Dân Việt

Sư có vài trăm tỷ, lỗi đâu chỉ bởi nhà sư?

Chiến Văn 09/10/2019 12:03 GMT+7
Việc Đại đức Thích Thanh Toàn, trụ trì chùa Nga Hoàng (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) xin xả giới và giữ lại khối tài sản lên tới vài trăm tỉ đồng, khiến nhiều người nhớn nhác hỏi nhau: Thầy là người quy y, nương nhờ cửa Phật, ngoảnh mặt với những tham, sân, si, lấy đâu ra số tiền lớn thế?

Thực ra, số tài sản mà Đại đức Thích Thanh Toàn, giờ đã trở lại phàm trần bằng cái tên Lê Hữu Long đang nắm giữchủ yếu nằm trong các mảnh đất mà ông mua bán, trao đổi trong thời gian làm trụ trì chùa Nga Hoàng, không phải toàn bộ đều là tiền mặt. Nhưng với những gì bộc lộ ra bên ngoài, với phong thái, cử chỉ, cách nói năng, giao tiếp, được ghi lại trong các clip phát tán trên báo chí và mạng xã hội, cho thấy ông Long cũng có nguồn tiền mặt rủng rỉnh, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của người dân trong xã hội. Trước đây, gọi ông là Đại đức cũng đúng, mà có gọi là “Đại gia” cũng chẳng sai.

img

 Giáo hội Phật giáo VN tỉnh Vĩnh Phúc đã ký quyết định bãi nhiệm trụ trì chùa Nga Hoàng và cho nhà sư Thích Thanh Toàn xả giới hoàn tục.

Việc các vị sư “hòa mình” quá sâu vào đời sống xã hội, tham gia vào nhiều thú vui, ăn chơi, vi phạm luật giới không phải là hiếm. Người ta không còn thấy lạ khi nhìn những sư thầy không đội mũ bảo hiểm, chạy xe SH phóng vèo vèo trên đường phố. Có nhà sư còn tham gia vào các buổi chiêu đãi, tiệc tùng của giới nghệ sĩ, hoặc dân “xã hội”… Nhiều người dân chắc hẳn cũng không còn kinh ngạc khi thấy có vị sư đi công chuyện trên xe hơi bạc tỷ. Tất nhiên, sẽ ít người cho đó là điều bình thường. Nhưnghầu hết người ta đều chỉ “ồ” lên một cách ngạc nhiên, hoặc lắc đầu ngán ngẩm, chứ ít ai truy xem căn nguyên từ đâu và ngăn ngừa như thế nào.

Trở lại câu hỏi: Thầy đã xuất gia, sống nương nhờ cửa Phật, tại sao lại giàu thế? Chắc chắn, là những người tu hành, các thầy không có thời gian để làm thêm nghề “tay trái” như chúng sinh bình thường. Chốn cửa Phật cũng không cho phép các thầy lợi dụng để làm những việc kinh doanh hay sản xuất gì trong đó. Vì vậy, nguồn tiền mà các thầy có được hầu hết đến từ phía Phật tử mang cúng dường, các nguồn thu từ tiền công đức, dưới danh nghĩa tiền “dầu nhang”, tu bổ, xây dựng nhà chùa…

Để nhà chùa duy trì hoạt động được, tất nhiên phải có tấm lòng, công sức của các Phật tử đóng góp, dâng lên. Nhưngcó một thực tế, đó làkhông phải ai cũng đến cửa chùa với tấm lòng thành kính. Không phải các đồ cúng dường đều là các vật phẩm thiết yếu, mà đôi khi đó là những nguồn tiền lớn của các Mạnh Thường Quân mang đến với tư duy “mua bán”, “đổi trao” với nhà Phật. Họ quan niệm rằng, số tiền công đức vào chùa càng lớnsẽ nhận được sự quan tâm, ưu ái của trụ trì càng nhiều. Từ đó, thầy sẽ kêu cầu với Đức Phật nhiều hơn, hay hơn, để ban tài tiếp lộc nhiều hơn cho họ. Hoặc có nhiều người, sau khi làm việc sai trái, kiếm những đồng tiền bất chính quá dễ dàng, họ muốn trích một phần mang đến để nhờ thầy “rửa sạch” tội lỗi gây ra. Họ muốn dùng tiền để “đổi” lấy sự bình yên, thanh thản. Một người làm vậy, nhiều người khác biết được cũng làm theo. Vô hình trung, việc “công đức”’ tại các cửa chùa dần trở thành một cuộc “chạy đua” của không ít người.

