Đấy là chuyện xảy ra đối với trường hợp của ông L.H.H. (SN 1953, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) điều khiển xe máy BKS 29-Y5 8686 qua ngã tư Xuân Thuỷ - Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) vào lúc 20 giờ 30 phút tối 2/1.
Báo chí có mặt rất đông vào lúc đó, mô tả khi CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra, ông này không chấp hành mà có ý định lái xe đi tiếp. Khi bị CSGT kiên quyết yêu cầu phải dừng xe thì ông này mới xuống xe, tự nhận uống 2 cốc bia trước đó, rồi đòi đốt xe và liên tục có những lời đe doạ sẽ "gọi cho bộ trưởng", luôn miệng tự nhận quen nhiều người ở các bộ kể cả bộ trưởng.
Ông L.H.H tự nhận là Vụ trưởng Vụ Học sinh - sinh viên, Bộ GDĐT, lớn tiếng cự cãi với CSGT.
Dù lực lượng chức năng kiên nhẫn giải thích và trước mặt đông đảo phóng viên báo chí, ông này vẫn không hợp tác, thậm chí còn yêu cầu các phóng viên không được phép tác nghiệp nếu không sẽ đập máy ảnh, máy quay phim… rồi còn nhận "tôi là Vụ trưởng Vụ Học sinh - sinh viên ở Bộ Giáo dục và Đào tạo".
Đến sáng 3/1, ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã xác nhận đang đi công tác, không có mặt tại Hà Nội, và người đàn ông say xỉn lái xe chỉ mạo danh để hù dọa chứ không phải là Vụ trưởng Vụ Học sinh - sinh viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bất cứ ai, một công dân bình thường hay kể cả là quan chức, lãnh đạo, mà hành vi nghênh ngang, hù dọa như thế thì đều không thể chấp nhận. Và có lẽ, ngoài mức phạt 7 triệu đồng, bị tước giấy phép lái xe 23 tháng, ông này cần bị xử lý thêm vì tội mạo danh.
Ở nước ta, cứ vào mùa tất niên là gia đình, cơ quan, tổ chức vẫn có thông lệ tổ chức ăn uống, kèm theo đó là… nhậu. Nhậu vì được thưởng lớn, nhậu vì buồn do lĩnh thưởng quá hẻo, nhậu vì sum họp vui quá, rồi nhậu cả vì chia tay. Chuẩn bị đón tết nên nhậu, rồi nhậu vì chẳng nhẽ một năm có mấy ngày tết mà không có tí men cho nó khí thế, rồi nhậu vì kết thúc tết để bắt đầu một năm mới cật lực. Nói tóm lại là trước, trong và sau tết nhiều người triền miên trong nhậu, nhậu đến phồng lưỡi rộp môi, nhậu đến độ người lao xuống sông, kẻ chui đầu dưới gầm xe.
Theo quy định mới có hiệu lực từ 1/1/2020, nhiều hành vi vi phạm giao thông, đặc biệt là vi phạm quy định về nồng độ cồn, bị xử phạt nặng hơn trước.
Năm nào chả vậy, dịp tết vẫn là khi có nhiều nhất số ca bị tai nạn giao thông và gây rối trật tự trị an, đâm chém đả thương. Nhiều cán bộ, nhân viên của lực lượng công an, y tế… mất tết chỉ vì số vụ việc và ca cấp cứu nhiều quá, rồi hàng loạt gia đình thay vì ăn tết thì phải phát tang.
Báo chí nói nhiều, chính quyền nhắc nhở nhưng đâu vẫn hoàn đấy, cứ tết nào cũng vậy, riêng năm nay với qui định mới về xử phạt người uống rượu bia mà điều khiển phương tiện giao thông thì chưa biết vấn nạn này có giảm hay không?
“Nam vô tửu như kỳ vô phong”. Lại nữa, xuân về tết đến thì nâng ly với nhau một chút quả thực là vui. Nhưng nâng ly bao nhiêu cho vừa vui, vui đến chừng nào thì nên dừng lại là chuyện từ ý thức của mỗi người. Ép nhau uống cho bí tỉ để rồi tan xương nát thịt, vác dao vác rựa mà chém nhau hay nghênh ngang ngoài đường thì chỉ có làm mồi cho tử thần.
Xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn giao thông dù có nghiêm đến mấy nhưng nếu không có sự hợp tác từ ngay chính từng gia đình, từng cơ quan đơn vị, các ngành các cấp bằng việc nhắc nhở, giáo dục thì cũng khó để đạt mục đích.