Dân Việt

Độc đáo ngôi chùa nghìn năm nằm sâu trong hang đá, thụ lộc hàng nghìn phần cơm chay và bún riêu chay nóng hổi

Kiều Anh 04/02/2025 14:29 GMT+7
“Tận mắt tham quan, vãn cảnh chùa, tôi bất ngờ vì vị trí độc đáo như vậy. Đứng ở trên tầng cao nhất và đưa mắt ra xa là dường như còn có thể chiêm ngưỡng được khung cảnh biển Đồ Sơn nữa”, chị Thu Phương (24 tuổi) chia sẻ với Dân Việt.

Đi lễ chùa đầu năm ở Hải Phòng: Ngôi chùa thiên tạo tựa lưng vào núi, mặt hướng ra biển

Độc đáo ngôi chùa nghìn năm nằm sâu trong hang đá, thụ lộc hàng nghìn phần cơm chay và bún riêu chay nóng hổi - Ảnh 1.

Di tích toạ lạc tại Khu 1, phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 22 km về hướng Đông Nam. (Ảnh: Kiều Anh)

Trong không khí rộn ràng của những ngày đầu năm mới, phong tục đi lễ chùa đã trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu của người Việt. Đi dọc tuyến đường ven biển thuộc quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng, vẻ đẹp cổ kính rêu phong cùng kiến trúc độc đáo của chùa Hang (Khu 1, phường Hải Sơn) khiến du khách "say lòng" ngay từ cái nhìn đầu tiên. 

Tọa lạc tại vị trí "tựa sơn – vọng thủy", ngôi chùa cổ tự khởi nguồn cho nền Phật giáo Việt Nam còn được nhiều du khách thập phương tìm đến để dâng hương, chiêm bái, cầu an lạc trong năm mới.

Độc đáo ngôi chùa nghìn năm nằm sâu trong hang đá, thụ lộc hàng nghìn phần cơm chay và bún riêu chay nóng hổi - Ảnh 2.

Nhìn từ xa, chùa, tháp, nhà thờ tổ,… hợp lại thành một quần thể kiến trúc độc đáo về dáng vóc, đa dạng về hình khối. (Ảnh: Kiều Anh)

Theo truyền ngôn địa phương, một nhà sư người nước Thiên Trúc (thường gọi là sư Bần) đến truyền đạo và tu hành ở chùa Hang, Đồ Sơn từ thế kỷ 2 trước Công nguyên. Đây là nơi Phật giáo truyền bá sớm nhất vào nước ta qua đường biển. Ngài cũng dựng một chùa ở núi Mẫu Sơn làm nơi thuyết pháp, sau Ngài thi tịch tại chùa Hang và Chử Đồng Tử là đệ tử chân truyền đầu tiên của Ngài.

Độc đáo ngôi chùa nghìn năm nằm sâu trong hang đá, thụ lộc hàng nghìn phần cơm chay và bún riêu chay nóng hổi - Ảnh 3.

Cảnh chùa còn giữ được nhiều nét sơ khai nguyên thuỷ như để thích ứng với điều kiện khí hậu ẩm của vùng biển như Đồ Sơn. (Ảnh: Kiều Anh)

Chia sẻ với Dân Việt, Đại đức Thích Giác Hiệu (Trụ trì chùa Hang) cho biết: "Sư Bần dựng chùa trong lòng một hang đá lớn ven sườn núi cao 35 m, rộng 7 m và chia thành hai bậc thềm trong - ngoài. Chùa có cấu trúc hình thang, xuyên thẳng vào trong núi với độ sâu khoảng 25 m. Vì thế, chùa có tên là chùa Hang (còn gọi là Cốc tự).

Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định đây là địa điểm đầu tiên của Phật giáo du nhập vào nước ta, từ đây truyền lên vùng Luy Lâu – Dâu huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, rồi từ Luy Lâu chuyển sang Bành Thành – Lạc Dương, Trung Quốc."

Độc đáo ngôi chùa nghìn năm nằm sâu trong hang đá, thụ lộc hàng nghìn phần cơm chay và bún riêu chay nóng hổi - Ảnh 4.

Đi sâu vào phía trong hang núi là tượng Phật Quang - người đã dạy đạo cho Chử Đồng Tử. (Ảnh: Kiều Anh)

Chùa Hang có 3 tầng với tòa Tam Bảo nằm ở tầng 2, trên cùng là Tây Phương điện thờ Phật A Di Đà. Ngay từ những bước chân đầu tiên vào chùa, du khách dường như "choáng ngợp" bởi cảnh sắc núi non, mây trời đẹp hữu tình với những hàng cây xanh mướt, đàn chim bồ câu trắng muốt cùng tiểu cảnh ngập tràn sắc xuân được trang hoàng độc đáo. 

