Trưa nay (19.5), trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Thanh Lạc, Phó chi cục Thủy lợi - Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho biết: "Với bờ đắp bằng cát và bao... chỉ cao gần 100cm, rộng khoảng 0,5m và dài khoảng 300m mà chính quyền xã Tịnh Sơn đã huy động người dân làm trên sông Trà Khúc để lấy nước, phục vụ gieo trồng cho vụ hè thu sắp đến không gây ảnh hưởng gì đến dòng chảy, hay đe dọa đến sự an toàn dòng chảy và hệ thống đê phía dưới con sông này".
Người dân Tịnh Sơn sử dụng bao để đổ cát làm bờ tạm.
"Việc sử dụng các hình thức làm, đắp bờ tạm nhằm tận dụng nguồn nước trên sông Trà Khúc, hay các con sông suối khác trên địa bàn tỉnh để lấy nước phục vụ cho sản xuất trong mùa khô hạn như Tịnh Sơn đã làm là đáng khuyến khích và biểu dương", ông Lạc bày tỏ.
Tuy nhiên ông Lạc cũng nói rõ: “Khi chưa có sự đồng ý và cho phép từ cấp ngành chức năng, nghiêm cấm các tổ chức cá nhân xây dựng các công trình kiên cố trên sông, suối... đặc biệt là trên sôngTrà Khúc vì sẽ gây ảnh hưởng, đe dọa đến việc thay đổi dòng chảy, làm nguy hại đến tính mạng và tài sản của người nhân, nhà nước....".
Một đoạn bờ đắp tạm mà người dân Tịnh Sơn đã làm trên sông Trà Khúc để lấy nước tưới.
Như đã phản ánh, trước tình trạng khô hạn năm nay quá khốc liệt, chính quyền xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh đã huy động hơn 200 người dân 2 thôn Phước Lộc Tây và Đông ra sông Trà Khúc đắp bờ, ngăn dòng chảy dồn về bờ phía bắc, lấy nước cung cấp cho 8 xứ đồng nơi đây chuẩn bị gieo sạ cho vụ hè thu sắp đến.
Đập nước làm bằng tre, bạt nilon của người Hre ở huyện miền núi Ba Tơ.
Trước đó người dân thiểu số Hre ở thôn Hố Sâu, xã Ba Khâm, huyện miền núi Ba Tơ đã có sáng kiến "độc" khi sử dụng bạt nilon, trụ tre, cây keo, bạch đàn...để làm đập tạm dài 120m ở suối Hố Sâu lấy nước tưới cho cây trồng trong vùng.