Dân Việt

Công phu quy trình chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn

Lê San 09/05/2016 16:20 GMT+7
“Trong xây dựng, tổ chức chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn việc giám sát, kiểm soát tại hiện trường là khó nhất. Có khi cả năm mới sản xuất ra được một sản phẩm sạch. Nhưng bù lại, sản phẩm làm ra luôn đảm bảo an toàn”.

Đó là chia sẻ của ông Phạm Thế Cường - Chi cục trưởng Chi cục QLCL Nông lâm sản và Thuỷ sản Sơn La về kinh nghiệm tổ chức chuỗi thực phẩm an toàn tại hội thảo Chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn.

img

Hội thảo được Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức trong khuôn khổ tuần lễ giới thiệu Nông sản an toàn diễn ra từ ngày 6.5-12.5.

Theo Bộ NNPTNT, chuỗi thực phẩm an toàn là tập hợp các tác nhân có mối liên kết chặt chẽ, ổn định và bền vững về kinh tế/thương mại cùng tuân thủ quy định về ATTP, áp dụng các thực hành sản xuất tốt để tạo ra một sản phẩm an toàn, có khả năng truy xuất được nguồn gốc. Trong thời gian tới, bộ NNPTNT sẽ ban hành quy định xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn.

Ông Phạm Thế Cường - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Sơn La nêu kinh nghiệm tại địa phương, từ năm 2013 Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Sơn La đã triển khai xây dựng mô hình chuỗi sản xuất, cung ứng “Rau an toàn Mộc Châu” đến nay đã được công nhận thương hiệu và nhân rộng ra 4 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Mỗi hộ nông dân độc lập rất khó làm chuẩn, thành lập tổ hợp tác, xây dựng HTX là tốt nhất.

img

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám phát biểu tại hội thảo.

Theo báo cáo của Bộ NNPTNN, tính tới tháng 4.2016, có 35 tỉnh, thành đã có mô hình chuỗi với tổng số 280  chuỗi. Sản phẩm chính: Rau, quả, chè, thịt, trứng, gạo và thuỷ sản. 69 cơ sở bán sản phẩm đã được cơ quan chức năng xác nhận (có nhu cầu và tự nguyện). Một số địa phương khác có các mô  hìnhVietGAP...

“Đầu tiên, động viên bà con sản xuất an toàn để mang về bán siêu thị Hà Nội rất khó. Nhưng sau khi thống nhất chủ trương, chúng tôi tiến hành chọn vùng sản xuất. Thành lập được 3 HTX chế biến là Tự Nhiên, Tà Niết và An Thái. Cuộc chiến giám sát là chông gai nhất. Phải có giám sát hiện trường. Chúng tôi cử viên chức phối hợp với các cơ quan chức năng lúc mới triển khai thì giám sát liên tục trong ngày đến khi bà con làm quen và tự giác hơn thì mới giảm việc giám sát; đưa ra kỷ luật khuyến cáo nghiêm khắc đối với bà con nếu vi phạm. Không tự ý bán ra ngoài khi giá cao hơn hợp đồng đã ký. Ban giám đốc HTX cương quyết không bao tiêu những sản phẩm không đạt yêu cầu của xã viên và xử lý nghiêm theo Điều lệ HTX ” – ông Cường cho hay.

Đại diện công ty Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam nêu thực tế, việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh sản phẩm Nông nghiệp nói chung và rau quả an toàn nói riêng cần lượng vốn lớn và thời gian dài nên các doanh nghiệp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn. Sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam (đặc biệt là sản phẩm rau quả) đang bị hàng Trung Quốc cạnh tranh gay gắt về mẫu mã và giá cả. Sản phẩm Nông Nghiệp Việt Nam giá đã cao, cộng thêm thuế (VAT) khiến cho giá càng cao, khó cạnh tranh với sản phẩm Trung Quốc.

Không còn chồng chéo trong quản lý ATTP

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám, năm 2016 được coi là năm về ATTP. Trong đó tập trung vào 3 điểm là tập trung thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm đối với chất cấm, vật tư đầu vào trái với quy định, kể cả nhập lậu; tăng cường công tác truyền thông, nêu gương các tổ chức cá nhân sản xuất TP an toàn, cũng như lên án các cơ sở sản xuất không an toàn; kết nối chuỗi sản phẩm an toàn đã được ngành nông nghiệp, cơ quan chức năng công nhận. “Theo quy định luật ATTP hiện nay, việc đảm bảo ATTP đã được phân công cho các Bộ, ngành quản lý, trong đó ngành Nông nghiệp được giao quản lý 19 nhóm sản phẩm, các Bộ, ngành khác cũng được giao tương tự các sản phẩm khác. Không còn chuyện chồng chéo giữa các Bộ nữa. Trong thời gian tới, bộ NNPTNT sẽ tiến hành ban hành, quy trình kiểm tra, chứng nhận theo chuỗi an toàn”.