Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trong một lần phát biểu trước Quốc hội.
Cùng với Đạm Ninh Bình, DAP – Vinachem và DAP số 2 – Vinachem, Đạm Hà Bắc là một trong số 4 dự án của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) nằm trong danh sách 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương trước đây, hiện đã được bàn giao về Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Sau thông tin về tình hình sản xuất-kinh doanh của Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Dân Việt sẽ tiếp tục chia sẻ tới quý độc giả những vướng mắc, tồn tại ở dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc hiện nay.
Vốn chủ sở hữu của Đạm Hà Bắc âm 310 tỷ đồng
Trong một báo cáo gửi tới các ĐBQH đang dự kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, sau khi nghiệm thu và chính thức vận hành thương mại vào tháng 12/2015, Đạm Hà Bắc liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ. Tính tới 31/12/2016, lỗ luỹ kế của Đạm Hà Bắc đã lên tới 1.716 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ kế hoạch là 986,5 tỷ đồng.
Sau 8 tháng đầu năm 2019, Đạm Hà Bắc đã tiêu thụ 211.169 tấn urê.
Bước sang năm 2017, nhờ sự nỗ lực của các cơ quan liên quan và chủ đầu tư trong việc xử lý các vấn đề tồn tại của dự án, Đạm Hà Bắc đã sản xuất được 287.992 tấn urê, tiêu thụ 317.409 tấn urê và không tồn kho. Kết quả, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 2.496 tỷ đồng, lỗ 611 tỷ đồng, tương ứng mức giảm lỗ 440 tỷ đồng so với năm 2016.
Liên quan tới 4 trong tổng số 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương do Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đầu tư, sau 6 tháng đầu năm 2019, Công ty mẹ Vinachem đã trích lập dự phòng 5.585 tỷ đồng cho các khoản đầu tư dài hạn vào Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP số 2 – Vinachem, DAP Vinachem. Trong đó, Đạm Hà Bắc phải trích lập 2.330 tỷ đồng, Đạm Ninh Bình trích lập 2.313 tỷ đồng, DAP số 2 - Vinachem trích lập 802 tỷ đồng và DAP Vinachem trích lập 138 tỷ đồng. |
Năm 2018, Đạm Hà Bắc sản xuất 438.324 tấn urê quy đổi, doanh thu đạt 3.087 tỷ đồng, lỗ 340 tỷ đồng, tương ứng mức giảm lỗ 266,2 tỷ đồng so với năm 2017.
Quá trình vận hành dự án đạm Hà Bắc, hệ thống thiết bị đã xảy ra nhiều sự cố, tuy không lớn, chi phí sửa chữa không nhiều nhưng phải ngừng toàn bộ hệ thống, tốn thời gian vận hành và chi phí chạy thử (10 tỷ đồng một lần).
Tuy nhiên, sau 8 tháng đầu năm 2019, số lỗ của Đạm Hà Bắc lại thể hiện xu hướng gia tăng, khi ghi nhận mức lỗ 342 tỷ đồng, tăng lỗ gần 139 tỷ so với cùng kỳ 2018 do tác động của việc giảm giá bán và giá nguyên liệu đầu vào tăng. Trong khoảng thời gian này, doanh nghiệp sản xuất 220.251 tấn urê và 41.969 tấn NH3, tổng sản lượng tiêu thụ đạt 211.169 tấn urê và 42.042 tấn NH3.
So sánh với số lỗ của Đạm Hà Bắc sau 6 tháng đầu năm 2019 là 220,45 tỷ đồng, dễ dàng tính toán doanh nghiệp đã lỗ thêm hơn 140 tỷ đồng chỉ sau 2 tháng.
Còn nếu tính tới hết quý III/2019, doanh nghiệp đã lỗ thêm 200 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế sau 9 tháng của năm 2019 lên 421 tỷ đồng. Như vậy, tổng số lỗ lũy kế của Đạm Hà Bắc lên mức 3.077 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 310 tỷ đồng.
Đạm Hà Bắc gặp khó vì ngân hàng “thu về 10 phần chỉ cho vay lại 9”
Trở lại với những vướng mắc, tồn tại ở dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, các dự án phân bón của Vinachem gặp khó khăn về vay vốn lưu động để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh do các ngân hàng thương mại áp dụng vay vốn theo phương thức “thu về 10 phần chỉ cho vay lại 9 phần” dẫn tới thiếu vốn sản xuất kinh doanh và khiến giá thành nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Từ năm 2019, mỗi tháng Đạm Ninh Bình phải trả nợ gốc cho VDB là 69 tỷ đồng dẫn tới nguy cơ mất cân đối dòng tiền. Ngoài ra, lãi suất vay, lãi suất phạt làm chi phí sử dụng vốn bình quân của doanh nghiệp rất cao. Hiện tại, lãi suất trong hạn bình quân tại VDB là 10,78%/năm, còn khoản lãi phạt lên tới 18%.
Trong khi đó, bản thân VDB và các ngân hàng thương mại khác cũng gặp khó khăn trong việc cơ cấu lại các khoản vay, điều chỉnh mức lãi suất vay.
Một góc dự án ải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc.
Và tương tự Đạm Ninh Bình, Ethanol Bình Phước, Đạm Hà Bắc đã âm vốn chủ sở hữu nên không có kinh phí để khởi động, vận hành lại nhà máy và ổn định hoạt động sản xuất-kinh doanh.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho Đạm Hà Bắc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất cần sớm có hướng dẫn cho các cơ quan chức năng để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình quyết toán hợp đồng EPC và quyết toán dự án hoàn thành.
Theo đó, cấn chú trọng giải pháp về chính sách và cơ chế như sửa Luật thuế cơ cấu lại vốn vay đầu tư , do các giải pháp nội lực đã được các đơn vị thực hiện quyết liệt và triệt để nhưng vẫn lỗ.