Dân Việt

Hà Nội sống cùng bụi mịn

Mỹ Hằng 01/10/2019 12:21 GMT+7
Hà Nội lẽ ra đang mùa đẹp nhất trong năm. Thế nhưng cuộc sống và thói quen của nhiều người Hà Nội bỗng dưng bị đảo lộn chỉ vì “danh hiệu” thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới.

"Bụi mịn" PM2.5 là một thuật ngữ mới xuất hiện trong cuộc sống của nhiều người. Nhưng nếu các nước khác đã từng thành công trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí, lẽ nào chúng ta thất bại?

Giờ đây nhiều người sống ở Hà Nội có thêm một thói quen mới: Liếc qua chỉ số chất lượng không khí (AQI), chỉ số bụi mịn mỗi ngày. Và lo lắng vì AQI luôn ở mức cảnh báo màu cam, tức là mức "kém", từ 100 - 200, trong khi ngưỡng tốt phải dưới 50.

Sở thích tập thể dục hay mở cửa sổ đón khí trời trong lành bỗng nhiên thành xa xỉ. 6 giờ sáng hay 10 giờ đêm, những thời điểm không khí tưởng như sạch nhất trong ngày, thì AQI vẫn vàng rực. Đi thể dục tưởng như hiển nhiên, ngược đời là giờ họ không thể làm nữa mới có thể bảo toàn sức khỏe.

img

Không khí Hà Nội có chỉ số ô nhiễm cao nhất nhì thế giới nhiều ngày liên tục. Ảnh: Nguyễn Tiến.

Thêm một lần chúng ta phải trả giá đắt cho quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, từ việc quy hoạch của chính quyền đến những thói quen sinh hoạt thường ngày của người dân. Như một cơn ác mộng, mỗi ngày Hà Nội và TP.HCM có hàng triệu xe máy, xe hơi cùng nhả khói giờ cao điểm. Mỗi tháng Hà Nội có thêm 20.000 xe máy và 6.000 ô tô đăng ký mới. Thành phố luôn là một công trường, xây dựng liên tiếp, dày đặc và dở dang, không được che chắn đúng quy định để ngăn bụi. Một vài nhà máy còn lại trong nội đô và các nhà máy xi măng, sắt thép hay các làng nghề ở vùng lân cận. Mùa đốt rơm rạ ở ngoại thành cộng với thói quen sử dụng than tổ ong bán hàng ăn sáng, đốt vàng mã ngày tuần của người dân sống ở Hà Nội... Từ những vấn đề to đùng đến những việc tưởng như rất nhỏ hàng ngày đang biến Hà Nội, vào nhiều thời điểm, đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí.

Một cái nhất chẳng có gì đáng tự hào. Chuyện mấy năm trước toàn nghe trên báo chí, nào là ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh, nào là khói bụi do cháy rừng ở Indonesia, nào là kẹt xe tắc cứng ở Bangkok, thì giờ là chuyện chúng ta phải đối mặt hàng ngày và ở mức báo động đến sức khỏe người dân. Có những tranh cãi xem kết quả quan trắc nào là đúng. Một vị quan chức nào đó ở Hà Nội đã phủ nhận kết quả đo của nước ngoài. Được thôi, nếu không tin app đo ô nhiễm không khí trên điện thoại xuất xứ nước ngoài - mà app đấy, quả thật có lúc khó tin khi cho kết quả ô nhiễm ở Cần Thơ còn tệ hơn Hà Nội - thì bạn có thể vào Cổng thông tin quan trắc môi trường thủ đô Hà Nội của UBND Thành phố. Chỉ một động tác Google là ra ngay, và kết quả cũng thường xuyên màu cam.

img

Chất lượng không khí ở thủ đô Hà Nội nhiều ngày nay chạm mức đỏ ở nhiều điểm. Ảnh: Air Visual.

