Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (tháng 11/2024), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, trong đó tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% và phấn đấu khoảng 7-7,5%.
Tuy nhiên, Hội nghị TW của Đảng họp hồi tháng 1/2025 đã chỉ đạo và Chính phủ vừa trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (tại phiên họp thứ 42 diễn ra sáng 5/2) Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Việc đạt được mức tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025 sẽ là tiền đề để hướng đến tốc độ tăng trưởng cao hơn trong những năm tiếp theo, với kỳ vọng đạt mức hai con số (trên 10%). Nội dung này dự kiến sẽ được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp bất thường thứ 9 sẽ diễn ra từ 12-18/2 tới.
Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết: Để đạt mục tiêu tăng trưởng, doanh nghiệp, người dân cần có tiền để đầu tư, phát triển. Thông thường, để có 1 điểm % tăng trưởng kinh tế, tín dụng phải tăng 2 điểm %.
Nhìn lại những năm trước, năm 2023 GDP tăng trưởng 7%, đi kèm với mức tăng trưởng tín dụng 14,55%. Đến năm 2024, GDP tăng 7,09% và tín dụng đạt 15,08%. Như vậy, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% năm 2025, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 16%, tương đương 2,5 triệu tỷ đồng vốn bơm thêm vào nền kinh tế. Nếu tăng trưởng GDP đạt 10%, tín dụng cần tăng đến 18-20%, đồng nghĩa với số tiền từ ngân hàng rót thêm vào nền kinh tế lên tới 3,1 triệu tỷ đồng.
Cơ sở để tín dụng tăng 18% - 20%
Bình luận về vấn đề này với PV Dân Việt, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng việc bàn đến tăng trưởng tín dụng 18-20% vào thời điểm này có phần sớm, bởi nền kinh tế chưa đủ động lực để nhảy vọt từ mức tăng trưởng GDP 7% lên 10% hoặc cao hơn nữa ngay trong năm nay.
Tuy nhiên, ông cho biết, tăng trưởng GDP dự kiến sẽ đạt hai con số từ năm 2026 khi triển khai các dự án quan trọng như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và cao tốc Vân Nam - Hải Phòng. Theo đó, các dự án này dự kiến khởi công từ cuối năm 2025, với dòng vốn đầu tư mỗi năm ít nhất 8 -10 tỷ USD, tương đương khoảng 2 điểm % tăng trưởng GDP, giúp tăng trưởng kinh tế bứt phá từ 2026.
"Từ năm 2026, mỗi năm dự kiến sẽ có ít nhất 8 - 10 tỷ USD được rót vào nền kinh tế khi các dự án trọng điểm được triển khai. Nếu năm 2025 GDP tăng trưởng 8%, thì đến năm 2026, chỉ riêng khoản đầu tư này có thể đóng góp thêm khoảng 2 điểm %, giúp tăng trưởng GDP đạt mức 10%", TS Nghĩa phân tích.
Tuy nhiên, để có được nguồn vốn đầu tư này, ông Nghĩa nhấn mạnh rằng cần có sự tham gia của hệ thống ngân hàng. Cụ thể, các ngân hàng thương mại sẽ đóng vai trò người mua trái phiếu Chính phủ, khi Chính phủ phát hành trái phiếu để huy động vốn cho đầu tư. Khi các ngân hàng mua trái phiếu này, khoản tiền đó cũng được tính vào tăng trưởng tín dụng.
Với nguồn đầu tư lớn như vậy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18 - 20% sẽ không còn là thách thức, và việc làm thế nào để đặt được tăng trưởng tín dụng 18% - 20% khi đó không còn là vấn đề phải đặt ra.
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia lưu ý, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cao, hỗ trợ cho đà phát triển 2 con số của kinh tế, ngoài tín dụng cho hạ tầng thông qua mua trái phiếu Chính phủ, ngân hàng cần mở rộng tín dụng hướng vào các loại bất động sản liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, đến phát triển các nhà ga, các đô thị nhỏ và toàn bộ thị trường bất động sản đang đóng băng cũng cần phải tháo gỡ.
