Như Dân Việt đã thông tin trong bài viết “Hà Nam: Phản đối dự án, cả làng không đưa trẻ đi khai giảng 5/9”, 125 trẻ ở thôn Trung Hiếu Thượng đã không đến trường Tiểu học, Mầm non để dự lễ khai giảng.
Việc này đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi được đến trường của các cháu nhỏ trên địa bàn thôn Trung Hiếu Thượng. Tuy nhiên, người dân cho rằng đây là việc “cực chẳng đã” bởi những bức xúc liên quan đến dự án bến thủy vận chuyển đá trên địa bàn thôn chưa được giải quyết triệt để.
Dự án bãi chứa và bến thủy trên sông Đáy thuộc địa phận xã Thanh Hải có vấn đề gì khiến người dân kiên quyết phản đối?
Tiền trảm hậu tấu
Theo hồ sơ Dân Việt có được, ngày 26/4/2017, Công ty TNHH Khoáng sản Trang Huy và Công ty TNHH DVTM Đại Phú Thịnh có tờ trình gửi UBND tỉnh Hà Nam đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng bãi chứa và bến thủy trên sông Đáy, địa phận thôn Trung Hiếu Thượng, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm.
Cùng ngày, UBND tỉnh Hà Nam có công văn số 1040/UBND-GTXD về việc chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư xây dựng Bãi chứa và bến thủy trên sông Đáy tại xã Thanh Hải. Ngày 24/7/2017 UBND tỉnh Hà Nam ban hành Quyết định chủ trương đầu tư dự án kể trên.
Dự án bến thủy của Công ty TNHH Khoáng sản Trang Huy và Công ty TNHH DVTM Đại Phú Thịnh trên địa bàn xã Thanh Hải đang bị người dân phản đối quyết liệt
Trước khi UBND tỉnh Hà Nam chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, các Sở ngành liên quan và UBND huyện Thanh Liêm cũng đã có ý kiến đóng góp.
Sở TNMT Hà Nam cho biế Dự án có trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện Thanh Liêm nhưng chưa có trong Kế hoạch sử dụng đất năm 2017 của huyện Thanh Liêm đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Còn Sở GTVT Hà Nam cho biết “Bến thủy nội địa chưa có trong quy hoạch hệ thống bến thủy nội địa nhưng đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư ngày 26/4/2017”.
Lãnh đạo UBND huyện Thanh Liêm xác nhận với PV những vấn đề trên và cho biết kế hoạch sử dụng đất đã được bổ sung sau đó.
Đến tháng 1/2019 UBND tỉnh Hà Nam mới ban hành quyết định cho chủ đầu tư thuê đất để đầu tư xây dựng dự án. Tháng 3/2019, Sở TNMT Hà Nam ký Hợp đồng cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất. Tháng 5/2019 Sở GTVT Hà Nam cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. |
Chưa hết, khi dự án chưa được ký hợp đồng thuê đất, giấy đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, giấy phép xây dựng nhưng chủ đầu tư đã triển khai xây dựng các công trình bãi chứa, bến thủy. Đây là một trong những nguyên nhân khiến người dân bức xúc.
Cụ thể, ngày 4/7/2018 chủ đầu tư đã triển khai xây dựng khiến hơn 50 người dân thôn Trung Hiếu Thượng kéo đến công trường và không cho trẻ đến trường để phản đối dự án.
Cuối tháng 9/2018, UBND tỉnh Hà Nam đã phải tổ chức hội nghị đối thoại với người dân, yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng dự án để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục. Sau đó, người dân đã đưa trẻ đến trường.
Sau khi dự án này đi vào hoạt động, người dân thôn Trung Hiếu Thượng đã phản đối bằng cách không đưa trẻ đến trường dự lễ khai giảng năm học 2019 – 2020 như Dân Việt đã phản ánh.
Ông Hoàng Mạnh Dũng – Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm thông tin: “Ngày 6/9 các cháu ở thôn Trung Hiếu Thượng vẫn chưa đến trường. Nếu tình hình căng thẳng kéo dài sẽ rất ảnh hưởng đến việc học tập của các cháu nhỏ”.
