Báo Điện tử Dân Việt tiếp tục nhận được phản ánh từ người dân phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm phản ánh sự bất nhất trong việc công bố thông tin liên quan đến quy hoạch đường nghìn tỷ Hồ Tây – Ba Vì, đoạn Vành đai 3 (Hoàng Quốc Việt) – QL32.
Khu vực dân cư dự án đường Hồ Tây - Bà Vì đi qua.
Có quy hoạch chung, chưa có dự án?!
Cụ thể, ngày 23/7 trả lời cử tri phường Phú Diễn sau kỳ họp HĐND TP Hà Nội, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND Hà Nội thông tin: “Quy hoạch 1259 của Thủ tướng Chính phủ có đưa ra con đường này, hiện con đường này mới đang ở quy hoạch chung, TP Hà Nội đang nghiên cứu xem xét, chưa giao cho ai thực hiện con đường này, chưa có ai quyết định lấy vào đất tái định cư đã giao cho người dân”.
Theo ông Hùng, TP Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng một số vấn đề liên quan đến quy hoạch chung, kể cả quy hoạch giao thông, quy hoạch phân khu chức năng. “Nếu như chưa phù hợp khi thực hiện các quy hoạch đó nếu tác động không tốt đến phát triển kinh tế xã hội chúng tôi sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh” – ông Hùng nói.
Đối với việc nhà đầu tư về lấy ý kiến người dân phục vụ báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án, ông Hùng khẳng định sẽ giao cho Sở Quy hoạch Kiến trúc kiểm tra lại doanh nghiệp đó là doanh nghiệp nào.
“Tôi đã trao đổi với quận rồi, tôi không bao giờ làm cái việc trước thế, sau lại làm khác đi. Với con đường Hồ Tây - Ba Vì, nếu không phù hợp, khi triển khai nếu có tác động không tốt đến phát triển kinh tế xã hội thủ đô, ảnh hưởng đến an sinh xã hội của người dân sẽ đề nghị Thủ tướng cho điều chỉnh” – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội trả lời cử tri.
Chưa có dự án, sao hạn chế dân xây dựng?
Tuy nhiên, theo thông tin Dân Việt có được, tuyến đường kể trên được UBND TP Hà Nội đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP giai đoạn 2016 – 2020. Nhà đầu tư sẽ thực hiện dự án theo hình thức BT, xây dựng tuyến đường và nhận đất đối ứng tại khu vực huyện Hoài Đức.
Thêm vào đó, theo hồ sơ Dân Việt mới nhận được, từ tháng 7/2018 UBND quận Bắc Từ Liêm đã có thông báo về việc cấp phép xây dựng tại khu tái định cư phường Phú Diễn.
Nhiều người dân bức xúc vì chưa kịp ổn định cuộc sống nay lại có nguy cơ phải chuyển đi.
Cụ thể, ngày 13/8/2015 UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định số 3976/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị GS tỷ lệ 1/5000, cụ thể hóa Quy hoạch chung Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Hướng tuyến trục giao thông Hồ Tây – Ba Vì chạy cắt qua 3 khu tái định cư 8,5ha, 2,1ha, 2,3ha phường Phú Diễn, dự kiến diện tích đất thu hồi 15.860m2” – Thông báo của UBND quận Bắc Từ Liêm nêu rõ.
Chính vì quy hoạch, dự án tuyến đường kể trên, UBND quận Bắc Từ Liêm đã thông báo cấp phép xây dựng có thời hạn theo quy định tại điều 94 Luật Xây dựng 2014. Chủ đầu tư phải tự dỡ bỏ công trình, không được đòi bồi thường phần công trình xây dựng theo giấy phép xây dựng có thời hạn khi Nhà nước thực hiện quy hoạch theo thời hạn ghi trong giấy phép được cấp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội lại động viên cử tri phường Phú Diễn “yên tâm sinh sống”!
Cũng trong buổi tiếp xúc cử tri nêu trên, ông Hùng cho rằng không biết nhà doanh nghiệp tham gia là doanh nghiệp nào. Ông Hùng cho biết sẽ giao Sở KHĐT kiểm tra lại thông tin về nhà đầu tư này.
Trả lời Dân Việt tại giao ban báo chí TP Hà Nội ngày 6/8, ông Nguyễn Kim Vinh - Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cũng cho rằng đến nay quy hoạch này chưa giao chủ đầu tư nào thực hiện.
