Cách ly, theo dõi sức khoẻ một bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus corona. (Ảnh: TTXVN).
Chưa đầy 2 tuần, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và 26 quốc gia, vùng lãnh thổ bên ngoài lục địa Trung Quốc.
Tại Việt Nam, theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, Việt Nam đã ghi nhận trường hợp thứ 9 nhiễm virus Corona, bao gồm: 2 cha con người Trung Quốc; 5 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc; 1 công dân Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc; 1 công dân Mỹ đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán, Trung Quốc. Đến nay, Việt Nam đã điều trị khỏi và cho phép 3 người được xuất viện.
Tuy nhiên, những lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch bệnh do virus Corona gây ra đã khiến TTCK Việt Nam biến động mạnh trong những ngày gần đây. Cụ thể, chỉ số quan trọng nhất là VnIndex từ mức 991,46 điểm trong phiên giao dịch ngày 22/1 – phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Canh Tý, có lúc đã lùi về 891,85 điểm trong phiên giao dịch ngày 3/2, tương ứng mức giảm gần 100 điểm.
Giá trị vốn hóa trên 3 sàn HOSE, HNX và UpCom tính tới cuối phiên giao dịch ngày 3/2 vì vậy cũng đã giảm hơn 6,2%, tương ứng giá trị gần 280.000 tỷ đồng, xuống còn 4.204 triệu tỷ đồng.
Bước sang phiên giao dịch ngày 4/2, dù áp lực bán của thị trường suy yếu do tâm lý nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam đã ổn định hơn. Song kết phiên sáng 4/2, chỉ số VnIndex vẫn giảm 2,65 điểm còn 925,49 điểm. Trong khi đó,chỉ số HNX-Index tăng 0,32 điểm lên 101,64 điểm.
Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng. (Ảnh: Phạm Giáp).
Trước những diễn biến tiêu cực trên TTCK Việt Nam, trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho biết, hiện nhiều TTCK trên thế giới, trong đó có TTCK Việt Nam đang chịu tác động tiêu cực từ dịch viêm đường hô hấp do virus Corona gây ra.
Cụ thể, TTCK Việt Nam mở cửa trở lại từ ngày 30/1 và sau hai phiên ghi nhận mức giảm hơn 5%. Trong khi đó, TTCK Trung Quốc kéo dài thời gian nghỉ lễ tới ngày 3/2 mới mở cửa trở lại, cộng với lo ngại về diễn biến phức tạp của dịch Corona khiến thị trường này giảm rất mạnh. Điều này tác động tức thì tới TTCK Việt Nam vào đầu phiên giao dịch bởi thị trường Trung Quốc mở cửa sớm hơn 1 giờ.
“Sau khi xem xét, đánh giá các yếu tố tác động, chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh chung, việc TTCK Việt Nam giảm điểm là điều khó tránh khỏi khi tâm lý lo ngại về dịch bệnh do virus Corona gây ra đang bao trùm nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. TTCK là nơi phản ứng rất nhạy với các biến cố bất thường, tuy nhiên, thực tiễn diễn biến những phiên vừa qua phần nào cho thấy sự phản ứng về mặt tâm lý”, ông Trần Văn Dũng phân tích.
Cũng theo ông Dũng, lịch sử đã chứng minh, các TTCK chỉ biến động tức thì, mang tính ngắn hạn khi xảy ra biến cố về dịch bệnh hay thiên tai. Ở Việt Nam, TTCK cũng đã hồi phục khi các dịch bệnh như SARS, H5N1 được kiềm chế.
“Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi đã và đang nắm bắt sát sao tình hình, phân tích kỹ lưỡng các yếu tố tác động và chủ động xây dựng các kịch bản để sẵn sàng với các tình huống bất thường trên thị trường. Chúng tôi tin rằng, với quyết tâm rất cao cộng đồng quốc tế và Chính phủ Việt Nam, hy vọng dịch Corona sẽ sớm được khống chế. TTCK nhiều khả năng sẽ bình ổn trở lại và nhà đầu tư vì thế cần bình tĩnh, thậm chí có thể tỉnh táo để tìm cơ hội trong rủi ro”, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng đưa ra lời khuyên.