Thị trường bất động sản TP.HCM sau giai đoạn tê liệt vì ảnh hưởng dịch bệnh, nền kinh tế khó khăn… đã dần có dấu hiệu khởi sắc. Thị trường bắt đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực khi một số dự án được tái khởi động, doanh nghiệp mạnh dạn giới thiệu sản phẩm ra thị trường và nhà đầu tư đã bớt e dè, chấp nhận xuống tiền…
Các chuyên gia đánh giá, thị trường bất động sản TP.HCM năm 2024 đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và chuyển sang giai đoạn phục hồi, tăng trưởng trở lại theo xu thế tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, năm sau tốt hơn năm trước.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong suốt năm 2023 thị trường bất động sản TP.HCMđã tăng trưởng âm cho đến quý I/2024 vẫn còn âm 0,5%. Kể từ quý II đã chuyển sang tăng trưởng dương 2,94%, đến quý III tiếp tục tăng trưởng dương 6,7%, cả năm 2024 ước tăng trưởng dương 9%.
Tuy nhiên, doanh thu kinh doanh bất động sản tháng 1/2025 có dấu hiệu tụt dốc, ước chỉ đạt 22.932 tỷ đồng, giảm khoảng 3,3% so với tháng 12/2024.
Thị trường bất động sản TP.HCM đã đi qua vùng đáy. Ảnh: Gia Linh
Đánh giá về tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản trong năm nay, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho rằng năm 2025 là năm có nhiều ngày lễ lớn, là năm tiến hành đại hội Đảng các cấp và cũng là năm mở đầu thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức, bộ máy để nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đáng nói, nền kinh tế nước ta vẫn chưa phục hồi như kỳ vọng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2024, có đến 197.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 14,6% so với năm 2023, trong lúc số doanh nghiệp thành lập mới là 233.400, chỉ tăng 7,2% so với năm 2023 và trong tháng 1/2025 số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn lên đến 52.807, tăng 20,2% so với tháng 1/2024.
Trước tình hình trên, ông Lê Hoàng Châu đánh giá thị trường bất động sản TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung trong năm 2025 vẫn còn nhiều khó khăn vì nhiều yếu tố.
Cụ thể, Chủ tịch HoREA cho rằng do thị trường nhà ở TP.HCM năm 2024 vẫn tiếp tục tình trạng thiếu nguồn cung dự án nhà ở dẫn đến thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở và rất đáng quan ngại là kể từ năm 2021 đến nay, trong các dự án nhà ở mới không còn loại nhà ở thương mại giá vừa túi tiền có giá bán dưới 30 triệu đồng/m2 và rất thiếu nhà ở xã hội.
Tình hình lệch pha phân khúc ngày càng diễn biến mạnh khi phân khúc nhà ở cao cấp từ năm 2020 đến năm 2023 liên tục chiếm đại đa số trên thị trường với khoảng 70% số lượng nhà ở đưa ra thị trường hàng năm là nhà ở cao cấp.
Đáng quan ngại, năm 2024, lần đầu tiên các dự án nhà ở đưa ra huy động vốn trên thị trường chỉ còn loại nhà ở cao cấp, chẳng những không còn loại nhà ở thương mại giá vừa túi tiền mà cũng không còn nhà ở trung cấp.
Hàng loạt nút thắt chờ được tháo gỡ, thị trường bất động sản TP.HCM dự kiến phát triển mạnh mẽ trong năm 2026. Ảnh: Gia Linh
Nguyên nhân tiếp theo là việc giá nhà tăng liên tục trong các năm qua cho đến nay vẫn neo ở mức giá rất cao như giá căn hộ cao cấp năm 2024 lên đến 90 triệu đồng/m2, bình quân khoảng 9,7 tỷ đồng/căn, vượt quá khả năng tài chính của số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị.
Một lý do nữa là kết quả phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố từ năm 2021 - 2024 quá khiêm tốn, chưa đạt chỉ tiêu đã đề ra. Theo HoREA, thành phố hiện chỉ có 10 dự án nhà ở xã hội, trong đó 6 dự án đã hoàn thành, 4 dự án đang triển khai thi công với tổng số căn nhà gần 6.000 căn, chỉ đạt 8,6% chỉ tiêu phát triển 69.700 - 73.000 căn hộ nhà ở xã hội được Chính phủ giao, đặt ra nhiều thách thức để thành phố thực hiện đạt chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030.
"Trước những yếu tố trên, cộng với "độ trễ" của cơ chế, chính sách, pháp luật... năm 2026 là thời điểm thị trường bất động sản sẽ vươn dậy mạnh hơn", ông Lê Hoàng Châu cho hay.