Dân Việt

Xử lý sai phạm càng nghiêm, lòng dân càng thuận

Lương  Duy Cường 04/05/2020 17:54 GMT+7
Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, mà trường hợp  Đô đốc Nguyễn Văn Hiến là đơn cử. Đau xót, nhưng phải nghiêm minh, nhất là với cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược.

“Đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Nguyễn Văn Hiến” do đã vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của pháp luật trong vụ án hình sự xảy ra tại Quân chủng Hải quân  (QCHQ - Bộ Quốc phòng). Đây là một trong các nội dung quan trọng trong thông báo báo chí về Kỳ họp 44 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT Trung ương), tổ chức trong 2 ngày 27 và 28-4, tại Hà Nội.

Cuối tháng 3 vừa rồi, Viện Kiểm sát quân sự trung ương hoàn tất cáo trạng truy tố ông Nguyễn Văn Hiến cùng 7 bị can liên quan đến vụ sai phạm đất đai xảy ra tại ba khu đất ở TP HCM (tổng cộng hơn 7.300 m2), có nguồn gốc là đất quốc phòng, thuộc quyền quản lý của QCHQ.

Ông Nguyễn Văn Hiến, khi đang là tư lệnh QCHQ, đã ký nhiều văn bản đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng, đưa ba khu đất nói trên vào hợp tác kinh doanh. Lãnh đạo Bộ Quốc phòng lúc bấy giờ nhất trí về chủ trương nhưng chỉ đạo "không được góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất vì sẽ bị mất đất". Dù vậy, với sai phạm của các bị can, cả ba khu đất này đều đã rơi vào tay tư nhân.  

Theo Thông cáo kỳ họp thứ 35 của UBKT Trung ương công bố hồi tháng 5-2019, Ban thường vụ Đảng ủy QCHQ đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng, để một số cán bộ, đảng viên trong quân chủng bị xử lý hình sự”.

Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Quân ủy trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, được UBKT Trung ương xác định trong thời gian giữ cương vị phó bí thư Đảng ủy, tư lệnh QCHQ, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Đảng ủy; chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của quân chủng và trách nhiệm cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định thi hành kỷ luật xóa tư cách nguyên tư lệnh QCHQ đối với ông Nguyễn Văn Hiến.                                          

Khai trừ ra khỏi Đảng là hình thức kỷ luật nặng nhất đối với một đảng viên và luôn phải cân nhắc thận trọng. Khai trừ một cán bộ từng có nhiều cống hiến, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Đảng và lực lượng quốc phòng, như trường hợp của Đô đốc Nguyễn Văn Hiến chẳng hạn, thì càng khó khăn. Nhưng khi sai phạm đã rõ, việc xử lý kỷ luật ở hình thức cao nhất chính là thể hiện sự nghiêm minh của Đảng. Chức vụ càng caao, trách nhiệm càng nặng. Lợi dụng chức vụ là lợi dụng sự tin tưởng của Đảng, của dân, nên chỉ có xử nghiêm thì lòng dân mới thuận.

img

Sai phạm của Đô đốc Nguyễn Văn Hiến. Ảnh: TTXVN. 

Ngay trước kỳ họp này của UBKT Trung ương, khi nói về một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng,  Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII của Đảng, đã có bài viết rất sâu sắc, trong đó có dẫn việc  “chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và một số nước Đông Âu sụp đổ là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân rất quan trọng là lựa chọn, bố trí sai một số cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, nhất là cấp cao nhất”.

Từ bài học thực tiễn nói trên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh về công tác nhân sự: “Cần phải khẳng định và thấm nhuần sâu sắc vị trí, ý nghĩa của công việc cực kỳ quan trọng này không chỉ đơn thuần đối với việc tổ chức một Đại hội Đảng mà đây là công việc có ý nghĩa chiến lược gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước”.  

Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII (1996-2001) và các chiến lược về cán bộ, trải qua gần 35 năm thực hiện đổi mới, thực tiễn cho thấy đội ngũ cán bộ các cấp ở nước ta hầu hết có bản lĩnh chính trị, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và đã có bước trưởng thành, phát triển nhiều mặt, chất lượng ngày càng nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Hầu hết cán bộ lãnh đạo lực lượng vũ trang được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn, trung thành với Đảng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Tuy nhiên, Đảng ta cũng chỉ rõ một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, thậm chí có người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, phẩm chất, năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ, vi phạm nguyên tắc và quy chế làm việc, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm….

Chưa bao giờ Đảng ta lại kỷ luật nhiều cán bộ như thời gian từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay. Đau xót nhưng phải nghiêm minh. Và quần chúng bày tỏ niềm tin mạnh mẽ vào công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Điều này cho thấy Đảng ta đã xác định rất rõ công tác cán bộ thực sự “là công việc có ý nghĩa chiến lược gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước”.

Để có đội ngũ cán bộ đảm bảo về chất lượng, đủ phẩm chất thì ngoài việc sáng suốt trong lựa chọn, qui hoạch, đào tạo… còn phải kiên quyết trong xử lý sai phạm. Và dân luôn mong Đảng, Nhà nước khắt khe với công tác cán bộ như thế. Chỉ với đội ngũ cán bộ lãnh đạo có tài, đồng thời có đức, mới mong có ngày “dân giàu, nước mạnh”.