Theo Yonhap, động thái trên nhằm chứng tỏ Washington không bị vụ thử hạt nhân tuần trước của Bình Nhưỡng làm cho “bối rối”. Đặc biệt, một trong những mục tiêu thúc đẩy Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử hạt nhân, tên lửa là nhằm thu hút sự chú ý của dư luận. Bằng việc phớt lờ Triều Tiên trong thông điệp liên bang quan trọng, ông Obama đã gửi thông điệp mạnh mẽ tới chế độ Bình Nhưỡng rằng, họ sẽ không có được “sự chú ý” mà họ muốn.
Tổng thống Obama đọc thông điệp liên bang cuối cùng tại Quốc hội Mỹ.
Trước đó, giới chuyên gia phân tích đều dự đoán rằng, Tổng thống Obama chắc chắn sẽ đề cập đến Triều Tiên trong thông điệp liên bang cuối cùng trên cương vị là tổng thống Mỹ được đọc vào hôm 13.1 (theo giờ Hà Nội) trong bối cảnh nước này vừa tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 4 bất chấp sự phản đối, lên án gay gắt của cộng đồng quốc tế.
Lần gần đây nhất Tổng thống Obama nhắc đến Triều Tiên trong thông điệp liên bang là vào năm 2013.
Theo Yonhap, Tổng thống Obama lâu nay đã phớt lờ vấn đề hạt nhân Triều Tiên với chính sách "kiên nhẫn chiến lược" của mình. Chính quyền Obama nhiều năm qua kiên trì thuyết phục và thúc giục Bình Nhưỡng thực thi các cam kết phi hạt nhân hóa mà nước này đã ký kết. Washington xem đây là điều kiện tiên quyết để tái khởi động lại các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Theo các chuyên gia phân tích, khi ông Obama còn bận tâm với các vấn đề ở Trung Đông, Triều Tiên đã ra sức củng cố kho vũ khí hạt nhân của mình đồng thời phát triển, cải tiến khả năng của các tên lửa đạn đạo tầm xa. Tính đến nay, Triều Tiên đã đã tiến hành 4 vụ thử hạt nhân - vào các năm 2006, 2009, 2013 và 2016. Có thể nhận thấy, 3 trong số 4 vụ thử hạt nhân được Bình Nhưỡng tiến hành trong thời gian ông Obama tại nhiệm.
Người dân Hàn Quốc theo dõi bản tin về vụ thử hạt nhân lần thứ 4 của Triều Tiên.
Các chuyên gia cảnh báo, việc Triều Tiên phát triển thành công tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân được thu nhỏ đủ khả năng tấn Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian. Một số chuyên gia nhấn mạnh, tới năm 2020, Triều Tiên có thể sở hữu 100 bom hạt nhân.
Sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch hôm 6.1, chính quyền Obama phải chịu sức ép lớn khi các thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ mạnh mẽ chỉ trích và lên án chính sách "kiên nhẫn chiến lược". Các nghị sĩ Cộng hòa cho rằng, đây là một chính sách thất bại.
Trong một động thái liên quan, Hạ viện Mỹ sáng 13.1 cũng vừa thông qua dự luật mở rộng trừng phạt Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này. Quyết định trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch (bom H).
Dự luật trên được đưa ra lần đầu tiên vào đầu năm 2015, nhưng không được đưa ra biểu quyết cho đến khi Bình Nhưỡng thử bom nhiệt hạch hôm 6.1.
Ngoài ra, Yonhap đưa tin, Hàn Quốc và Mỹ cũng vừa tuyên bố sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung thường niên nhằm phát hiện và phá hủy chương trình hạt nhân của Triều Tiên trong thời điểm khẩn cấp ngay đầu tháng 3 tới.
Theo đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã trình lên ủy ban quốc phòng của quốc hội nước này kế hoạch "tác chiến 4D" sẽ được triển khai trong các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn Quốc có tên là Giải pháp Then chốt (Key Resolve) và Đại bàng Non (Foal Eagle).
Kế hoạch 4D đề cập tới chiến dịch quân sự chung giữa các lực lượng của Seoul và Washington nhằm phá hủy các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng trong thời điểm khẩn cấp. Các bước của chiến dịch bao gồm Phát hiện, Gây rối, Phá hủy và Phòng thủ.
Tóm lược nội dung thông điệp liên bang cuối cùng của Tổng thống Obama Ngày 13.1, Tổng thống Barack Obama đọc thông điệp liên bang tại quốc hội để trình bày tầm nhìn của ông không chỉ về những tháng còn lại trong nhiệm kỳ mà cả về tương lai của nước Mỹ. Trong thông điệp liên bang lần thứ 7 này, ông Obama đã nhấn mạnh những vấn đề và công việc vẫn còn dang dở trong suốt thời gian ông "chèo lái" nước Mỹ, bao gồm cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), dỡ bỏ cấm vận Cuba cũng như tiến hành các bước để đóng cửa nhà tù quân sự của Mỹ ở Vịnh Guantanamo, Cuba. Về cuộc chiến chống IS, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh, tổ chức khủng bố này "phải bị săn lùng, tiêu diệt và nhổ tận gốc. Ông tuyên bố, ưu tiên số 1 hiện nay của nước Mỹ là phải bảo vệ công dân nước này và truy đuổi các mạng lưới khủng bố. “Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tạo ra mối đe dọa trực tiếp tới người dân của chúng ta bởi trong thế giới ngày nay, một nhóm những kẻ khủng bố cũng có thể gây ra thiệt hại lớn", ông Obama nhấn mạnh. Đề cập tới chính sách của Mỹ tại Syria, Obama cảnh báo về các cuộc xung đột và nguy cơ sa lầy: "Chúng ta không thể cố gắng giải quyết các cuộc khủng hoảng ở mọi quốc gia. Điều này không thể hiện khả năng lãnh đạo. Nó là sự sa lầy, khiến người Mỹ đổ máu và cuối cùng là làm suy yếu chúng ta”, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh. Ngoài ra, Tổng thống Obama cũng hối thúc quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nhấn mạnh tới vai trò của hiệp định này. Ông khẳng định, Mỹ theo đuổi Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương để mở cửa thị trường, bảo vệ người lao động, môi trường, và củng cố vai trò của Mỹ ở châu Á. "Với TPP, Trung Quốc không thể đặt ra các quy tắc riêng cho khu vực, nhưng chúng ta có thể. Các ngài có muốn thể hiện sức mạnh của nước Mỹ trong thế kỷ này? Vậy hãy thông qua hiệp định này. Cho chúng tôi công cụ để thực thi nó”, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố. Ông còn khẳng định, Mỹ là cường quốc mạnh nhất thế giới với ngân sách quốc phòng khổng lồ. “Không quốc gia nào dám tấn công chúng tôi hoặc đồng minh của chúng tôi bởi họ biết đó là con đường tự hủy diệt. Nước Mỹ chỉ có thể vượt qua mọi thách thức nếu chúng ta xử lý những vấn đề trong hệ thống chính trị", Nhà Trắng trích dẫn Thông điệp Liên bang của ông Obama. |