Đó là nhận định của tờ báo tiếng Nga Vestnik-rm hôm 22.11.2014. Theo tờ báo, sau khi có thông tin cáo buộc giữa quân Kiev và quân ly khai về sự xuất hiện của loại pháo 2S4 Tulip trong chiến trường Donbass ở Đông Ukraine, một số chuyên gia quân sự đã nghi vấn về độ tin cậy của thông tin này.
Súng cối tự hành 2S4 Tulip. Ảnh: Vestnik-rm
Trong thực tế, loại pháo 2S4 Tulip chưa từng được báo cáo có trong kho vũ khí của quân đội Ukraine. Tờ Vestnik-rm cho rằng, có thể quân ly khai đã bị nhầm lẫn giữa Tulip với pháo tự hành 2S5 Hyacinth. Vì cả hai đều có hình dáng tương tự nhau nếu không phải là người sành sỏi về công nghệ quân sự thì rất khó có thể phân biệt được.
>> Ukraine kéo pháo, xe bọc thép trấn giữ vị trí chiến lược
Theo Military-today, súng cối tự hành 2S4 Tulip được phát triển vào cuối những năm 1960, phiên bản đầu tiên hoàn thành vào năm 1969 và được chấp nhận trong quân đội Liên Xô vào năm 1971. Đã có khoảng 400 khẩu cối tự hành 2S4 Tulip được sản xuất. Hiện nó đang hoạt động trong quân đội Nga, Afghanistan và Chechnya. Nhưng không thấy Military-today đề cập tới Ukraine.
Loại cối tự hành 2S4 Tulip có khả năng bắn được rất nhiều loại đầu đạn từ đầu đạn nhiệt nổ, chống giáp, hóa học, đạn laser dẫn đường và thậm chí cả đầu đạn hạt nhân. Thậm chí hệ thống cối tự hành 2S4 Tulip còn được chở trên xe Krug có thể mang theo tên lửa đất đối không và được trang bị thêm súng máy cỡ 7,62 mm.
Pháo tự hành 2S5 Hyacinth. Ảnh: Military-today
Trong khi đó, 2S5 Hyacinth cỡ 152 mm, là một pháo tự hành bắt đầu được sản xuất vào năm 1968, phục vụ quân đội Liên Xô vào năm 1976, hiện có trong biên chế quân đội Nga, Belarus và Ukraine. 2S5 Hyacinth cũng có thể bắn được đa dạng các đầu đạn từ đầu đạn nổ nhiệt phân mảnh, đầu đạn chùm, bom khói và cả đầu đạn hạt nhân.
Điểm giống với 2S4 ở chỗ là, 2S5 cũng được đặt trên khung xe chở là Krug có hệ thống tên lửa đất đối không và súng máy 7,62 mm.