1. “Này các vị Kalama, các vị đừng tin vì nghe lời nói lại, đừng tin vì theo truyền thống, đừng tin vì nghe lời đồn đại, đừng tin vì có trong kinh điển, đừng tin vì lý luận siêu hình, đừng tin vì suy diễn hay dựa lên những dữ kiện, đừng tin vì thấy thích hợp với mình, đừng tin vì người nói có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình. Nhưng này các vị Kalama, khi nào các vị tự mình biết rõ: “Các pháp này là bất thiện, các pháp này nếu được thực hiện, sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau”, thì các vị hãy từ bỏ chúng. Và khi nào các vị tự mình biết rõ: “Các pháp này là thiện, các pháp này nếu được thực hiện, thì sẽ dẫn đến hạnh phúc an vui”, thì các vị hãy đi theo và hành trì” - Đức Phật đã dạy như thế trong Kinh Kalama.
Câu hỏi đặt ra, là nếu không tin vào tất cả những thứ đó, thì người ta biết tin vào thứ gì? Tin vào Phật? Không, Đức Thế Tôn không khuyến khích điều này, vì chẳng đã nói “đừng tin vì có trong kinh điển” – tức là ám chỉ chính lời dạy của Phật. Sư Lâm Tế, tổ của dòng thiền Lâm Tế, từng nói: “Gặp Phật giết Phật” ý gần như vậy.
Người ta phải tin vào chính bản thân mình, Phật dạy. “Các con hãy là những hải đảo, những ngọn đuốc cho chính mình. Hãy nương tựa vào chính mình, không nương tựa vào nơi nào khác”.
2. Vụ án của trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi tại
chùa Bồ Đề hẳn đã làm dao động lòng tin của nhiều người vào đạo đức xã hội, hay cụ thể hơn là vào những trung tâm từ thiện.
Rất đáng hoài nghi. Bởi vì không phải cho đến hôm nay, khi vụ án đã được khởi tố với rất nhiều dấu hiệu cho thấy đã có hiện tượng buôn bán trẻ em ở chùa Bồ Đề, thì người ta mới lờ mờ cảm nhận được rằng có hiện tượng trục lợi gắn mác từ thiện. Đã có hơn một vụ án lợi dụng việc làm từ thiện để mưu lợi cá nhân, chỉ có điều không cùng tính chất và mức độ với vụ chùa Bồ Đề.
Và tất nhiên là người ta cũng có quyền nghi ngờ rằng có hơn một trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi đang thực hiện những hành vi phi nhân văn trên đầu lũ trẻ.
Nhưng nếu vì phân vân mà chúng ta nuôi một niềm tin kiên cố vào sự xấu xa, rồi từ đó ảnh hưởng đến những hành động thiện nguyện của bản thân trong tương lai thì không phải điều Phật dạy.
Nếu chúng ta tin rằng đang có rất nhiều người buôn thần bán thánh ngoài kia thì đấy chính là “tin vào lời đồn đại”.
Nếu chúng ta vì những vụ án như thế này mà mất niềm tin vào đạo đức xã hội thì đấy chính là “tin vì suy diễn hay dựa lên những dữ kiện”, cho dù những vụ án ấy có đau lòng như thế nào, và xuất hiện với mức độ dày đặc như thế nào đi nữa.
Nếu chúng ta tin rằng ngừng làm từ thiện là điều tốt nhất cho bản thân vì như thế sẽ tránh được việc bị tổn thương trong tương lai thì đấy chính là “tin vì thấy thích hợp với mình”. Chúng ta chui trở lại vào cái vỏ an toàn và không còn cái mong muốn thay đổi xã hội được lòng thiện thúc đẩy nữa.
Nếu bạn đã một lần đến các trung tâm bảo trợ trẻ mồ côi, thậm chí là chính chùa Bồ Đề, bế một đứa trẻ trên tay, thì bạn sẽ hiểu được rằng tại sao Phật nói rằng chúng ta có thể trở thành “hải đăng” của chính mình – cảm nhận về lòng yêu thương và nơi nó có thể dắt ta đi. Khắp nơi trong cả nước, những trung tâm bảo trợ trẻ mồ côi dưới các mái chùa, đã nuôi dưỡng hàng nghìn đứa trẻ bơ vơ thành người.
Bởi vì rốt cục thì không ai có thể xây dựng niềm tin dựa trên sự hoài nghi. Vụ án ở chùa Bồ Đề được phanh phui không phải nhờ sự hoài nghi, mà nhờ lòng yêu thương. Nhà báo của báo Phụ nữ TP.HCM đủ yêu thương để dấn thân. Người cha đỡ đầu của một em nhỏ bị đem bán đủ yêu thương để tìm đến cùng bản chất câu chuyện.
