Đặc sản Hải Phòng vào mùa, nhìn thì “phát sợ” nhưng ăn lại thấy thơm ngon, béo ngậy

Kiều Anh (tổng hợp) Thứ bảy, ngày 09/11/2024 09:30 AM (GMT+7)
Thịt chuột đồng là một nguyên liệu đặc trưng trong ẩm thực của nhiều huyện thuộc Hải Phòng như Kiến Thụy, Vĩnh Bảo và Tiên Lãng. Món ăn này trở thành đặc sản thu hút nhiều thực khách đến thưởng thức.
Bình luận 0

Theo kinh nghiệm của người dân, khoảng thời gian từ tháng 9 đến đầu tháng 11 âm lịch là lúc chuột đồng đạt chất lượng tốt nhất. Vào mùa này, chuột thường tìm đến các cánh đồng lúa chín để tìm mồi, nhờ đó mà chúng tích tụ mỡ, trở nên béo tốt. Đây cũng là lý do người dân tranh thủ dịp này để bắt chuột, không chỉ để bảo vệ mùa màng mà còn như một cách tạo thêm thu nhập hoặc chuẩn bị nguyên liệu cho các món ăn ngon.

Món ăn đặc sản ở Hải Phòng: Đến hẹn lại lên, người dân gác lại công việc, vác thuổng ra đồng "săn" chuột

Đặc sản Hải Phòng vào mùa, nhìn thì “phát sợ” nhưng ăn lại thấy thơm ngon, béo ngậy - Ảnh 1.

Không chỉ người làng Tú Đôi, mà nhiều thực khách trong và ngoài huyện Kiến Thụy mê mẩn món thịt chuột Tú Đôi. Hiện thịt chuột đã trở thành "món đinh" của một số nhà hàng sang trọng trong huyện. (Ảnh: Giải trí Art Time)

Làng Tú Đôi, xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng nổi tiếng với nghề săn chuột đồng và thú ăn thịt chuột mỗi độ thu về. Bao nhiêu năm trong nghề, ai nấy đều hình thành phản xạ nên chỉ cần tiếng động nhẹ là lập tức đuổi, vồ, bắt bằng được con chuột, rồi bẻ răng, cho vào giỏ.

Họ không dùng chó săn, cũng chẳng dội nước hay hun khói như ngày trước. Thấy hang nào có nhiều vết chân, tức có chuột bên trong, thì căng lưới rồi lấy thuổng đào tận tổ. Chuột chạy ra, sa lưới và bị người ta tóm sống từng con bỏ vào rọ. Khắp nơi rộn tiếng hò reo mừng "chiến tích" mỗi khi bắt được chú chuột đồng béo múp. Tiếng bước chân chạy đuổi chuột rầm rập. Tiếng chuột bị bắt kêu chí chóe. Thêm những lời trầm trồ của khách qua đường dừng lại xem cảnh bắt chuột.

Đặc sản Hải Phòng vào mùa, nhìn thì “phát sợ” nhưng ăn lại thấy thơm ngon, béo ngậy - Ảnh 2.

Người dân địa phương thường mua nguyên liệu về để tẩm ướp gia vị và chế biến chuột thành nhiều món ăn hấp dẫn như nướng, quay lu, hay xào lăn. (Ảnh: @Gia Minhh)

Được biết, mỗi ngày, làng Tú Đôi cung cấp ra thị trường khoảng 400 - 500kg thịt chuột luộc hoặc làm sẵn.

Theo các bậc cao niên trong vùng, người làng Tú Đôi có truyền thống bắt chuột và ăn thịt chuột từ hơn 100 năm qua. Thời gian đầu, do kinh tế khó khăn, người dân nơi đây dùng thịt chuột để cải thiện bữa cơm trong gia đình. Sau đó, dù kinh tế khá giả, nhiều người vẫn thích ăn bởi mê cái béo ngậy, đậm đà của thịt chuột.

Người làm nghề ở làng Tú Đôi không bắt chuột quanh năm, mà chỉ từ tháng 9 đến đầu tháng 11 Âm lịch, khi chuột tìm đến những ruộng lúa chín ăn thóc tích mỡ để chống chọi với cái lạnh giá của mùa đông (chuột se đông).

Món ăn đặc sản ở Hải Phòng: Thịt chuột được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, nhiều du khách sau khi thưởng thức đã nhận định "ngon hơn cả thịt gà"

Đặc sản Hải Phòng vào mùa, nhìn thì “phát sợ” nhưng ăn lại thấy thơm ngon, béo ngậy - Ảnh 3.

Chuột chính mùa béo mum múp, theo người dân, thịt chuột đồng vừa ăn ngon vừa diệt được mầm họa phá mùa lúa, giúp cho bà con thôn xóm đảm bảo năng suất lúa. (Ảnh: @Gia Minhh)

Sau khi bắt chuột đồng, người dân sẽ trụng chúng qua nước sôi để giúp làm sạch lông, rồi sau đó thui trên lửa. Phương pháp này không chỉ giúp lớp da chuột trở nên vàng ươm mà còn tạo nên hương vị thơm ngon hấp dẫn cho món ăn.

