Hiểm họa từ xe "3 không"
Theo thống kê của Bộ GTVT, sau khi thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ thay thế xe công nông, xe lôi máy, xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3 - 4 bánh đã có 148.000 phương tiện được thay thế. Tuy nhiên, việc chuyển đổi, thay thế xe công nông tự chế tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên tiến hành chậm. Đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, loại xe "3 không" này vẫn tung hoành trên cả các tuyến quốc lộ.
Xe công chở bà con lên rẫy tại huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai). (Ảnh: L.H.T)
Ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho biết: "Ở khu vực Tây Nguyên, nhiều người dân vẫn sử dụng loại xe công nông không đăng ký, không đăng kiểm và người điều khiển không có bằng lái. Vì vậy, đây được gọi là loại công nông 3 không".
Mối nguy từ loại phương tiện này được hiển hiện rõ ràng trên các tuyến đường giao thông. Vì là phương tiện "3 không" nên các điều kiện về an toàn kỹ thuật, điều kiện người lái... đều không được đảm bảo. Thậm chí, có xe đi ban đêm không có đèn, không có đèn hiệu báo chiều rộng của xe, chở nhiều người trên thùng xe.
Cũng theo ông Nguyễn Trọng Thái: "Sau khi dự án nâng cấp, cải tạo QL14 được hoàn thành, Ủy ban ATGT quốc gia đã làm việc với các địa phương khu vực Tây Nguyên bởi đường tốt, xe công nông có thể chạy nhanh hơn nên nguy cơ tai nạn là cực cao. Trên thực tế, tai nạn có liên quan đến loại xe này vẫn xảy ra".
Trước vụ tai nạn thảm khốc trên QL14 đoạn qua huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ khu vực Tây Nguyên đã có nhiều vụ tai nạn chết người liên quan đến xe công nông tự chế.
Trông chờ vào tuyên truyền
Thống kê của các trung tâm đăng kiểm, từ 1.1.2008 cả nước phải loại bỏ 15.777 xe công nông tự chế, các xe này không được kiểm định cấp giấy chứng nhận để tham gia giao thông. Đối với loại phương tiện bị cấm tham gia giao thông trên đường bộ kể trên, Bộ GTVT cũng kiến nghị thực hiện nghiêm việc tịch thu, tiêu hủy chứ không tổ chức thanh lý để tránh xảy ra hiện tượng quay vòng phương tiện hoạt động nơi khác. |
Sau vụ tai nạn tại tỉnh Gia Lai đêm 27.11 vừa qua, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia đã ký công điện gửi Ban ATGT các tỉnh Gia Lai, Bình Phước, Đăk Lăk, Đăk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng. Theo đó, Ủy ban ATGT các tỉnh cần chỉ đạo tuyên truyền, giáo dục, phổ biến quy định cấm xe công nông trên quốc lộ, quy định của chủ tịch UBND tỉnh về địa bàn hoạt động của xe công nông trên địa bàn.
Đồng thời, chỉ đạo lực lượng CSGT tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các chủ phương tiện và người điều khiển xe công nông vi phạm các quy định pháp luật khi tham gia giao thông.
Tuy nhiên, do đặc thù của các địa phương trên nên để thực hiện được vấn đề này không hề đơn giản. Ông Nguyễn Trọng Thái cho hay: "Chủ trương, chính sách chuyển đổi loại phương tiện này đã có đầy đủ. Theo quy định, loại xe công nông không được lưu thông trên quốc lộ, chở người lại tuyệt đối không. Tuy nhiên, ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên việc xử lý loại xe ngày rất khó do có tính chất đặc thù".
Tính đặc thù ở đây là chiếc xe công nông tự chế vừa được coi là phương tiện vận chuyển nông cụ, nguyên liệu, chở người, máy bơm, phương tiện kéo gỗ... nên được coi là loại phương tiện không thể thay thế đối với người dân.
Ông Thái cho biết, ngay sau vụ tai nạn đêm 27.11, Ủy ban ATGT quốc gia đã có trao đổi với Ban ATGT tỉnh Gia Lai, trong điều kiện chưa thể tịch thu xe công nông "3 không" thì cần có phương án tuyên truyền, vận động để chuyển đổi dần phương tiện vận chuyển cho người dân. Việc thực hiện có thể thí điểm trong khu vực nhỏ, sau đó nhân rộng ra để loại xe công nông chỉ được sử dụng trong nương rẫy, không được đưa ra đường tham gia giao thông.