Dân Việt

Vì đâu Công ty Môi trường Cao Bằng "đẩy" người lao động ra đường?

Chiến Hoàng 21/12/2019 15:48 GMT+7
Vi phạm luật lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng, chậm chi trả trợ cấp mất việc, Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển và Môi trường Cao Bằng đã khiến không ít người lao động phải lao đao. Nguyên nhân vì đâu mà một doanh nghiệp Nhà nước lại để xảy ra tình trạng như vậy?

Doanh nghiệp đứng trên đầu Chủ tịch Thành phố(?)

Trước đó, Dân Việt đã có bài viết "Cao Bằng: DN đơn phương chấm dứt hợp đồng, người lao động lao đao" phản ánh việc Công ty TNHH một thành viên môi trường đô thị Cao Bằng (Công ty Cao Bằng) đơn phương chấm dứt hợp đồng, gần nửa năm vẫn chưa chi trả hỗ trợ mất việc, khiến hàng loạt người lao động rơi vào cảnh lao đao.

Làm việc với PV Dân Việt, bà Sầm Thu Oanh, Chủ tịch Liên đoàn lao động TP.Cao Bằng cho biết: "Việc vi phạm luật lao động tại Công ty Cao Bằng chúng tôi cũng đã nhận được đơn thư kiến nghị.

Chúng tôi đã có một buổi làm việc tại Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển và Môi trường Cao Bằng, đã đối thoại với người lao động. Sau đối thoại, Liên đoàn lao động thành phố cùng với Liên đoàn lao động tỉnh đã có văn bản kiến nghị lên Tỉnh ủy và đã thấy có văn bản chỉ đạo về việc cổ phần hóa công ty”.

img

Công ty này bị cho là đem người lao động ra tạo áp lực với chính quyền địa phương.

img

Bãi tập kết xe của công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển và Môi trường Cao Bằng.

Trong khi đó, ông Lương Tuấn Hùng, Chủ tịch UBND TP.Cao Bằng cho biết, Công ty Cao Bằng là Công ty Nhà nước, đây là công ty của thị xã Cao Bằng ngày xưa, sau đưa lên thành công ty của tỉnh, bao quát 13 huyện, thị nhưng chất lượng làm vừa dở, vừa tốn kém. 

Ông Hùng khẳng định: "Không ở đâu công ty môi trường lại đứng trên đầu Chủ tịch như ở TP.Cao Bằng, nếu hợp tác tốt, vì nhân dân thì đâu có câu chuyện thế này. Tuy là công ty của tỉnh nhưng công ty chỉ hoạt động trên địa bàn thành phố vì các địa bàn khác người ta ngán, người ta đẩy ra hết rồi. Một công ty nhà nước mà chính quyền cũng phải tìm mọi cách dứt ra".

Ông Hùng nhấn mạnh: "Nhẽ ra, là công ty Nhà nước anh càng phải phối hợp tốt với chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn, đây anh lại còn đứng cả trên đầu nhân dân, đứng trên đầu chính quyền, đứng cả trên đầu hệ thống chính trị khi luôn lấy người lao động ra tạo áp lực, làm sao có chuyện đấy được!".

Mất việc vì… trượt thầu

Qua tìm hiểu, PV Dân Việt được biết, trước đây Công ty Cao Bằng thực hiện nhiệm vụ chủ yếu thông qua giao việc. Đến tháng 6/2019, TP.Cao Bằng chủ trương thực hiện đấu thầu một số gói thầu liên quan đến dịch vụ công ích trên địa bàn và công ty này đã bị trượt thầu (đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Nga Hải, do ông Nguyễn Thanh Hải làm Giám đốc).

img

Người lao động mất việc vì công ty bị trượt thầu.

img

img

img

Nhiều thiết bị máy móc, dụng cụ vệ sinh môi trường đành phơi nắng, mưa hoặc cho thuê sau khi Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển và Môi trường Cao Bằng bị trượt thầu.

"Năm 2014 tôi về đây, khi đó kể cả Thành ủy cũng đã họp nhiều lần để bàn cách làm sao nâng cao chất lượng dịch vụ công ích, giảm giá thành, mở rộng địa bàn được tốt hơn, tuy nhiên mãi không làm được. Về dịch vụ công ích, theo quy định phải đấu thầu, bấy lâu nay vì là doanh nghiệp nhà nước nên cứ giao việc mãi. Nhẽ ra được sự ưu ái của chính quyền các địa phương thì công ty phải làm cho tốt hơn, thế nhưng lại không tốt hơn được," ông Hùng nói.

Ông Hùng cho biết thêm: “Chúng tôi đã tính đấu thầu dịch vụ này từ năm 2017, tuy nhiên công ty luôn lấy người lao động ra tạo áp lực. Thực ra người lao động phải có định mức của người lao động, đằng này việc cần một người có khi công ty lại tuyển 3-4 người vào, rồi đem người lao động ra tạo áp lực với chính quyền địa phương. Đơn cử như ở thành phố, có 11 phường, xã, đi thu phí vệ sinh môi trường công ty có đến 15 người".

Mấy năm liền trong tình trạng tốn kém kém mà chất lượng dọn dẹp vệ sinh không tăng, đời sống người lao động thấp nên buộc Thành phố phải tổ chức đấu thầu.

"Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức đấu thầu tiếp. Nếu anh giỏi, đủ năng lực tới đây đấu thầu lại. Anh tham gia tiếp đi, có ai cấm anh đâu, còn một khi đã đấu thầu thì đương nhiên buộc phải “thay máu”, có “thay máu” mới có sự khác biệt, đổi mới được", ông Hùng khẳng định.

Chủ tịch UBND TP Cao Bằng cũng cho biết từ phía công ty cũng có đơn thư, nội bộ công ty đó có vấn đề, có một số người cố thủ để giữ lợi ích cá nhân. “Chỉ những người bám vào công sức của người lao động, ăn trên ngồi chốc mới cố thủ để làm. Những nhóm người này không chuyển đi đâu được, có lái xe chỉ ghi tên để lấy lương. Khi có ý kiến, tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra việc này, khi nào có kết quả chúng tôi sẽ cung cấp," ông Hùng cho biết thêm.

Để có cái nhìn đa chiều, PV Dân Việt đã nhiều lần tìm gặp bà Nông Thị Nguyệt, Chủ tịch HĐQT công ty này nhưng đều không gặp được. Gọi điện, nhắn tin đều không bắt máy hoặc không trả lời tin nhắn, thậm chí bà Nguyệt đã chặn số PV sau nhiều nỗ lực liên lạc.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin sự việc.