img

Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Phúc họp giải quyết các vấn đề liên quan tới vụ việc của sư Thích Thanh Toàn.

Ngoài những khối tài sản, trang sức đắt tiền, với không ít người, việc “thân tình” với thầy trụ trì chùa này, đền kia, việc cúng dường, công đức cho các nhà chùa bao nhiêu không chỉ còn là một hoạt động tâm linh, tín ngưỡng mà đã bị nhuốm màu khoe khoang, đánh bóng tên tuổi, hình ảnh. Chẳng biết thực tế hiệu quả của những số tiền, tài sản ấy cúng dường vào các nhà chùa ra sao, nhưngcó một sự thật hiển nhiên, là nguồn tiền, tài sản, vật chất dồn về các ngôi chùa ngày càng nhiều hơn.

Đến đây, người ta lại đặt ra câu hỏi: Số tiền ấy sẽ được nhà chùa, cụ thể là trụ trì sử dụng, quản lý, chi tiêu như thế nào? Đây là câu hỏi khá nhạy cảm mà dù có đặt ra cũng khó lòng biết được toàn bộ. Vẫn biết các chùa đều có ban, bệ, bộ phận quản lý các nguồn tài sản, vật chất ấy, nhưngviệc chi tiêu thế nào có lẽ cũng chỉ số ít người biết được.

Mà với hầu hết Phật tử, sau khi cúng dường, họ thường không mấy để ý đến việc tấm lòng, tài sản của mình cung tiến, dâng vào đó sẽ được sử dụng ra sao. Khác với nhiều hoạt động khác, chỉ cần đóng góp vào chút ít tiền, người ta đòi hỏi phải được công khai, minh bạch toàn bộ quá trình thu chi. Còn với nguồn tiền này, dường như đó là điều không cần thiết. Có thể hầu hết đều tin tưởng vào uy tín của các vị trụ trì. Cũng có thể tâm linh luôn là vấn đề nhạy cảm nên ít người muốn quan tâm, tìm hiểu, đòi hỏi quá mức. Chính vì một phần tâm lý này nên nhiều nhà sư đã dễ dàng, thoải mái hơn trong chi tiêu, sử dụng nguồn tiền công đức, dần dần dẫn tới hòa nhập quá mức vào đời sống phàm tục và vi phạm giới luật.

img

Chùa Nga Hoàng.

Trong khi những vụ việc vi phạm giới luật của các nhà sư, các vị trụ trì đang khiến dư luận bất bình thì nhiều dự án tâm linh, nhiều ngôi chùa được hứa hẹn là “hoành tráng” khác tiếp tục được phôi thai, xây mới. Giống như nhiều lĩnh vực khác, ở ngay trong hoạt động tâm linh này, người ta đang có sự “chạy đua”, muốn tạo ra nhiều cái “khủng”, cái “nhất” khi xây dựng các điểm thờ tự để thu hút du khách. Điều này khiến cho bản chất của nơi cửa Phật bị nhìn khác đi, biến các ngôi chùa trở thành các điểm du lịch, vui chơi, giải trí nhiều hơn là nơi hành lễ, nơi con người tìm đến để cầu an yên, thanh thản.

Khi nhiều người đến với cửa chùa không mang theo sự thành kính mà mang theo những sân si, hỉ, nộ, ái, ố phàm trần, thì thật khó để giữ được sự uy nghiêm nơi thờ tự. Vậy thì, để chốn cửa Phật bị vấy bẩn, đâu phải chỉ do lỗi các sư thầy tạo ra?!?