Đức Phật bảo đừng tin. Nếu biết cách đừng tin vào những dữ kiện, những suy luận vốn dựa trên các câu chuyện đầy xấu xa của xã hội, nếu biết cách đừng tin vào lời tiêu cực của người khác, thì ta sẽ học được cách tin: đó là tin vào ánh mắt của những đứa trẻ mồ côi đang cần giúp đỡ, tin vào những cô giáo miền cao tha thiết mong trẻ được đến trường.
3. Chuyện chùa Bồ Đề đến chỉ một thời gian ngắn sau một câu chuyện không mấy liên quan: Cầu treo Sam Lang đã bị lũ cuốn trôi.
Hẳn nhiều người còn nhớ rằng cầu treo Sam Lang đã được xây lên như thế nào. Năm ngoái, dư luận xôn xao trước hình ảnh những em học sinh nơi đây dùng túi ni lông để qua suối trong mùa lũ. Hình ảnh gây sốc ấy thậm chí còn lên báo nước ngoài.
... Hai “nhân vật chính” trong vụ buôn bán trẻ em ở chùa Bồ Đề. IT
Dư luận dậy sóng. Bộ trưởng Đinh La Thăng ngay lập tức chỉ đạo việc xây cầu. Nhưng chỉ chưa đầy một năm, thì cây cầu đã bị lũ cuốn trôi.
Ngay lập tức, sự nghi ngờ dấy lên. Thật ra sự nghi ngờ đã dấy lên từ lúc đoạn clip thương tâm kia được đưa ra rồi: Người ta bảo rằng có khả năng đoạn clip “túi ni lông qua suối” không phải là thật, một ai đó đã dựng nó lên để tạo sóng dư luận, chứ chẳng cha mẹ nào lại mạo hiểm với tính mạng của con mình trong những cơn lũ hung ác miền núi. Bây giờ, khi cái cầu treo bị lũ cuốn, họ càng có cớ chỉ trích: Đấy, cứ vội vàng hăng hái làm việc tốt, sự nhiệt tình cộng với sự thiếu tính toán, chỉ tạo ra sự phá hoại.
Bây giờ, khi cái cầu treo bị lũ cuốn đi rồi, câu hỏi đặt ra là phản ứng của chúng ta trước hình ảnh những em nhỏ dùng túi ni lông qua suối nên là như thế nào? Câu hỏi là chúng ta, dư luận xã hội có thể làm khác được không? Chúng ta sẽ không kêu gọi xây ngay một cây cầu, thậm chí là phản đối khi Bộ trưởng quyết định xây cầu?
Chắc không ai làm như thế được. Đúng là sự tỉnh táo rất cần thiết. Nhưng khi lòng thiện đã thôi thúc, chúng ta cần tin vào nó. Nếu cho làm lại, hẳn nhiều người vẫn quyết định: họ sẽ gây sức ép yêu cầu Bộ trưởng xây cầu.
Chuyện về lòng tin vào lòng tốt của chính mình ở đây cũng gần giống câu chuyện ở chùa Bồ Đề. Tức là chùa Bồ Đề có thể tạo ra một hình ảnh kinh khủng về những trung tâm bảo trợ trẻ em. Nhưng không thể vì thế mà chúng ta quyết định rằng từ nay sẽ không tin vào những trung tâm như thế nữa, sẽ khước từ nếu được kêu gọi giúp đỡ, khước từ đưa bàn tay của mình ra cho những sinh linh bé bỏng hay những thân phận thiệt thòi vì… sợ bị lợi dụng.
Để tránh những kịch bản sai lầm – ví dụ như cái cầu bị lũ cuốn hay là lòng tốt của con người cũng bị “lũ cuốn” ở chùa Bồ Đề - chúng ta đã có một hệ thống ăn lương từ tiền thuế để kiểm tra. Có những người có trách nhiệm tính toán xem xây cầu ở đâu thì không bị sập, có những người có trách nhiệm quản lý các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Họ chưa làm tròn công việc, thì ta phải điều chỉnh họ. Còn việc của chúng ta, là tin vào lòng tốt.
Đức Phật bảo đừng tin. Nếu biết cách đừng tin vào những dữ kiện, những suy luận vốn dựa trên các câu chuyện đầy xấu xa của xã hội, nếu biết cách đừng tin vào lời tiêu cực của người khác, thì ta sẽ học được cách tin: đó là tin vào ánh mắt của những đứa trẻ mồ côi đang cần giúp đỡ, tin vào những cô giáo miền cao tha thiết mong trẻ được đến trường.
Những ngày này, xung quanh bạn đọc của tôi, hẳn sẽ có rất nhiều người bĩu môi: “Tôi còn lạ gì cái kiểu ấy” khi nói về việc thiện. Những ngày này, trên nhiều trang mạng, bạn có thể độc được thêm nhiều chuyện kinh khủng, nhiều mối hoài nghi, nhiều sự suy diễn.
Những lúc ấy, mong rằng bạn hãy nhớ lời Phật dạy. Điều gì tự bản thân mình cảm thấy tốt, cứ giữ lấy.