"Đơn vị xuống lấy ý kiến của người dân để phục vụ cho việc lập dự án của người ta, đang ở trong giai đoạn thu thập ý kiến, triển khai thực hiện dự án, chứ dự án chưa giao cho ai cả. Người ta triển khai xuống phường để lấy ý kiến đánh giá tác động của dự án đến dân cư” – ông Vinh trả lời câu hỏi của PV Dân Việt.
Thế nhưng trong chính thông báo của quận Bắc Từ Liêm vào tháng 7/2018 lại hoàn toàn ngược lại. Các cơ quan tham mưu của TP Hà Nội đã tiến hành các bước để hoàn thiện hồ sơ đề xuất dự án tuyến đường kể trên. Theo đó, ngày 18/5/2018 UBND quận Bắc Từ Liêm nhận được Phiếu chuyển của Tổ công tác liên ngành thành phố về hoàn thiện hồ sơ đề xuất Dự án xây dựng trục Hồ Tây – Ba Vì đoạn từ Vành đai 3 (Hoàng Quốc Việt) đến QL 32 theo hợp đồng BT.
Nhà đầu tư đề xuất là Liên danh Tổng Công ty CP Sông Hồng, Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Bông Sen Vàng, Công ty CP Công nghệ và Xây dựng Sông Hồng, Công ty CP Công nghệ Quốc gia.
Tiếp đó, đơn vị này được quận và phường giới thiệu xuống lấy ý kiến người dân. Thậm chí, người dân nhận được giấy mời có dấu đỏ của UBND phường Phú Diễn. Nghĩa là chủ đầu tư này không thể "tự tiện" xuống địa bàn tổ chức lấy ý kiến của người dân về Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.
Chị Vũ Thị Thủy (ngõ 26/62 đường Cầu Diễn) cho rằng: "Tôi được biết, Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải gần đây đã yêu cầu tránh để người dân bất ngờ về quy hoạch. Ở đây, nếu quy hoạch chuẩn và làm đúng các bước, người dân đã có đầy đủ thông tin. Quy hoạch cũng phải phù hợp với thực tế chứ không thể dựa trên hiện trạng 10 - 15 năm trước để thực hiện. Đồng thời, sẽ không có tình trạng quy hoạch chồng quy hoạch, dự án mạnh nhóm nào nhóm đó làm và lợi ích nhóm như hiện tại".
UBND TP Hà Nội có vi phạm luật báo chí hay không?
Liên quan đến vụ việc này, ngày 20/6/2019, Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt đã gửi công văn đến UBND TP. Hà Nội đề nghị cung cấp thông tin về việc thực hiện quy hoạch tuyến đường kể trên trên.
Sau khi gửi công văn, ngày 26/6 phóng viên đã liên hệ với ông Lê Tự Lực – Phó Chánh văn phòng UBND TP. Hà Nội, ông Lực cho biết đã nhận được công văn của Báo điện tử Dân Việt và "xử lý rồi".
Đến ngày 14/8/2019, gần 2 tháng kể từ ngày Báo Điện tử Dân Việt gửi công văn, PV liên lạc qua điện thoại, ông Lực lại trả lời "Anh chưa thấy, có anh xử lý ngay".
Ngoài ra, PV cũng đã đặt lịch làm việc đồng thời gửi câu hỏi liên quan đến Sở KHĐT TP Hà Nội và Sở QHKT TP Hà Nội. Các đơn vị này đều đã "hứa" giao cho bộ phận chuyên môn trả lời. Tuy nhiên, đến nay cũng đã gần 2 tháng nhưng Báo điện tử Dân Việt vẫn chưa nhận được hồi âm của hai đơn vị này.
Nói về việc này, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, UBND TP. Hà Nội có dấu hiệu vi phạm Luật Báo chí 2016, cụ thể là vi phạm điều 39.
"Cụ thể, Điều 39, Luật Báo chí 2016 quy định về việc “trả lời trên báo chí”, người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời trên báo chí.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết.
Nếu quá thời hạn nêu trên mà không nhận được thông báo của cơ quan, tổ chức thì cơ quan báo chí có quyền chuyển ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân đến cơ quan cấp cao hơn có thẩm quyền giải quyết hoặc đưa vấn đề đó lên báo chí" - luật sư Hòe cho hay.