Giới chuyên gia dự báo, năm 2025 sẽ là thời điểm bùng nổ của chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI). Những bước tiến này hứa hẹn không chỉ tạo nên những đột phá kinh tế mà còn mở ra cơ hội đổi mới mô hình tăng trưởng, tận dụng hiệu quả cả động lực truyền thống và nguồn lực mới.


Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Mặc dù bối cảnh quốc tế và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức như lạm phát tăng cao, xung đột địa chính trị kéo dài, và sự tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế lớn, kinh tế Việt Nam đã vượt qua khó khăn để đạt được những thành tựu nổi bật.

Kinh tế Việt Nam 2025: Trỗi dậy những động lực mới- Ảnh 1.


Nói về những dấu ấn lớn với Dân Việt, TS Võ Trí Thành – Chuyên gia Kinh tế cho biết, Việt Nam tiếp tục duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, với lạm phát dự báo được kiểm soát ở mức dưới 4% trong năm 2024. Đặc biệt, trong một thế giới có nhiều bất ổn với tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu ước khoảng 3,2%, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đạt trên 7%, thuộc top 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Kinh tế Việt Nam 2025: Trỗi dậy những động lực mới- Ảnh 2.

Dòng vốn FDI cũng đánh dấu bước tiến đáng kể với tổng giải ngân đạt 21,68 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm, cao nhất trong giai đoạn 5 năm (2020 - 2024). Việt Nam nổi bật trong nhóm 15 quốc gia đang phát triển thu hút FDI lớn nhất toàn cầu, đặc biệt ở các lĩnh vực công nghệ cao và sản xuất chip. Sự hiện diện của Nvidia - gã khổng lồ công nghệ Mỹ, là minh chứng rõ nét cho tiềm năng thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam 2025: Trỗi dậy những động lực mới- Ảnh 3.

Hoạt động xuất khẩu năm 2024 cũng đạt kết quả ấn tượng với kim ngạch xuất nhập khẩu ước tính cả năm đạt 807,7 tỷ USD – mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục 62,5 tỷ USD, xuất siêu tăng 53,1%.

Những kết quả trên phần lớn nhờ vào sự điều hành linh hoạt của Chính phủ.

"Trong bối cảnh thế giới đầy bất ổn, bất định và những biến động khó lường, Chính phủ đã áp dụng cách tiếp cận linh hoạt, xây dựng nhiều kịch bản ứng phó nhằm tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro từ những tình huống bất lợi. Điều này được thể hiện qua việc ứng phó hiệu quả trước các thách thức như chiến tranh thương mại hay sự cố siêu bão Yagi. Tư duy 'dĩ bất biến ứng vạn biến' là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam không chỉ vượt qua thách thức mà còn khai thác hiệu quả các cơ hội phát triển", TS. Võ Trí Thành chia sẻ.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, mặc dù còn nhiều thách thức như tỷ lệ nợ xấu cao và áp lực lạm phát, nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản đang có dấu hiệu phục hồi, tạo thêm động lực cho nền kinh tế.

Ông Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), bày tỏ ấn tượng trước những dấu ấn lớn của nền kinh tế trong năm vừa qua. Ông lạc quan cho rằng tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt tới 7,25%. Đáng chú ý, nền kinh tế tăng trưởng đồng đều trên cả ba khu vực: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; và dịch vụ.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn. Rủi ro từ xung đột địa chính trị và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu có thể ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa và chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, các biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ, đặc biệt là các chính sách kích cầu và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đã giúp Việt Nam tạo ra một nền tảng vững chắc cho kinh tế phục hồi trong giai đoạn tới.

Kinh tế Việt Nam 2025: Trỗi dậy những động lực mới- Ảnh 4.

Kinh tế Việt Nam 2025: Trỗi dậy những động lực mới- Ảnh 5.

Năm 2025 được kỳ vọng là năm tăng tốc, bứt phá để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Tại Công điện số 140/CĐ-TTg ngày 27/12/2024, Thủ tướng nêu rõ, năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, tạo nền tảng, tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu để phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025.  

Theo ông Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân, ác dự án lớn như sân bay Long Thành, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, điện hạt nhân và thu hút đầu tư công nghệ cao sẽ là nền tảng quan trọng giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để Việt Nam bứt phá.

Đồng thời, việc tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, kết hợp chính sách tài khóa và tiền tệ hợp lý, sẽ thúc đẩy tiêu dùng nội địa và củng cố đà phục hồi kinh tế.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu của Công ty Chứng khoán MB, chia sẻ với Dân Việt rằng năm 2025 sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới đối với Việt Nam. Trong nước, các nỗ lực cải cách thể chế và tinh gọn bộ máy điều hành đang được đẩy mạnh nhằm chuẩn bị cho một chu kỳ phát triển mạnh mẽ. Trong bối cảnh trật tự thế giới thay đổi, Việt Nam đã sẵn sàng nâng cao vị thế cạnh tranh chiến lược trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bà Hiền kỳ vọng rằng, sau năm 2024 với những bước chạy đà ấn tượng, Việt Nam sẽ tiếp tục bứt phá với tốc độ tăng trưởng từ 7% đến 7,5% trong ba năm tới, trở thành ngôi sao sáng của khu vực ASEAN-6.

