tạo điều kiện cho giao dịch tín chỉ carbon và phát triển các sản phẩm tài chính dành riêng cho các nhà đầu tư quan tâm đến tính bền vững.

Thứ hai, đổi mới FinTech. FinTech đang cách mạng hóa tài chính toàn cầu và Việt Nam đã là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực về việc áp dụng tiền điện tử, nằm trong top 10 toàn cầu. Đà Nẵng có thể trở thành một sandbox cho các startup trong các lĩnh vực Blockchain, thanh toán kỹ thuật số, các giải pháp tài chính dựa trên trí tuệ nhân tạo thế hệ mới (Gen AI).

Với các chính sách khuyến khích đổi mới, Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng có thể thu hút các nhà đầu tư và các công ty công nghệ tài chính toàn cầu, đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm đổi mới FinTech trong khu vực.

Chuyên gia quốc tế chỉ đích danh yếu tố khiến Trung tâm tài chính Đà Nẵng khác biệt và nổi bật so với toàn cầu- Ảnh 5.

Khi cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) hoàn thành khiến thành phố trở thành một trung tâm tự nhiên cho tài chính thương mại. Ảnh: Viết Niệm

Thứ ba, tài chính thương mại. Vị trí địa lý của Đà Nẵng, gần các tuyến thương mại quan trọng trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cùng với sự gần gũi với các cảng lớn như Tiên Sa và Liên Chiểu, khiến thành phố trở thành một trung tâm tự nhiên cho tài chính thương mại.

"Một trong những thị trường chưa được phục vụ đầy đủ nhất ở ASEAN, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), đang đối mặt với nhu cầu tài chính thương mại chưa được đáp ứng trị giá 200 tỷ USD mỗi năm. Trung tâm tài chính Đà Nẵng có thể đáp ứng nhu cầu này bằng cách cung cấp các giải pháp tài chính thương mại mới và tạo điều kiện cho dòng vốn di chuyển xuyên biên giới một cách liền mạch", ông nói.

Cuối cùng, để tạo ra yếu tố khác biệt, ông Andy Khoo cho rằng việc triển khai Cảng Tự Do (Le Freeport) để lưu trữ an toàn cho vàng thỏi, tác phẩm nghệ thuật và đồ sưu tầm sẽ giúp Đà Nẵng thu hút các cá nhân giàu có và các ngân hàng đang tìm kiếm giải pháp tài chính dựa trên tài sản. 

Bằng cách cung cấp các cơ sở trọng tài cho các tranh chấp thương mại và các ưu đãi thuế trong khu vực kinh tế đặc biệt (SEZ), Trung tâm tài chính Đà Nẵng có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh trong thị trường tài chính toàn cầu.

Chuyên gia quốc tế chỉ đích danh yếu tố khiến Trung tâm tài chính Đà Nẵng khác biệt và nổi bật so với toàn cầu- Ảnh 6.

Trung tâm Tài chính Đà Nẵng có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh trong thị trường tài chính toàn cầu. Ảnh: Viết Niệm

GS. Michael Mainelli, Nguyên Thị trưởng Khu Tài chính London (Anh) cho rằng: Trong tầm nhìn cho trung tâm tài chính cần đổi mới và lấy khách hàng làm trung tâm để tạo ra một môi trường pháp lý và quy định cho phép sự đổi mới bền vững, cân bằng giữa chi phí và bảo vệ quy định. 

Giáo sư Michael Mainelli, Nguyên Thị trưởng Khu Tài chính London (Anh), nhấn mạnh rằng tầm nhìn xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế cần dựa trên sự đổi mới và lấy khách hàng làm trung tâm.

Ông Mainelli cũng đề xuất nâng cao tính thông minh của trung tâm tài chính, với khả năng hiểu và quản lý hiệu quả các công nghệ tài chính ngày càng phức tạp. Điều này sẽ giúp mở ra các thị trường mới, đồng thời cung cấp những dịch vụ tài chính cải tiến, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

"Bên cạnh đó, cần xây dựng một hệ sinh thái bao quát, với các dịch vụ kinh doanh và khung quy định công bằng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người – đặc biệt là những cá nhân có ý định khởi nghiệp trên thị trường," ông Mainelli nhấn mạnh. Ông cũng khuyến nghị rằng trung tâm tài chính cần mang lại chất lượng sống tốt, nhằm thu hút nhân tài có năng lực cao và giữ chân họ trong môi trường làm việc sáng tạo, bền vững.

Các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung vào 5 việc lớn

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã cảm ơn các diễn giả, chuyên gia trong và ngoài nước đã có những nhận định chính xác, nghiên cứu thiết thực và có nhiều gợi mở rất quan trọng trong việc nghiên cứu hình thành các Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. 

Việt Nam sẽ tiếp thu các ý kiến, kinh nghiệm quốc tế để quyết tâm hình thành và phát triển Trung tâm tài chính để thúc đẩy phát triển kinh tế, giúp người dân ấm no, hạnh phúc hơn.

Chuyên gia quốc tế chỉ đích danh yếu tố khiến Trung tâm tài chính Đà Nẵng khác biệt và nổi bật so với toàn cầu- Ảnh 7.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chỉ đạo, trong thời gian tới, các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung vào 5 việc lớn

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cũng chỉ đạo, trong thời gian tới, các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung vào 5 việc lớn. Trong đó quan trọng nhất là cần hoàn thiện hạ tầng pháp lý và cơ chế chính sách ưu đãi theo hướng thông thoáng, cởi mở, minh bạch và đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ 2 về nhân lực, Phó Thủ tướng cho rằng cần sớm đào tạo, cử chuyên gia đi học hỏi thực tiễn thế giới để đảm bảo cung cấp đủ đội ngũ các chuyên gia quản trị, vận hành, xử lý rủi ro, giải quyết tranh chấp trong các Trung tâm tài chính. 

Thứ 3, các bộ ngành, địa phương cần sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ sinh thái hoàn thiện phục vụ các Trung tâm tài chính.

Chuyên gia quốc tế chỉ đích danh yếu tố khiến Trung tâm tài chính Đà Nẵng khác biệt và nổi bật so với toàn cầu- Ảnh 8.

Lễ trao các thoả thuận hợp tác giữa TP Đà Nẵng và các đơn vị. Ảnh: Viết Niệm

Thứ 4, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo phải lựa chọn định hướng phát triển đúng đắn ngay từ đầu, phù hợp với điều kiện và định hướng của Việt Nam như phát triển Fintech, Blockchain,…

Cuối cùng, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng đề nghị các chuyên gia, nhà đầu tư quốc tế sẽ tiếp tục phối hợp với Việt Nam trong kết nối, kêu gọi, thu hút đầu tư, sớm hình thành và phát triển các Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.