Hệ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của PNJ, Thế Giới Di Động và một số doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam.
Trong bối cảnh các tập đoàn bán lẻ ngoại như AEON, Lotte, Central Group và BJC đang chiếm ưu thế trong phân khúc Siêu thị/Đại siêu thị trên thị trường bán lẻ Việt Nam, các nhà bán lẻ nội địa vẫn thống trị phân khúc cửa hàng vừa và nhỏ, vốn là phân khúc phổ biến hơn tại Việt Nam nhờ vào mật độ dân số cao và cơ sở hạ tầng giao thông chưa phát triển.
Tại phân khúc này, ngoài ngành hàng điện tử đã gần bão hòa, dư địa cho các ngành hàng khác vẫn trong trạng thái phân mảnh và hầu như nằm trong tay kênh bán lẻ truyền thống. Ngoài ra, các doanh nghiệp bán lẻ lớn ở Việt Nam như Thế Giới Di Động dưới sự điều hành của ông Nguyễn Đức Tài, hay PNJ dưới sự điều hành của bà Cao Thị Ngọc Dung với sức khỏe tài chính lành mạnh và mạng lưới cửa hàng rộng lớn hiện cũng chưa vấp phải cạnh tranh đáng kể từ các tập đoàn bán lẻ ngoại cho đến năm 2024. Khi quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) nhằm hạn chế khả năng mở từ cửa hàng bán lẻ thứ hai trở đi của doanh nghiệp nước ngoài được dỡ bỏ.
Đây là cơ sở khi nhìn về cơ hội tăng trưởng cho các chuỗi bán lẻ mang thương hiệu Thế Giới Di Động, Bách Hoá Xanh, Điện Máy Xanh, PNJ thông qua việc chiếm lĩnh những “vùng đất mới”.
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động.
Đối với Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động dưới sự điều hành của ông Nguyễn Đức Tài, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, sau 4 năm phát triển, mô hình của Bách Hóa Xanh đang dần hoàn thiện. Chuỗi minimart này được kỳ vọng là động lực tăng trưởng của Thế Giới Di Động trong dài hạn.
Hiện tại, Bách Hoá Xanh đang duy trì tốc độ mở rộng và tăng trưởng ổn định các tỉnh miền Nam, thể hiện qua tỷ lệ doanh thu/cửa hàng và mức độ đón nhận cao từ người mua.
“Chuỗi này đã đạt mốc hòa vốn EBITDA tại cấp độ cửa hàng cho 700 cửa hàng hiện hữu vào tháng 8/2019. Doanh thu trung bình/cửa hàng trong tháng 11 năm 2019 đạt 1,3 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ 2018. Trong khi biên lợi nhuận gộp cũng đạt 20%, tăng 2% từ mức 18% vào cuối năm 2018”, VDSC cho hay.
Ngoài ra, mảng điện máy tiêu dùng của Thế Giới Di Động với thương hiệu Điện Máy Xanh vẫn còn dư địa tăng trưởng khi thị trường điện máy tiêu dùng vẫn đang tăng trưởng với tốc độ 10% trong năm 2019. Còn trong khi thị phần của Điện Máy Xanh cũng cải thiện theo hướng tăng từ 35% trong năm 2018 lên 37% trong năm 2019.
Ngoài ra, việc thay đổi cách trưng bày tại các cửa hàng hiện hữu mang thương hiệu Thế Giới Di Động dự đã tạo thêm nhiều không gian cho các loại hàng hóa mới có biên lợi nhuận cao và có thể tạo ra hiệp lực với danh mục hàng hóa chính, như đồng hồ đeo tay, mắt kính, hàng gia dụng. Các mặt hàng này có biên lợi nhuận gộp từ 40 – 50% và có thể khai thác được lưu lượng khách hàng tại các cửa hàng hiện hữu.
Chiến lược bán đồng hồ ở cửa hàng Thế Giới Di Động dự kiến sẽ chưa đạt hiệu quả do quy mô thị trường.
Từ đây, VDSC đưa ra dự báo về doanh thu và LNST hợp nhất năm 2020 của Thế Giới Di Đông có thể tăng trưởng lần lượt 23% và 33% so với năm 2019 nhờ động lực tăng trưởng mang tên Điện Máy Xanh.
Ở chiều ngược lại, công ty chứng khoán này cũng khuyến nghị 2 rủi ro với doanh nghiệp dưới sự điều hành của ông Nguyễn Đức Tài, đó là Việc mở rộng chuỗi Bách Hoá Xanh chậm hơn kỳ vọng do khó khăn trong khâu logistic tại các tỉnh miền Trung và chiến lược bán chéo các phụ kiện thời trang không đạt hiệu quả như kỳ vọng do quy mô thị trường chưa đủ lớn.