Vì thế, thay vì thanh minh, thoái thác thì hãy thừa nhận thực tế để hành động.  Những khuyến cáo hàng ngày duy nhất người dân vẫn nghe là từ chương trình dự báo thời tiết trên tivi hay một vài ứng dụng điện thoại nào đó. Ông môi trường nói giờ này không nên ra ngoài, nhưng nên làm gì giữ gìn hệ hô hấp thì chẳng ai khuyến cáo. Giở báo chí hay lên mạng xã hội thì quá nhiều bài viết về ô nhiễm không khí kiểu lơ lửng, đe dọa tâm lý để câu view.

Thật ra thì không thể so sánh với Bắc Kinh. Năm 2006 tôi đến Trung Quốc lần đầu, thấy Bắc Kinh, Thượng Hải đã giống Châu Âu lắm rồi, và các tỉnh biên giới sát với Việt Nam của họ đã to đẹp lắm rồi. Chỉ có bầu trời Bắc Kinh lúc đó vẫn mờ mờ xám xịt. Đó là những năm Trung Quốc cao điểm trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí. Thông tin về ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh lúc đó khá nhiều trên báo chí nước ngoài. Kết quả của việc Trung Quốc theo đuổi phát triển nóng và việc họ tự định danh mình là công xưởng của thế giới. Nhưng mới cuối tuần qua, khi nói chuyện Hà Nội đang ô nhiễm, người bạn đang thỉnh giảng ở Bắc Kinh chụp ảnh gửi ngay tức thì. Bầu trời bên chỗ bạn xanh ngăn ngắt như Hà Nội lẽ ra phải thế.

Trong Báo cáo nhìn lại 20 năm kiểm soát ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh, công bố tháng 3.2019 do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc và chính quyền Bắc Kinh soạn thảo, nói về thời kỳ 1998 - 2007, Joyce Msuya - Giám đốc điều hành UNEP nói: "Việc cải thiện chất lượng không khí không ngẫu nhiên diễn ra. Đó là kết quả của của việc đầu tư khổng lồ về thời gian, nguồn lực và ý chí chính trị".

img

Nhiều tuyến đường Hà Nội luôn mù mịt khói bụi. Ảnh: Ngọc Hải

Từ 1998 Bắc Kinh tuyên chiến với ô nhiễm không khí. Thật sự là thách thức để cải thiện chất lượng không khí ở một trong những thành phố lớn nhất, phát triển nhanh nhất trên thế giới. Xác định ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh chủ yếu do các nhà máy đốt than than và việc sử dụng xe máy, chính quyền Bắc Kinh đã thực hiện hàng loạt biện pháp tối ưu hóa cơ sở hạ tầng năng lượng, kiểm soát ô nhiễm đốt than, kiểm soát phát thải động cơ. Có những lựa chọn khắc nghiệt giữa có hoặc không: Các nhà máy hoặc di dời và chuyển đổi công nghệ hoặc đóng cửa, và con số nhà máy phải đóng cửa là hàng chục nghìn. Người dân buộc phải chuyển từ đun than sang khí đốt. Hàng loạt biện pháp hạn chế xe máy vào thành phố kể cả hạn chế bằng biển số.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc đánh giá Bắc Kinh có tiêu chuẩn pháp lý toàn diện, việc thực thi pháp luật môi trường nghiêm khắc, được hỗ trợ bằng các chính sách kinh tế, sự tham gia của khu vực công. Một quan chức Liên Hợp Quốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhận định, bài học của Trung Quốc là "ví dụ tốt về việc một thành phố lớn, một nước đang phát triển có thể cân bằng giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế".

Đấy là thành phố “nhà người ta”, còn Hà Nội không vội được đâu. Bàn về biển xe chẵn lẻ, BRT còn cãi nhau như mổ bò. Đường sắt trên cao 9 năm chưa xong. Không đốt rơm rạ người dân biết làm gì với nó? Bài học thì đã có. Không phải là thành phố công nghiệp đã là một lợi thế. Nhưng liệu Hà Nội có đủ thời gian, tiền bạc, ý chí chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của người dân? Chẳng nhẽ tên gọi thành phố vì hòa bình, thành phố cây xanh sẽ mất đi để người dân phải sống quẩn quanh trong một thành phố nhạt nhòa bụi khói?