Chùa Hang vẫn còn nhiều di vật đáng quý như bàn thờ đá, tượng A di đà - pho tượng sư tổ bằng đá xanh tọa thiền trên đài sen. Dọc theo mặt tiền chùa là các pho tượng La Hán với nhiều tư thế, biểu cảm sắc thái khác nhau.

Độc đáo ngôi chùa nghìn năm nằm sâu trong hang đá, thụ lộc hàng nghìn phần cơm chay và bún riêu chay nóng hổi - Ảnh 5.

Du khách đến chiêm bái trong những ngày đầu năm mới. (Ảnh: Kiều Anh)

"Được xếp hạng là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp thành phố năm 2010, Ban Hộ Tự chùa cùng Phật tử địa phương và du khách thập phương đang tiếp tục bảo tồn, tôn tạo chùa nhằm giữ gìn di tích", trụ trì Thích Giác Hiệu cho biết.

Đi lễ chùa đầu năm ở Hải Phòng Hải Phòng: Giới trẻ vãn cảnh, check-in trong không gian mang đậm nét văn hóa cổ truyền với các góc hình độc đáo, mới lạ

Độc đáo ngôi chùa nghìn năm nằm sâu trong hang đá, thụ lộc hàng nghìn phần cơm chay và bún riêu chay nóng hổi - Ảnh 6.

Trên mái chùa được treo những dải đèn lồng mang sắc vàng, sắc đỏ lung linh. (Ảnh: Kiều Anh)

Giữa tiết trời giá rét của ngày đầu xuân mới, hàng nghìn du khách vẫn "chen chân" đến chùa Hang từ sáng sớm đến tối mịt để tham quan, chiêm bái. Là người con của miền biển Đồ Sơn, chị Nguyễn Thị Thảo Hương (32 tuổi, phường Hợp Đức) giữ "phong tục" đến lễ chùa Hang vào ngay sau khoảnh khắc giao thừa. 

Chị Hương cho biết, điều này đã trở thành thông lệ và cũng là dịp để chị vãn cảnh, bỏ lại những vất vả nhọc nhằn của năm cũ, mong cầu bình an ở năm mới.

Độc đáo ngôi chùa nghìn năm nằm sâu trong hang đá, thụ lộc hàng nghìn phần cơm chay và bún riêu chay nóng hổi - Ảnh 7.

Chùa Hang Đồ Sơn tạo nên sự hấp dẫn khó cưỡng bởi mang đậm vẻ thanh bình, hài hòa. (Ảnh: Kiều Anh)

"Khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới rất thiêng liêng, bản thân tôi chọn khoảnh khắc đầu tiên của năm mới đi chùa Hang lễ Phật là để gửi gắm những ước vọng của bản thân vào cõi thiêng, gột rửa những xui xẻo của năm cũ, đồng thời xoa dịu đi nỗi lo toan, thả mình vào sự thanh tịnh, thư thái. Cả năm tôi làm việc xa nhà, tận trong thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có dịp Tết này tôi mới được về nhà, về chùa Hang để duy trì tập tục chiêm bái đã có từ thời ấu thơ của mình", chị Hương bộc bạch.

Độc đáo ngôi chùa nghìn năm nằm sâu trong hang đá, thụ lộc hàng nghìn phần cơm chay và bún riêu chay nóng hổi - Ảnh 8.

Du khách thập phương hòa mình vào chốn tâm linh, gạt bỏ những nhọc nhằn vất vả của năm cũ. (Ảnh: Kiều Anh)

Cùng gia đình đến chùa Hang vào chiều mùng 5 Tết, bà Nguyễn Thị Nguyệt (phố Thiên Lôi, Hải Phòng) cho biết đây là chốn tâm linh đầu tiên bà ghé đến sau khoảng thời gian đi chúc Tết họ hàng, bận rộn bày biện các mâm cỗ Tết truyền thống.