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ).
Còn với PNJ, mức thị phần đạt hơn 7% hiện đang giúp doanh nghiệp dưới sự điều hành của “nữ tướng” Cao Thị Ngọc Dung giữ vị thế dẫn đầu trong ngành bán lẻ trang sức tại Việt Nam.
Với kết quả kinh doanh sau 11 tháng của năm 2019 đạt PNJ vừa công bố kết quả kinh doanh 11T2019, 15.100 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.100 tỷ đồng nhuận ròng. Trong đó, mức lợi nhuận của tháng 11/2019 tăng tới 60% so với cùng kỳ 2018, lên 136 tỷ đồng đã vượt xa ước tính của chúng nhiều công ty chứng khoán.
Điều này đã giúp doanh nghiệp của bà Cao Thị Ngọc Dung hoàn thành lần ượt 83% và 91% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2019.
Nhìn nhận triển vọng năm 2020 của PNJ, theo VDSC, trong các doanh nghiệp kim hoàn lớn tại Việt Nam, PNJ là đơn vị tiên phong trong việc chuyển đổi mô hình kinh doanh từ tập trung vào vàng miếng sang vàng trang sức từ năm 2012. Nhờ đó, doanh nghiệp của bà Cao Thị Ngọc Dung đã đón đầu được xu hướng tiêu dùng trang sức ngày càng tăng lên trong giới trẻ và giảm thiểu được ảnh hưởng từ các quy định hạn chế vàng miếng của chính phủ. Đến nay, PNJ đã trở thành nhà bán lẻ trang sức thời trang dẫn đầu cả nước về thị phần và số cửa hàng, vượt xa các đối thủ cạnh tranh.
Theo thống kê, tổng số cửa hàng PNJ tính đến hết tháng 11/2019 đạt 353 cửa hàng, tăng 33 cửa hàng so với đầu năm và bỏ xa số cửa hàng của 3 đối thủ là SJC (50), Doji (47) và Precita (15).
Số lượng cửa hàng mang thương hiệu PNJ tính tới cuối tháng 11/2019.
Ngoài ra, từ đầu năm 2019, PNJ đã vận hành hệ thống ERP mới, việc chuyển đổi từ hệ thống cũ sang mới đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong một số tháng. Song bước sang năm 2020, khi hệ thống ERP đã vận hành ổn định ũng sẽ củng cố khả năng quản lý chuỗi vốn đã vượt trội của PNJ so với các đối thủ còn lại.
Và nhờ vào môi trường kinh doanh thuận lợi khi thị trường trang sức vàng Việt Nam đang tăng trưởng bình quân 10%/năm, còn tầng lớp trung lưu giàu có đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam với ước tính sẽ chiếm 1/3 dân số trong năm 2020. Dự kiến, Doanh thu và LNST của PNJ sẽ tăng trưởng lần lượt 18% và 28% so với năm 2019.
Trong đó, trang sức bán lẻ sẽ tăng tỷ trọng đóng góp trong tổng doanh thu lên trên 60% và tăng 22% về giá trị, trong khi vàng miếng và bán sỉ sẽ tăng trưởng khoảng 10%.
Song tương tự như Thế Giới Di Động, VDSC cũng dự báo những rủi ro doanh nghiệp của bà Cao Thị Ngọc Dung phải đối mặt khi mở mới nhiều cửa hàng tại các vùng ngoài TP HCM, đặc biệt là miền Bắc.
Đó là các cửa hàng mới dù có doanh thu trung bình và trải nghiệm khách hàng tốt hơn cửa hàng trong trung tâm thương mại, nhưng vẫn sẽ phải chịu rủi ro không tăng trưởng như kỳ vọng, đặc biệt là ở miền Bắc.
Bên cạnh những rủi ro riêng lẻ với mỗi doanh nghiệp, 3 rủi ro chung đối với thị trường bán lẻ và 2 doanh nghiệp của bà Cao Thị Ngọc Dung, ông Nguyễn Đức Tài cũng được VDSC đưa ra. Thứ nhất, sức mua giảm do tăng trưởng tín dụng chậm lại hoặc suy thoái kinh tế. Thứ hai, Môi trường lãi suất tăng làm tăng chi phí tài chính của các nhà bán lẻ, vốn phụ thuộc nhiều vào nợ ngắn hạn để tài trợ vốn lưu động. Thứ ba, áp lực cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu ngoại do những lo lắng về chất lượng sản phẩm trong nước cùng thói quen ưa thích sử dụng sản phẩm nhập khẩu và các nhãn hiệu tên tuổi nước ngoài của người tiêu dùng. |