"Quan trọng nhất là tín dụng vào bất động sản lành mạnh, tức là xây dựng nhà ở (kể cả nhà ở xã hôi), bất động sản phát triển các nhà ga, các đô thị nhỏ gắn liền với các nhà ga, đường sắt,...", ông Nghĩa cho hay.
Trong lĩnh vực sản xuất, tín dụng ngân hàng nên ưu tiên ngành nông nghiệp, bởi xuất khẩu nông sản vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong những năm qua, ngay cả khi thương mại toàn cầu gặp biến động. Các doanh nghiệp nông nghiệp đang cần nguồn vốn để mở rộng sản xuất, gia tăng giá trị chế biến sâu, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế. Vì vậy, ngân hàng cần có cơ chế linh hoạt để hỗ trợ tín dụng cho ngành này.
Ngân hàng thu hút vốn bằng chính sách lãi suất hợp lý để đủ nguồn lực phục vụ nền kinh tế
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, tiếp cận bài toán tăng trưởng GDP và tín dụng từ một góc nhìn khác.
Ông nhấn mạnh rằng, tăng trưởng kinh tế hai con số không thể chỉ dựa vào hệ thống ngân hàng, mà cần có các giải pháp đồng bộ. Một trong những yếu tố then chốt là đẩy mạnh đầu tư công để tạo động lực cho nền kinh tế. Khi đầu tư công được thúc đẩy, các nhà máy, xí nghiệp mở rộng sản xuất, kéo theo nhu cầu vay vốn tăng lên, giúp khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cải thiện đáng kể.
"Năm 2024, các ngân hàng phải 'đỏ mắt' tìm kiếm doanh nghiệp tốt để cho vay. Nhưng nếu nền kinh tế vận hành hiệu quả, nhu cầu vay vốn sẽ tự nhiên tăng lên, doanh nghiệp phát triển bền vững hơn và ngân hàng không cần phải tìm cách đẩy vốn ra thị trường như trước", ông Hùng cho hay.
Cũng theo ông Hùng, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao, đồng thời cũng có những giải pháp đồng bộ để tạo đà tăng trưởng, như đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tháo gỡ điểm nghẽn trong các dự án, cải cách thể chế,… Khi động lực kinh tế trở nên mạnh mẽ, nhu cầu vốn trong các ngành kinh tế cũng sẽ tăng trưởng tương ứng. Khi đó, tăng trưởng tín dụng 18 - 20% không phải áp lực, mà hoàn toàn là nhu cầu thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển mạnh mẽ.
Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ của ngân hàng là đảm bảo nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư và phát triển của doanh nghiệp, nền kinh tế thông qua việc huy động vốn với lãi suất hợp lý để thu hút tiền gửi từ dân cư.
Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh rằng các bộ ngành, doanh nghiệp cần sử dụng vốn hiệu quả, và muốn sử dụng vốn có hiệu quả phải giảm lãng phí, tránh lãng phí như Tổng Bí Thư Tô Lâm đã chỉ đạo. Khi đó, năng suất lao động tăng lên và GDP bình quân đầu người tăng lên, người dân có tích lũy, dòng tiền sẽ quay trở lại hệ thống ngân hàng, tạo nguồn vốn "rót" vào nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng.
"Ngân hàng phải có nguồn lực mới cho vay được, ngân hàng không thể tự in tiền. Vì vậy, việc đồng bộ các chính sách là rất quan trọng", ông Hùng khẳng định.
Trước mục tiêu tăng trưởng GDP cao năm nay và tạo tiền đề cho cho giai đoạn 2026-2030 mà Chính phủ đã định hướng, tín dụng chỉ là một trong những nguồn lực quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo Lãnh đạo NHNN, trong trường hợp cần có vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu thì Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ điều hành của mình trong việc cung ứng vốn, tái cấp vốn hoặc các hình thức phù hợp thông qua các nghiệp vụ điều hành thị trường tiền tệ. Đồng thời, ngành ngân hàng rất mong nền kinh tế nhận được nhiều nguồn vốn khác như trái phiếu doanh nghiệp, nguồn vốn tư nhân, nguồn vốn ngân sách... để giảm áp lực cho tín dụng, để cùng thúc đẩy tăng trưởng bền vững.