Hơn một trăm trẻ ở độ tuổi Tiểu học và Mầm non vẫn chưa đến trường vì người dân phản đối dự án bến thủy trên địa bàn xã Thanh Hải
Phá máng thủy lợi
Bên cạnh việc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông khi dự án đi vào hoạt động, người dân thôn Trung Hiếu Thượng còn cho biết chủ đầu tư khi triển khai dự án đã tự ý phá cống thủy lợi dẫn nước của người dân.
Ông Trần Văn Hiếu (Sn 1940, thôn Trung Hiếu Thượng) cho biết: “Họ thi công lúc đêm tối, phá cống thủy lợi dẫn nước vào cánh đồng của người dân. Việc làm này không có sự bàn bạc, thỏa thuận với người dân, họ tự ý làm. Trong khi đây là tài sản được nhà nước đầu tư”.
Cụ thể, năm 1999 UBND xã Thanh Hải có tờ trình đề nghị cho phép lập dự án xây dựng 2 trạm bơm tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sau đó, cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam đã đầu tư hơn 1,6 tỷ đồng cho hệ thống kênh mương.
Tuy nhiên, cống chữ U dẫn nước của hệ thống này đã bị chủ đầu tư tự ý phá bỏ. Sau khi người dân phản đối, chủ đầu tư mới xây dựng hệ thống cống khác đi ngầm dưới tuyến đường mới được mở rộng phục vụ dự án.
Lãnh đạo HĐND xã Thanh Hải xác nhận: “Chủ đầu tư phá bỏ máng chữ U cũ của người dân, tự thay đổi toàn bộ kết cấu ống dẫn nước không thông qua người dân. Vì vậy chưa tạo được sự đồng thuận từ người dân, việc người dân bức xúc là có cơ sở”.
Người dân lo ngại khi dự án hoạt động, nguy cơ mất an toàn giao thông là rất cao khi tuyến đường vào dự án giao cắt với đường liên thôn, dự án nằm giữa trường tiểu học, mầm non, trạm y tế xã
Sớm đối thoại, đưa trẻ trở lại trường
Trao đổi với Dân Việt, ông Hoàng Mạnh Dũng – Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm cho biết tỉnh Hà Nam có chủ trương dẹp bỏ các cầu cảng máng rót tự phát để phát triển sản xuất, đảm bảo vệ sinh môi trường. Các doanh nghiệp sẽ đầu tư xây dựng cụm cảng dung chung do tỉnh quản lý.
“Bến thủy tại xã Thanh Hải nằm trong chủ trương của UBND tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện có một số tồn tại. Hiện UBND tỉnh Hà Nam đã giao Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra quá trình triển khai thực hiện dự án” – ông Dũng nói.
Đối với những bức xúc, kiến nghị của người dân, ông Dũng cho biết UBND huyện Thanh Liêm đều đã ghi nhận và báo cáo cấp trên. “Vấn đề xe ô tô đi lại, giao cắt với đường liên thôn cũng là vấn đề khiến chúng tôi trăn trở. Chủ đầu tư đã phải dựng barie, có người trông giữ vào giờ cao điểm, phun sương giảm bụi nhưng người dân vẫn chưa đồng ý” – Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm cho hay.
Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam đã phải họp, cho ý kiến về một số vụ việc phức tạp trên địa bàn huyện Thanh Liêm, đặc biệt là dự án bãi chứa, bến thủy kể trên.
Ngày 23/8/2019, UBND tỉnh Hà Nam đã có công văn yêu cầu tạm dừng dự án để hoàn thiện các thủ tục đầu tư. Cùng ngày, UBND huyện Thanh Liêm ra thông báo tạm dừng hoạt động Dự án bãi chứa, bến thủy nội địa kể trên.
“Hiện nay, chúng tôi vẫn đang tích cực vận động người dân sớm đưa trẻ đến trường. Đồng thời, UBND huyện Thanh Liêm đề nghị UBND tỉnh giao các Sở ngành sớm tổ chức đối thoại với người dân” – ông Hoàng Mạnh Dũng thông tin.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
"Dự án chỉ được phép hoạt động khi đã đầy đủ thủ tục pháp lý, hoàn thiện đầu tư đầy đủ các hạng mục công trình, đảm bảo ổn định tình hình, giải quyết ổn thỏa các kiến nghị của nhân dân, đảm bảo dự án khi đi vào hoạt động không ảnh hưởng tới đời sống người dân và được người dân đồng thuận" - công văn 2498/UBND-GTXD ngày 23/8/2019 của UBND tỉnh Hà Nam nêu. |