Kinh tế Việt Nam 2025: Trỗi dậy những động lực mới- Ảnh 6.

Ông Lương Văn Khôi bổ sung, nền kinh tế Việt Nam đang nhận được cú hích mạnh mẽ từ sự hoàn thiện hạ tầng giao thông, năng lượng và số hóa. Đường cao tốc Bắc – Nam và mạch điện cao thế 500kV là những dự án quan trọng, không chỉ tăng cường kết nối liên vùng mà còn đảm bảo ổn định năng lượng giữa các khu vực. Đồng thời, việc ban hành và thực thi các luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, và Luật Kinh doanh Bất động sản sẽ tạo môi trường thể chế minh bạch hơn, hỗ trợ phát triển kinh tế dài hạn.

Bên cạnh các động lực tăng trưởng truyền thống, năm 2025 được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự bùng nổ của chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) trong doanh nghiệp cũng như hệ thống chính trị. Những bước tiến mạnh mẽ này không chỉ mang lại đột phá cho nền kinh tế mà còn mở ra cơ hội đổi mới mô hình tăng trưởng, khai thác hiệu quả cả động lực truyền thống lẫn các nguồn lực mới.

"Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, AI đang ngày càng trở thành nhân tố có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Trong lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, AI giúp dự báo xu hướng thị trường, cải thiện trải nghiệm khách hàng, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và nâng cao hiệu quả hoạt động. Dự báo, AI sẽ đóng góp tới 15,7 nghìn tỷ USD vào GDP toàn cầu vào năm 2030. Việc ứng dụng AI trở thành yêu cầu cấp bách mà chúng ta phải thực hiện. Một khi được triển khai hiệu quả, AI hứa hẹn sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng vượt bậc, thậm chí đạt tới mức hai con số", ông Lương Văn Khôi nhấn mạnh.

Báo cáo của Oxford Economics cũng chỉ ra rằng Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất chip bán dẫn tại khu vực, với sự hiện diện của Intel và Amkor Technology. Đây là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, hứa hẹn tạo ra luồng gió mới cho tăng trưởng kinh tế trong những năm tới. Oxford Economics dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ vượt nhóm 6 nền kinh tế lớn nhất ASEAN trong những năm tới.

Ông Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương (CIEM)

Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp dù có sự cải thiện đáng kể so với 10 năm trước, nhưng vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng. Các ngành xuất khẩu chủ lực như da giày, may mặc và điện tử dù mang lại giá trị ngoại hối lớn nhưng hiệu quả chỉ đạt khoảng 50%, chủ yếu do doanh nghiệp vẫn dựa vào mô hình gia công. Do đó, nếu khai thông được hiệu quả doanh nghiệp, tăng trưởng hai con số không phải là điều khó khăn.

TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính – ngân hàng

Việt Nam có cơ hội lớn thu hút vốn từ Mỹ, đặc biệt trong công nghệ cao và bán dẫn. Quyết định của Nvidia đặt trung tâm R&D tại Việt Nam là tín hiệu tích cực cho quá trình hiện đại hóa công nghiệp. Tuy nhiên, cuộc thương chiến Mỹ - Trung có thể là "con dao hai lưỡi", Việt Nam cần cẩn trọng để tránh trở thành "trạm trung chuyển" hàng hóa của Trung Quốc và bị Mỹ giám sát chặt chẽ. Thị trường châu Âu cũng hứa hẹn tiềm năng lớn, dù nhu cầu có thể bị ảnh hưởng bởi xung đột Ukraine. Hàng hóa Việt Nam với giá thành cạnh tranh vẫn có lợi thế lớn. Bên cạnh việc nắm bắt cơ hội, Việt Nam cần tái cơ cấu nền kinh tế để thích ứng với biến động toàn cầu.

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV

Doanh nghiệp Việt cần tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất… để cơ cấu lại hoạt động, kiểm soát rủi ro tài chính, dòng tiền. Đặc biệt phải nắm bắt các xu hướng lớn như xanh hóa; số hóa; tích hợp các yếu tố ESG - phát triển bền vững; đón đầu xu hướng công nghệ, nhất là các công nghệ mới (AI, tự động hóa, an ninh mạng...).

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Kết quả tích cực mà Việt Nam đã đạt được trong năm 2024 sẽ tiếp tục được duy trì và phát huy trong năm 2025. Đặc biệt, chất lượng thể chế được cải thiện đáng kể, đánh dấu một giai đoạn đồng bộ hóa hệ thống pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng và minh bạch, thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Dự báo, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ bước vào một chu kỳ mới vào năm 2025. Dù đối mặt với không ít thách thức, nhưng sự điều hành linh hoạt và hiệu quả của Chính phủ được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt khó khăn, tạo đà phát triển ổn định hơn.

Kinh tế Việt Nam 2025: Trỗi dậy những động lực mới- Ảnh 7.

 

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem