>> Kỳ 1: Sướng - khổ phố cổ Hà Nội: 4 mét vuông "nhồi"... 3 thế hệ
>> Kỳ 2: Sướng - khổ phố cổ Hà Nội: Trèo, chui vào nhà tí hon... "cấm" đứng!
>> Kỳ 3: Sướng - khổ phố cổ Hà Nội: Ngõ nhỏ... ngày cũng như đêm
Sống ở ngõ 40 Hàng Bông, công việc của chị Lan là sáng sáng bê chiếc bàn nhỏ cùng dăm ba chai nước ngọt, một phích nước chè, một chiếc điếu cày và ít hoa quả pha nước ra ngồi ở vỉa hè. “Cần kiếm cơm” đơn giản như vậy, nhưng số tiền kiếm được cũng đủ cho chị Lan xoay xở cuộc sống hàng ngày.
Chị Lan cho biết: “Ở đây, nhà nào ở mặt đường thì mở cửa hàng kinh doanh, người thì buôn quần áo, người thì bán vàng bạc trang sức… Còn những nhà trong ngõ như tôi, thì hoặc đăng ký gian hàng bán ở chợ Đồng Xuân, hoặc ngồi bán vỉa hè như thế này cũng đủ sống”.
Nhà không có vỉa hè, ra khỏi ngõ là đường nên bà Quế (47 Hàng Bạc) làm một hàng chè lưu động trong một chiếc tủ kính có bánh để tiện đẩy ra đẩy vào. Còn sát bên tường thì bà bày bán các loại quần áo cho khách du lịch. Bên trong ngõ là căn bếp nhỏ, bà làm gian hàng dưa cà muối cùng các đồ khô.
Nhìn sơ sài vậy nhưng lúc nào nhà bà Quế cũng đắt khách. Một bát chè trôi tàu nhỏ nhỏ giá 10.000 đồng, chiếc áo in hình quảng bá du lịch bán cho khách Tây độ trăm ngàn, còn món dưa cà muối của bà nổi tiếng ở đây, nên chỉ ngồi một lúc buổi trưa, bà Quế cũng thu về gần trăm ngàn.
“Túc tắc bán đồ như thế này, ngày cũng kiếm được đôi trăm, cộng với tiền lương hưu nên cuộc sống cũng không thiếu kém, nhưng chỗ ở thì vất vả quá”, bà Quế cho biết.
Cuộc sống nơi phố cổ, đằng sau những cửa hàng sáng bóng, hào nhoáng, tấp nập là cuộc sống chật chội, ẩm thấp và tăm tối trong những con ngõ nhỏ, những căn nhà nhếch nhác. Nhưng dù khổ như vậy, người dân phố cổ vẫn thấy cái “sướng” ở phố cổ, họ chấp nhận cuộc sống như vậy để buôn bán, mưu sinh hết đời này qua đời khác… |
Kiếm tiền ở phố cổ có muôn vàn nghề khác nhau. Nhiều người nắm được nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch là đi dạo Hà Nội bằng xe máy, nên mở dịch vụ cho thuê xe máy. Cách làm việc này cũng hết sức đơn giản, có thể vài nhà gộp xe vào thành một cửa hàng, xe dựng ở vỉa hè, treo biển cho thuê, khách cần đến đặt hộ chiếu là có thể lấy xe đi.
“Mỗi chiếc xe tùy loại, xe ga hoặc xe số sẽ có giá khác nhau, trung bình tôi cho thuê 200.000 đồng/xe/ngày. Trung bình mỗi ngày cũng có 5 - 7 khách, nên thu nhập cũng ổn”, một chủ cửa hàng cho thuê xe máy trên đường Tạ Hiện cho biết.
Ngoài các ngành nghề trên, bán đồ lưu niệm cũng được coi là nghề "hốt bạc". Dạo quanh các tuyến phố chính có thể dễ dàng thấy rất nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm. Những cửa hàng này thường nhỏ, chỉ vài m2 với đủ các dạng đồ lưu niệm như móc khóa, chuồn chuồn gỗ, tượng gỗ cô gái mặc áo dài…
Chị Thủy, chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm tại Hàng Bạc cho biết: "Bán đồ cho Tây thường quy ra USD. Một tượng cô gái Việt Nam đội nón hay tượng Chí Phèo, Thị Nở tôi thường bán giá 8 - 10 USD". Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, những đồ lưu niệm như vậy bày bán ở Bát Tràng giá cũng chỉ 20 - 30.000 đồng.
>> Kỳ 1: Sướng - khổ phố cổ Hà Nội: 4 mét vuông "nhồi"... 3 thế hệ
>> Kỳ 2: Sướng - khổ phố cổ Hà Nội: Trèo, chui vào nhà tí hon... "cấm" đứng!
>> Kỳ 3: Sướng - khổ phố cổ Hà Nội: Ngõ nhỏ... ngày cũng như đêm