Dân Việt

Những phát ngôn "sốc nhức óc" của các thầy cô, giáo

Tùng Anh (tổng hợp) 08/03/2016 15:39 GMT+7
Giáo dục Việt Nam từng chứng kiến nhiều vụ việc liên quan đến phát ngôn gây “sốc” của những người đứng đầu các trường học và các thầy cô đang đứng trên bục giảng.

Hiệu trưởng trường ĐH Thành Tây – TS Đinh Ngọc Hiện vừa gây “bão” dư luận vì có những phát ngôn không đúng chuẩn mực, đe dọa, thóa mạ phóng viên khi bị một tờ báo đưa tin phản ánh về việc có một nhà máy trộn bê tông hoạt động trong khuôn viên trường ĐH Thành Tây (Hà Nội).

Dư luận cho rằng, dưới cương vị là một hiệu trưởng, làm việc trong môi trường giáo dục, cách nói của ông Hiện là không thể chấp nhận được.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên được một tờ báo trích dẫn, ông Hiện nói: "Các ông muốn tồn tại thì các ông hãy tránh xa ra ... Ông muốn vào thì tôi cũng thẳng tay chơi với các ông luôn. Bố mấy thằng ranh con, biến đi, nhá!"

img

Cô giáo Lê Na đã xưng "mày, tao" với học sinh, sau đó trần tình rằng do mình quá nóng nảy, bộc trực, thẳng thắn.

Không chỉ có ông Hiện, trước đó, đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến phát ngôn gây “sốc” của những người đứng đầu các trường học và các thầy cô đang đứng trên bục giảng.

Cụ thể, ngày 18.2, hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân (TP Huế) bà Phạm Thị Ngọc Tâm khi trả lời báo chí xung quanh vụ việc bạo lực học đường của học sinh trường này, bà Xuân nói: “Đây là lứa tuổi mới lớn, nếu các em không đánh nhau, không xích mích nhau thì không bao giờ các em năng động được…”.

img

Bà Phạm Thị Ngọc Tâm - THPT Bùi Thị Xuân (TP Huế) khiến dư luận xôn xao với phát ngôn "Nữ sinh đánh nhau mới năng động"

Phát ngôn của bà Xuân khiến dư luận xôn xao, nhiều người cho rằng quan điểm của vị hiệu trường này là này không thể chấp nhận được. Với vai trò là một người lãnh đạo của một trường phổ thông bà Xuân nói như vậy là phản giáo dục. Sau đó, bà Xuân đã lên tiếng “bào chữa” cho rằng đó chỉ là chia sẻ ngoài lề để phóng viên hiểu rõ tâm lý tuổi mới lớn chứ không phải là phát ngôn chính thống.

Tháng 8.2015, dư luận được một phen “dậy sóng” trước sự việc “cô giáo cung bọ cạp” Phạm Nguyễn Lê Na – Trung tâm Anh ngữ Lê Na, Hà Nội cãi nhau tay đôi với học viên và có những lời lẽ không đúng chuẩn mực của một giáo viên.

Cụ thể, khi được học viên phản ánh về lịch học, tiền học phí, cô giáo Lê Na đã xưng "mày, tao" với học sinh và nói: “Tao là cung Bò Cạp nhé. Tao nói cho mày biết, mày đã đụng đến tự ái và lòng tự trọng của tao thì tao sẽ làm đúng những gì mày làm với tao!”.

Phát ngôn của cô Lê Na được phê phán là không khác gì lời lẽ của các bà “hàng tôm, hàng cá”. Cô giáo Lê Na sau đó đã phải tổ chức gặp mặt báo chí để trần tình về lời nói của mình và cho rằng do mình quá nóng nảy, bộc trực, thẳng thắn.

Cũng tháng 8.2015, một cô giáo của trường mầm non chất lượng cao Bình Minh (huyện Thanh Trì – Hà Nội) đã bị buộc thôi việc vì lên Facebook đăng lời lẽ xúc phạm học sinh. Cụ thể, cô giáo này viết: “...học sinh thì mất dạy. Chỉ muốn tát vào mặt chúng nó thôi, nó còn dọa hẳn mình về mách mẹ, sợ quá…”.

Giải thích về những phát ngôn của mình, cô giáo này cho biết do quá áp lực trong công việc nên đã chia sẻ trên Facebook như vậy. Tuy nhiên, đối với một giáo viên mầm non, nhiều người cho rằng, nếu không yêu trẻ và có thái độ xúc phạm học sinh như vậy thì không xứng đáng đứng trên bục giảng.

Tháng 8.2014, PGS.TS Đàm Khải Hoàn – Trưởng bộ môn Y học cộng đồng, Phó Trưởng khoa Y tế cộng đồng ĐH Y dược – ĐH Thái Nguyên đã phải làm giải trình trước lãnh đạo và toàn thể cán bộ giảng viên trường ĐH Thái Nguyên vì phát ngôn: “Chỉ 200 triệu đồng lấy được bằng tiến sĩ y khoa”.

Trước đó, trong điều tra của phóng viên báo Dòng Đời - báo Nông thôn Ngày nay, vị PGS.TS này đã đồng ý nhận lời sẽ mua bằng tiến sĩ y khoa bằng tiền tại ĐH Thái Nguyên với giá 200 triệu đồng. Trong giải trình của mình PGS.TS Hoàn đã thừa nhận phát ngôn này có thật nhưng cam kết những nội dung nói đó chỉ là phát ngôn thiếu chuẩn mực, thực tế không có chuyện nhận 200 triệu đồng để giúp lấy bằng tiến sĩ.