Dân Việt

Làm sao để Đại sứ du lịch không phải là danh hiệu để trang trí?

15/07/2014 15:30 GMT+7
Quy chế đại sứ du lịch vừa được thông qua ngày 8.7 và sắp tới sẽ có một loạt Đại sứ du lịch VN được công bố. Thế nhưng cụ thể phải làm gì để các đại sứ này hoạt động hiệu quả thì dường như chưa được các đơn vị liên quan tính đến.

img

Huỳnh Thị Ngọc Hân - Ảnh: TL và Lan Phương - Ảnh: Khương Duy

Theo quy chế, đại sứ du lịch (ĐSDL) VN bao gồm ĐSDL VN không hạn chế về phạm vi hoạt động và ĐSDL VN tại một khu vực cụ thể. Nhiệm kỳ đại sứ được ghi tại quyết định bổ nhiệm, nhưng không quá 3 năm.

ĐSDL có thể do cá nhân tự ứng cử, hội đồng xét duyệt xét; cũng có thể do được giới thiệu ứng cử hoặc do lãnh đạo Bộ VH-TT-DL mời. ĐSDL có thể bị miễn nhiệm, bãi nhiệm, tước danh hiệu.

Hiện đang có 4 cá nhân ứng cử danh hiệu ĐSDL VN: Hoa hậu Huỳnh Thị Ngọc Hân (1986) - Người đẹp du lịch của cuộc thi Hoa hậu các dân tộc VN; cô Đỗ Thị Hồng Thuận (1985) - giáo viên tiếng Anh, cô Lê Thị Diệu Hân (1990) - Hoa hậu Đông Nam Á và diễn viên Nguyễn Lan Phương (1983).

Đầu bếp Bobby Chinn là người được Đại sứ quán VN tại Anh giới thiệu. Đầu bếp nổi tiếng này từng tham gia dẫn chương trình truyền hình trên các kênh Travel and Living và Discovery chương trình nấu ăn châu Á.

Ông cũng là tác giả của nhiều sách ẩm thực châu Á. Các cá nhân này đều có tiềm năng trở thành các ĐSDL theo quy chế mới. Lý Nhã Kỳ, đại sứ đầu tiên, chưa nộp đơn ứng cử và do đó không thể trở thành đại sứ theo con đường này.

Thiếu chương trình hành động cụ thể

Khi cựu ĐSDL Lý Nhã Kỳ xuất hiện trong một bộ váy trắng tinh tại châu Phi để trả lời phỏng vấn truyền hình, cô đã nói rất nhiều về sự ngạc nhiên của mình trước cảnh đẹp huy hoàng, ý muốn du lịch ở đất nước xinh đẹp ấy.

Nhưng tuyệt nhiên, trong đoạn clip được đưa lên mạng (có ghi rõ cô là ĐSDL Việt Nam) không hề có một câu nào giới thiệu về điểm đến hay sản phẩm du lịch nước nhà. “Tôi nghĩ nếu Lý Nhã Kỳ nói thêm điều gì về du lịch trong nước có lẽ tốt hơn”, một chuyên gia văn hóa nói.

img

Diệu Hân - Ảnh: nhân vật cung cấp và Đỗ Thị Hồng Thuận - Ảnh: Lấy từ Facebook nhân vật 

Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Lý Nhã Kỳ được Bộ VH-TT-DL đánh giá là đã làm hết sức để quảng bá cho hình ảnh đất nước, du lịch VN. “Đại công” của cô gắn liền với hai hoạt động lớn của ngành văn hóa là bình chọn cho vịnh Hạ Long cũng như vận động đăng cai ASIAD. Tuy nhiên, những chương trình này hầu như không gắn trực tiếp với một chương trình quảng bá cụ thể nào của ngành du lịch.

 
img

Nếu đại sứ du lịch muốn quảng bá thì họ cũng phải được cung cấp thông tin liên tục, chứ không phải chỉ dồn vào học trong một ngày là xong

img

Ông Nguyễn Đức Xuyên, Phó tổng biên tập Tạp chí Du lịch

Mới đây, trong nỗ lực mở thêm thị trường ngoài Trung Quốc, các nhà báo nước ngoài đã được mời đến VN tham dự những cuộc khám phá du lịch. Hành trình này kéo dài hàng tuần lễ, băng qua những điểm đến vừa có tài nguyên thiên nhiên, vừa có giá trị di sản.

Điều chúng ta trông đợi là những phản ánh thực, những bài báo kích cầu cho các điểm đến đó. Các nhà báo tham gia hầu hết đều không phải tay mơ. Do đó, điều quan trọng của một cuộc quảng bá vẫn là sản phẩm.

Bản thân các sản phẩm này cũng luôn được cá tính hóa cho phù hợp với từng thị trường, từng thời điểm. Phân khúc khách càng rõ ràng, sản phẩm càng phục vụ được tối ưu hơn. “Nếu ĐSDL xuất hiện trong các chương trình quảng bá thì họ sẽ xuất hiện trong rất nhiều chương trình, nhiều chiến dịch. Vì thế, rất cần đào tạo họ để phù hợp với chính chiến dịch xúc tiến quảng bá đó”, ông Nguyễn Đức Xuyên, Phó tổng biên tập Tạp chí Du lịch nói.

Cũng theo ông Xuyên, điều này có nghĩa là ĐSDL phải gắn bó mật thiết với ngành du lịch hơn. “Mỗi chương trình xúc tiến là cả một giai đoạn tìm hiểu thông tin phân tích thị trường. Và nếu ĐSDL muốn quảng bá thì họ cũng phải được cung cấp thông tin liên tục, chứ không phải chỉ dồn vào học trong một ngày là xong”, ông Xuyên phân tích.

Điều này dường như sẽ phá bỏ “tiền lệ” mà Cục Hợp tác quốc tế và Lý Nhã Kỳ từng thực hiện. Chẳng hạn, ông Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng vẫn thường khen tư chất của Lý Nhã Kỳ, rằng chỉ cần đào tạo gấp trong thời gian ngắn cô đã “ngấm” nhiều thông tin về di sản, văn hóa Việt Nam. “Tôi không tin có thể học gạo như vậy về văn hóa”, GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia nói.

Vì thế, nếu như nhu cầu có đại sứ là thiết yếu trong điều kiện hiện nay, thì việc quan trọng hơn lại nằm ở phần “hậu kỳ” với rất nhiều câu hỏi. Chúng ta có chương trình gì cho ĐSDL làm? Từ chương trình đó, đại sứ sẽ được chọn ra sao, cung cấp thông tin thế nào? Liệu khi công bố ĐSDL, chúng ta có thể đã có ngay nhiệm vụ cụ thể để trao cho họ hay chưa?

Rõ ràng, chương trình hành động cụ thể là điều thiết yếu để ĐSDL không trở thành một danh hiệu trang trí.