Ngày mai (17/1) sẽ chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng GPBank và DongA Bank
Ngày mai (17/1) sẽ chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng GPBank và DongA Bank
L. Anh
Thứ năm, ngày 16/01/2025 17:52 PM (GMT+7)
Dự kiến, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức lễ công bố quyết định về việc chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng là Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) vào ngày mai 17/1.
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết chuyển giao đối với 2 ngân hàng yếu kém, bao gồm 1 ngân hàng từng mua lại 0 đồng là Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Đông Á (DongA Bank).
"Vài ngày tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành Quyết định và tổ chức lễ chuyển giao", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói tại Hội nghị.
Tháng 10/2024, sau một thời gian dài, NHNN đã chính thức chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng yếu kiếm, cụ thể: Vietcombank nhận chuyển giao CBBank và MB nhận chuyển giao OceanBank (nay đã đổi tên thành MVB).
Theo nguồn tin của PV Dân Việt, ngân hàng 0 đồng GPBank và ngân hàng yếu kém DongA Bank dự kiến sẽ chuyển giao vào ngày mai (17/1).
Hiện, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) đã công bố chủ trương nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém.
Tình hình của GPBank và DongA Bank trước chuyển giao?
GPBank là một trong 3 ngân hàng được NHNN mua lại với giá “0 đồng” kể từ năm 2015. Đồng nghĩa, Ngân hàng Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ của GPBank, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu.
Trong khi đó, dù bị NHNN đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ 13/8/2015 nhưng DongA Bank không thuộc diện “ngân hàng 0 đồng”. Kể từ khi bị kiểm soát đặc biệt, nhà băng này đã ngừng công bố báo cáo tài chính.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Ban Kiểm soát đặc biệt DongA Bank, kể từ ngày 14/8/2015, toàn bộ cổ đông DongA Bank không được chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp đặc biệt, NHNN xem xét việc chuyển nhượng cổ phần trên cơ sở đề xuất của Ban Kiểm soát đặc biệt.
Quyết định trên đồng nghĩa với việc đóng băng tài sản của các cổ đông trước khi có quyết định tiếp theo về số phận của ngân hàng.
Trước thời điểm bị rơi vào diện kiểm soát đặc biệt, DongA Bank có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng. 100% cổ đông trong nước, trong đó cổ đông pháp nhân chiếm tỷ lệ 40,68%, cổ đông cá nhân chiếm 59,32%.
Các ngân hàng hưởng lợi gì khi nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém?
Với việc nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém, các nhà băng có thể nhận được sự hỗ trợ, điều kiện từ phía Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng (TCTD), các quy định của pháp luật có liên quan được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại Phương án chuyển giao bắt buộc. Điều này được đánh giá là tạo ra cho ngân hàng động lực mới, cơ hội phát triển mới.
Đồng thời, theo quy định, những ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém có thể được nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại từ mức 30% lên 49%.
Ngoài việc được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, đã được Luật TCTD 2024 quy định, với những tổ chức tín dụng trong diện phải chuyển giao bắt buộc, Ngân hàng Nhà nước cũng xây dựng các cơ chế ưu đãi như: được Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến 0% trong thời gian thực hiện chuyển giao bắt buộc, không phải thực hiện các tỷ lệ an toàn hoạt động, không bị giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.