Dân Việt

Phụ huynh chỉ muốn con được “dạy người”!

Lương Duy Cường 05/09/2019 15:18 GMT+7
Sáng 5/9, các trường học tưng bừng nổi trống bắt đầu năm học mới, nhưng không phải nơi nào, trường nào cũng tạo được dấu ấn đặc biệt của cái gọi là ngày tựu trường.

Tiếng trống khai giảng năm học mới đã không vang lên trong sáng 5/9 theo truyền thống ở tất cả trường học trong cả nước. Là bởi Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị… vẫn nhiều nơi chìm sâu trong lũ. Nặng nhất có lẽ là Nghệ An, có huyện 100% trường học phải lùi ngày khai giảng. Dân còn vật vã với sự sống còn, lấy đâu mà khai giảng.

img

Nhiều trường học ở Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị… chìm sâu trong lũ, phải hoãn khai trường.

Nhưng ngay ở những nơi đủ điều kiện để tưng bừng nổi trống thì không phải nơi nào, trường nào cũng tạo được dấu ấn đặc biệt của cái gọi là ngày tựu trường. Nói thế là bởi gần như học trò đã được gọi tới lớp từ nhiều ngày trước, để làm cái việc rất qui trình là “ổn định lớp”, có cả những nơi nói thế nhưng là tranh thủ dạy sớm để còn chạy đua với khối lượng chương trình. Cho nên, nhiều người nói rằng đấy là ngày khai giảng - khai mạc cái sự giảng của thầy cô, chứ có phải ngày tựu trường của trò đâu? Đấy là người ta tếu táo cho vui thế thôi, nhưng ngẫm thì chẳng phải là không có lý.

Rồi thì ở đâu cũng nói phải tổ chức khai giảng ngắn gọn, thiết thực, nhưng ngắn gọn thiết thực thế nào cho được khi học sinh phải đến trường từ rất sớm, đứng mỏi lại ngồi, ngồi mỏi lại đứng mà quan khách còn đủng đà đủng đỉnh. Nhiều trường rất sợ phải đón những vị quan chức dứt khoát đến là phải phát biểu, mà phát biểu dứt khoát phải ấn tượng, ấn tượng thì dứt khoát phải lê thê (vì nói ngắn mà ấn tượng thì đâu có dễ). Thầy trò cứ xem như bị “hành ra bã”, hỏi còn ấn tượng cái nỗi gì.

“Ôi những ngày xưa ấy!”. Nhiều người đã thốt lên câu này trong ngày khai giảng để nhớ cái thời suốt 3 tháng hè vật lộn với ruộng đồng, sẻ chia với gia đình để rồi lại xúng xính áo mới trong ngày khai trường. Này là bạn học cũ, này là chỗ ngồi thân thương, này là bao kỷ niệm chất chứa những ngu ngơ của tuổi học trò. Có một thời mùa hè vui thế, hoang dại thế mà rồi vẫn học hành đâu ra đấy, vẫn sinh ra lắm người tài. Đâu cần phải chạy quanh để học thêm tối mày tối mặt suốt ngày tháng mà vui vẫn vui, học vẫn học, không sao cả.

img

Các em học sinh Trường Tiểu học - THCS Nà Tân, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu trong ngày khai giảng năm học mới.

Năm học 2019-2020 đã bắt đầu. Có kỳ vọng gì hay không thì vẫn còn chờ ở những nỗ lực của ngành giáo dục. Nhưng ngay trước thềm năm học mới, Bộ GDĐT đã ký công văn thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật 13 công chức của Bộ liên quan đến gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Hành động tuy chậm, nhưng chưa từng có tiền lệ với số lượng cán bộ cao cấp của ngành giáo dục bị đưa ra soi xét như thế. Đau, nhưng vẫn phải hoan nghênh ngành giáo dục đã có động thái kiên quyết để nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý. Quản lý mà yếu kém thì lắm sự lèm nhèm phát sinh.

Bài đọc nhiều

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, khi trả lời phỏng vấn báo chí đầu năm học mới, đã khẳng định “ngành giáo dục xác định việc dạy người, dạy đạo đức, lối sống, giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh phải là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu và quyết tâm triển khai hiệu quả”.

Xin được ngỏ lời với Bộ trưởng rằng nói thế e là chưa ổn. Bởi ngành giáo dục cần xác định ngay là việc “dạy người” cho học sinh phải là nhiệm vụ hàng đầu”, chứ không chỉ là một trong số những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Vì phụ huynh đưa con đến trường không tham vọng nhiều, chỉ cầu con được “dạy người” đã là quá đủ. Dĩ nhiên, trường học thì có nhiều nhiệm vụ, nhưng suy cho cùng thì không nhiệm vụ nào tối cao bằng “dạy người”.

Văn hay chữ tốt mà phẩm chất không tốt thì thứ người ấy xã hội cũng không cần. Mà làm người chỉ tốt thôi chứ không biết chữ, thiếu đạo đức, lối sống lệch chuẩn, thiếu kỹ năng sống thì cũng khó mà đưa những giá trị “tốt” ấy vào cuộc sống? Cho nên, cái chữ NGƯỜI nó rộng lắm, phải “vừa hồng vừa chuyên”, phải đủ cả “chân, thiện, mĩ”, nên chỉ nền giáo dục đúng ý nghĩa tối thượng của nó thì mới cho ra “lò” những sản phẩm đúng nghĩa là NGƯỜI.

Việc dạy người, nói đúng hơn là dạy làm người, vì thế là bản lề, là mục tiêu hàng đầu, mục tiêu sống còn của chính ngành giáo dục. Đừng nhiều lời hoa mĩ làm gì, cũng đừng bày vẽ ra quá nhiều thứ mục tiêu rối rắm nhưng vô dụng, cứ bám chắc vào bản lề ấy, mục tiêu ấy mà hành động là đủ. Nhất là ở cái thời, như chính lời Bộ trưởng nói, là “môi trường học đường bị lây nhiễm bởi tệ nạn xã hội, một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý sa sút đạo đức nhà giáo, thiếu sát sao tư vấn tâm lý cho học sinh. Các thầy cô còn coi nặng về dạy chữ mà chưa quan tâm đúng mức đến dạy người. Nội dung, phương pháp, hình thức dạy và học môn đạo đức còn nặng lý thuyết, thiếu tính nêu gương”.

Đã nhìn ra được thực trạng thế thì hy vọng tư lệnh ngành giáo dục sẽ “khai hỏa” bằng những việc cụ thể để toàn ngành ra quân có trọng điểm. Mà làm ngay, làm quyết liệt để chấn hưng nền giáo dục nước nhà ngay, chứ không chỉ là lời nói cho hay vào mỗi dịp khai giảng.