Chia sẻ với Dân Việt, bà Nguyệt cho hay: "Từ nhà tôi đến chùa Hang mất khoảng 30 phút di chuyển. Vài năm trở lại đây, cả nhà tôi mới cùng nhau đi chùa như vậy. Tôi không phải là người quá tâm linh, không theo đạo, nhưng thói quen đi chùa đầu năm thì tôi vẫn giữ. Tôi đến chùa để cầu nguyện, để thấy lòng mình nhẹ nhõm và cũng để tham quan, vãn cảnh rồi nhắc nhớ con cháu luôn phải hướng về cội nguồn, giữ sự thanh tịnh thư thái để trưởng thành hơn, chín chắn điềm đạm hơn."

Độc đáo ngôi chùa nghìn năm nằm sâu trong hang đá, thụ lộc hàng nghìn phần cơm chay và bún riêu chay nóng hổi - Ảnh 9.

Là một người trẻ có niềm đam mê với giá trị truyền thống, phong tục cổ truyền của Việt Nam, chị Thu Phương ấn tượng với lối kiến trúc độc đáo, khác biệt hoàn toàn so với những ngôi chùa ở Hải Phòng mà chị đã từng đặt chân đến. (Ảnh: Kiều Anh)

Chăm chú quan sát những tiểu tiết trên các bức tượng được đặt trong khuôn viên chùa, chị Nguyễn Thị Thu Phương (24 tuổi) ấn tượng với lối kiến trúc độc đáo, khác biệt hoàn toàn so với những ngôi chùa ở Hải Phòng mà chị đã từng đặt chân đến. Chị Phương cho hay: "Tôi đã đi rất nhiều chùa ở Hải Phòng, nhưng ở chùa Hang mang một nét rất đặc biệt. Họ để ý chú trọng vào những tiểu tiết, cách bài trí đẹp, dù khuôn viên không quá rộng song vẫn khiến tôi hào hứng muốn tham quan tiếp.

Là một người trẻ có niềm đam mê với giá trị truyền thống, phong tục cổ truyền của Việt Nam, tôi đến chùa cầu nguyện và cũng bởi tò mò cảnh quan như thế nào, tại sao lại là "tựa sơn – hướng thủy". Tận mắt tham quan, vãn cảnh tôi mới thấy bất ngờ vì vị trí độc đáo như vậy. Đứng ở trên tầng cao nhất và đưa mắt ra xa là dường như còn có thể chiêm ngưỡng được khung cảnh biển Đồ Sơn nữa."

Độc đáo ngôi chùa nghìn năm nằm sâu trong hang đá, thụ lộc hàng nghìn phần cơm chay và bún riêu chay nóng hổi - Ảnh 10.

Chùa Hang còn được đông đảo Phật tử, người dân địa phương và du khách thập phương ghé đến để chụp những tấm hình lưu niệm trong ngày Xuân ngập sắc màu. (Ảnh: Kiều Anh)

Không chỉ là chốn tâm linh thanh tịnh, chùa Hang còn được đông đảo Phật tử, người dân địa phương và du khách thập phương ghé đến để chụp những tấm hình lưu niệm trong ngày Xuân ngập sắc màu. Những cây anh đào tỏa hồng rực rỡ cả một khoảng không gian, những dải đèn lồng màu đỏ, vàng bắt mắt treo đầy khắp lối và rất nhiều các góc "sống ảo" khác nhau. Bên cạnh đó, chùa Hang cũng tổ chức nhiều hoạt động và lễ hội trong dịp đầu Xuân.

Độc đáo ngôi chùa nghìn năm nằm sâu trong hang đá, thụ lộc hàng nghìn phần cơm chay và bún riêu chay nóng hổi - Ảnh 11.

Càng về tối, không gian check-in bên ngoài cửa chùa càng trở nên lung linh. (Ảnh: Kiều Anh)

Chia sẻ với Dân Việt, trụ trì Thích Giác Hiệu cho biết: "Năm nay, hàng nghìn suất cơm chay, bún riêu chay, khoai sắn được chùa chuẩn bị để bà con đến thụ lộc. Theo truyền thống, Phật tử đến chiêm bái chùa sẽ được phát lì xì lấy may dịp đầu năm, ước nguyện đón 1 cái Tết ấm no hạnh phúc và tràn đầy niềm vui. Ban Hộ Từ chùa cũng cố gắng bảo tồn giá trị đích thực, cốt lõi vốn có của chùa Hang, mong muốn bà con tìm được giây phút quý giá, hòa mình vào chốn tâm linh, gạt bỏ những nhọc nhằn vất vả của năm cũ. Sắp tới vào ngày 12 Âm lịch, tại chùa sẽ diễn ra lễ Thượng nguyên để cầu nguyện cho quốc thái dân an."