Dân Việt

Ngành điện có trách nhiệm giải thích rõ lý do tăng giá

Mai Hương (thực hiện) 31/01/2015 08:08 GMT+7
“Vốn Nhà nước đầu tư cho ngành điện suy cho cùng cũng do người dân đóng góp, do vậy khi tăng giá ngành điện phải có trách nhiệm giải thích rõ cho người dân. Có như vậy, việc tăng giá điện mới tránh được những bức xúc, hoài nghi không đáng có…”.

Giáo sư-Viện sĩ-TSKH Trần Đình Long- Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam đã kết lại câu chuyện: “Không tăng giá điện, EVN có phá sản?” với phóng viên NTNN.

Cho đến lúc này, các chuyên gia đều khẳng định: Về lâu dài, giá điện Việt Nam phải theo thị trường, không bao cấp. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể đạt được khi Việt Nam có thị trường điện cạnh tranh thực sự chứ không phải bằng cách tăng giá điện lên đều như hiện nay, thưa ông?

img
Thị trường điện hiện nay chưa có sự cạnh tranh đủ mạnh để giá điện có thể vận hành theo đúng với giá thị trường. Ảnh nhân viên điện lực kiểm tra chỉ số điện tại phường Trấn Vũ, Ba Đình (Hà Nội).  Ảnh: Linh Hà
- Đúng là thị trường điện hiện nay chưa có sự cạnh tranh đủ mạnh để giá điện có thể vận hành theo đúng với giá thị trường. Theo thị trường cũng không phải là quá khó mà chúng ta chỉ cần có công thức tính giá điện theo đầu vào-đầu ra đúng với thực tế thị trường. Bản thân các đầu vào cho điện là các ngành than, khí, dầu và nhiều thứ khác… cũng còn chưa theo thị trường thực sự dẫn tới ngành điện khó có thể minh bạch.

 

Thời gian qua, người dân chỉ được biết Bộ Công Thương và EVN tăng giá điện rồi lại bàn tính việc tăng tiếp giá điện chứ chưa có sự công khai, minh bạch thực sự nào về giá điện. Việc công khai thông tin về giá điện là việc làm cần thiết và có lợi cho ngành điện. Bởi lẽ, nếu giá thành sản xuất được công khai minh bạch, sẽ giúp khách hàng giám sát được một cách rõ ràng các chi phí đầu vào của EVN, từ đó mới có cơ sở cho việc tính toán giá bán điện (đầu ra).

Bộ Công Thương mới đây còn tuyên bố, nếu không tăng giá điện thì EVN có thể sẽ phá sản, ông nghĩ sao về điều này?

- Tôi cho cách thể hiện này hơi quá với ngành điện. Tất nhiên, nhu cầu điện của ta hiện nay còn cao, ngành điện cần phải tăng đầu tư phát triển. Với ngành điện, Nhà nước luôn ưu tiên vốn cho ngành này để làm sao đảm bảo điện cho nền kinh tế, đời sống người dân. Vốn Nhà nước đầu tư cho ngành điện suy cho cùng cũng là do của người dân đóng góp, do vậy khi tăng giá ngành điện cần phải có trách nhiệm giải thích rõ cho người dân. Có như vậy, việc tăng giá điện mới tránh được những bức xúc, hoài nghi không đáng có.

Nếu chỉ nghĩ đến tăng giá điện thì bao giờ ngành điện mới có thể tái cơ cấu, nâng cao được năng suất, hiệu quả kinh doanh?

- EVN đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm giá thành, cải thiện sản xuất kinh doanh chứ không phải không. Tuy nhiên, việc giảm tổn thất điện năng hiện nay vẫn chưa đạt được. Chỉ để cải thiện khâu này họ cũng cần phải có những đầu tư rất lớn. Hay năng suất lao động của EVN cũng vậy, còn chưa cao, đặc biệt trong khâu phân phối điện, đội ngũ đi thu tiền điện, ghi chỉ số công tơ còn quá đông, chưa nói đến các khâu khác. EVN đang giảm cải thiện nhưng cũng không thể giảm trong ngày một ngày hai…

Ngành điện cũng lập luận lại rằng, tiêu dùng điện của nền kinh tế hiện nay còn quá hoang phí nên nếu không có một giá điện hợp lý thì không thể khuyến khích nền kinh tế sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả được, thưa ông?

- Việc sử dụng điện lãng phí là chuyện của doanh nghiệp, là chuyện hoàn toàn khác. Bản thân EVN phải tự hướng phấn đấu giảm giá thành điện xuống. 4 yếu tố tác động trực tiếp đến giá điện thì yếu tố phát điện, tryền tải điện đều có con số cụ thể có thể kiểm tra được. Chỉ còn lại giá phân phối, dịch vụ phụ trợ nếu không tiết giảm được ở các khâu này thì giá điện khó có thể giảm phù hợp.

Nhiều ý kiến cho rằng, Ngân hàng Thế giới (WB) cho EVN vay tiền để đầu tư điện khá lớn nên việc họ đưa ra khuyến nghị tăng giá điện, cải thiện tình hình tài chính của EVN cũng là đương nhiên, thưa ông?

- Đúng là có thực tế này. Tuy nhiên, giải pháp cho giá điện, cho ngành điện hiện nay là phải giải quyết nợ của EVN một cách cơ bản. Thực tế, WB đã kiến nghị tăng giá điện từ thời tôi còn làm trong ngành điện nhưng chúng ta cũng chưa thực hiện đầy đủ theo khuyến nghị của họ.

Vậy theo ông, để giải quyết bài toán giá điện theo thị trường, công khai, minh bạch cần phải làm gì?

- Tôi xin khẳng định, nhiều thành phần cấu thành giá điện hiện nay đã được EVN công bố khá rõ ràng. Để có giá điện minh bạch, theo thị trường cần phải có công thức tính giá điện đúng với đầu vào-đầu ra. Giá điện phải được hình thành dựa trên các chi phí thực tế và có lợi nhuận hợp lý cho doanh nghiệp (ở đây là EVN). Chúng ta vẫn còn đang loay hoay ở hai chữ “hợp lý” này. Do vậy, trong giá điện bao nhiêu phần trăm là từ nguyên liệu, bao nhiêu từ truyền tải, bao nhiêu từ phân phối… cần sớm có công thức tính rõ ràng thì mới có thể minh bạch, thị trường mới có thể giám sát được. Cuối cùng, các bộ ngành phải “để mắt” đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành điện một cách thực sự, công tâm thì giá điện mới dần minh bạch được.

Xin cảm ơn ông!

  Tháng 3.2015: Báo cáo Thủ tướng các phương án điều chỉnh giá điện

Văn phòng Chính phủ ngày 30.1 đã có thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao  Bộ Công Thương phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình giá cả thị trường để hoàn thiện các phương án điều chỉnh giá điện trong năm 2015, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3.2015; chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát, có các biện pháp cụ thể, quyết liệt để giảm mạnh chi phí sản xuất, kinh doanh điện, nhất là phải giảm tỷ lệ hao hụt, nâng cao năng suất lao động và tạo thuận lợi hơn nữa, tiết kiệm thời gian trong tiếp cận điện năng của doanh nghiệp, người dân...      

Anh Thư