Sau khi thui xong, quá trình chế biến tiếp theo là lọc bỏ nội tạng và phần mỡ ở hai bên háng, cũng như loại bỏ đầu và chân, rồi rửa sạch với nước muối để đảm bảo vệ sinh. Tùy thuộc vào thói quen của từng vùng, nhiều người còn giữ lại gan chuột vì phần này có độ béo ngậy và vị ngon đặc trưng.

Để làm mất mùi tanh, người dân thường ngâm thịt chuột trong nước gừng hoặc nước cốt chanh từ 10 đến 15 phút trước khi tiến hành nấu nướng. Thịt chuột có thể được chế biến thành nhiều món ngon, nhưng chế biến thịt chuột luộc là phương pháp phổ biến nhất nhờ vào sự đơn giản và khả năng giữ lại hương vị nguyên bản của nó.

Đặc sản Hải Phòng vào mùa, nhìn thì “phát sợ” nhưng ăn lại thấy thơm ngon, béo ngậy - Ảnh 4.

Một nồi chuột luộc vừa được mang từ trong bếp ra. (Ảnh: tepbac.com)

Quá trình chế biến bắt đầu bằng việc sơ chế thịt chuột thật sạch sẽ, sau đó cuộn chặt lại và cho vào nồi nước sôi để luộc trong khoảng 7-10 phút. Để tăng thêm sự hấp dẫn cho nước luộc, nhiều người thường cho thêm gừng, muối và các gia vị như hành, tiêu, hoặc mắm, giúp thịt trở nên đậm đà và dậy mùi thơm.

Sau khi luộc, thay vì thưởng thức ngay, người dân nơi đây thường thực hiện thêm một số bước để món ăn thêm phần hấp dẫn. Một trong những cách phổ biến là để thịt qua đêm, thậm chí có thể dùng lá ré (loại cây có hình dáng giống riềng, mọc tự nhiên ở nhiều vùng quê) để tạo thêm hương vị.

Sau khi luộc thịt chuột, mọi người thường để ráo, trải lá chuối xuống, lót một lớp lá ré bên trong rồi đặt phần thịt chuột vào giữa. Tùy theo sở thích, người ta có thể thêm vào một số nguyên liệu khác như lá gừng, lá riềng, chanh hay sả được giã hoặc thái nhỏ nhằm tăng thêm mùi vị. Cuối cùng, mọi người cuộn chặt thịt chuột với lá ré và dùng cối đá hoặc một vật nặng để đè lên trên. Quá trình ép thịt chuột không chỉ giúp thịt săn chắc mà còn làm tăng độ dai và hương vị đặc trưng từ lá ré, mang đến trải nghiệm ẩm thực đặc sắc.

Đặc sản Hải Phòng vào mùa, nhìn thì “phát sợ” nhưng ăn lại thấy thơm ngon, béo ngậy - Ảnh 5.

Chuột sau khi bắt về làm sạch lông, bỏ hoi, bỏ ruột (giữ lại phần gan béo ngậy) rồi cuộn tròn luộc trong nồi gang, bên dưới có lót lớp lá ré (loại cây mọc nhiều ở các vùng nông thôn, về hình dáng giống cây riềng). (Ảnh: tepbac.com)

Đến lúc thưởng thức, người ta thường gỡ bỏ các lớp lá bao bọc bên ngoài, sau đó chặt thịt chuột luộc thành những miếng nhỏ vừa miệng và trình bày trên đĩa, rắc thêm một chút lá chanh được thái nhỏ lên trên để tăng thêm phần hấp dẫn. Thịt chuột luộc có thể được chấm với nước mắm gừng pha thêm ớt tươi để tạo sự cay nồng, hoặc đơn giản chỉ là muối ớt chanh, tất cả đều mang lại hương vị thơm ngon khó cưỡng.

Khi đến các huyện như Kiến Thụy, Vĩnh Bảo hay Tiên Lãng vào mùa lúa chín, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp những mẻ chuột đồng được chế biến sẵn, bày bán tại các chợ dân sinh với mức giá dao động từ 220.000 đến 250.000 đồng/kg.

Đặc sản Hải Phòng vào mùa, nhìn thì “phát sợ” nhưng ăn lại thấy thơm ngon, béo ngậy - Ảnh 6.

Thịt chuột được người làng Tú Đôi, xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng đào bắt có giá lên tới 250.000 đồng/kg. (Ảnh: Báo Lao động)

Người dân địa phương thường mua nguyên liệu này về để tẩm ướp gia vị và chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như nướng, quay lu, hay xào lăn. Đặc biệt, một số nghệ nhân ẩm thực còn sáng tạo ra những món độc đáo như xôi chuột và giả cầy, mang đến sự phong phú và đa dạng cho ẩm thực bản địa. Theo chia sẻ của người dân, ban đầu, có thể nhiều du khách cảm thấy e ngại với món ăn này, nhưng một khi đã dám thử, họ sẽ nhận ra rằng thịt chuột đồng thực sự ngon hơn cả thịt gà.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem