Dân Việt

Tâm bão Ukraine ở G-20: Nga và nguy cơ bị cô lập

Đức Hoàng 17/11/2014 06:52 GMT+7
Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) đã bị các vấn đề liên quan đến tình hình Ukraine chi phối và mọi áp lực đang dồn lên Tổng thống Nga Putin khi phương Tây tiếp tục chỉ trích,  tăng cường trừng phạt để gây sức ép lên Mátxcơva.

Sai lầm lớn?

Bên lề Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) tổ chức tại thành phố Brisbane của Australia, Tổng thống Nga Putin cho rằng, việc Ukraine quyết định cắt đứt quan hệ kinh tế với miền đông là một sai lầm lớn mà không giúp người dân nơi đây có được niềm tin nơi chính quyền Kiev.

img
Không khí căng thẳng trong cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Nga Putin.  Ảnh: Reuters

 

Phát biểu trong một cuộc họp báo, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh: "Tôi không hiểu tại sao chính quyền Kiev lại cắt bỏ những vùng lãnh thổ của mình. Người ta có thể hiểu đó là cách để tiết kiệm tiền. Nhưng đây không phải là thời điểm và trường hợp cần tiết kiệm”. Tổng thống Putin cũng so sánh sự thất bại của Kiev đối với các vùng Donetsk và Lugansk giống như xung đột vũ trang của Nga tại CH Chechnya nổ ra nhiều lần kể từ đầu những năm 1990 và chính thức kết thúc vào tháng 4.2009. Tuy nhiên ông Putin nhấn mạnh, ngay cả ở những khoảnh khắc tồi tệ nhất, Mátxcơva không chấm dứt chi trả lương hưu và các khoản phúc lợi khác cho người dân Chechnya. “Đó là trách nhiệm đạo đức cao quý đối với dân thường”- ông Putin nhấn mạnh.

 

Nhà lãnh đạo Nga cũng hy vọng, quyết định của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko sẽ được sửa đổi theo tình hình thực tế.

Trước đó, ngày 15.11, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ra lệnh đóng cửa các cơ quan nhà nước và dịch vụ ngân hàng tại miền đông Ukraine để gây áp lực cắt đứt liên lạc với khu vực bị chiếm giữ bởi quân ly khai. Sắc lệnh này sẽ được áp dụng đối với những cơ sở như trường học, bệnh viện và cơ quan tình trạng khẩn cấp. Sắc lệnh cũng gợi ý các ngân hàng trung ương của Ukraine nên có các biện pháp nhằm ngừng hoạt động tất cả các dịch vụ ngân hàng, kể cả các giao dịch thẻ tín dụng trong một số vùng bị chiếm giữ bởi quân ly khai. Ukraine đã cắt tất cả ngân sách nhà nước tại Donetsk và Luhansk sau khi phe ly khai này tiến hành bầu cử vào tháng 10. Tổng thống Poroshenko lên án cuộc bầu cử là bất hợp pháp, vi phạm thỏa thuận ngừng bắn được ký kết vào tháng 9.

Nga tiếp tục bị cô lập

Cũng trong ngày 16.11, bên lề G-20, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhóm họp với các nhà lãnh đạo châu Âu để thảo luận về cuộc xung đột giữa Nga với Ukraine, trong bối cảnh các quan chức nhận định tình hình an ninh tại quốc gia Đông Âu này đang trở nên tồi tệ. Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo nếu Nga không có hướng đi khác trong vấn đề Ukraine thì Mátxcơva có nguy cơ bị cô lập sâu sắc hơn trước cộng đồng quốc tế trong bối cảnh nước này đang phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Tuyên bố của ông Obama ám chỉ đến những cáo buộc hiện nay Nga đang cung cấp, hỗ trợ vũ khi cho phe ly khai ở Ukraine.

 

Cùng ngày, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố Hội nghị G-20 đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng Nga phải chấm dứt can thiệp vào Ukraine hoặc đối mặt với các biện pháp trừng phạt mới. Nhà lãnh đạo Anh nhấn mạnh, trong tháng tới, EU và Mỹ sẽ có những biện pháp mạnh mẽ hơn nếu cuộc khủng hoảng ở Ukraine không được giải quyết.

Trong một cuộc họp khác giữa Mỹ, Nhật và Australia ngày 16.11, các nhà lãnh đạo của 3 nước này cũng tuyên bố phản đối hành động của Nga tại Crimea, đồng thời cam kết sẽ chống lại sự can thiệp sâu hơn của Nga tại Crimea.

Phản ứng trước những tuyên bố cứng rắn nói trên, ngày 16.11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ca ngợi "bầu không khí xây dựng" tại G-20, đồng thời nhấn mạnh đã có "cơ hội tốt cho một giải pháp" đối với cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine.

Phát biểu trong một cuộc họp báo phát sóng trên truyền hình Nga, ông Putin nói: “Một số quan điểm của chúng tôi không thống nhất, song các cuộc thảo luận liên quan đến vấn đề Ukraine đã diễn ra toàn diện, mang tính xây dựng và rất hữu ích”.

    Theo sắc lệnh trên, ông Poroshenko đã yêu cầu Nội các Ukraine trong vòng 1 tuần phải thực thi các biện pháp “nhằm chấm dứt hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, các thiết chế và tổ chức tại những vùng lãnh thổ đang diễn ra các chiến dịch chống khủng bố”.