Dân Việt

Vụ thất thoát 9.000 tỷ đồng ở VNCB: Cả sáng chưa đọc hết cáo trạng

Hữu Ký 20/07/2016 13:13 GMT+7
Do bản cáo trạng dài đến 123 trang nên cả buổi sáng đại diện VKS vẫn chưa đọc hết. Thậm chí đến khi kết thúc buổi sáng, đại diện VKS mới chỉ đọc được khoảng 1/3 cáo trạng.

Sáng 20.7, phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng được tiếp tục. Trong ngày thứ 2 diễn ra phiên tòa, nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án vắng mặt ngày hôm qua đã có mặt tại tòa, hoặc ủy quyền cho người khác tham dự. Trong buổi sáng cùng ngày, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM (gọi tắt là VKS) giữ quyền công tố đã đọc bản cáo trạng của vụ án. Bị cáo Phạm Công Danh do sức khỏe yếu nên HĐXX cho phép được ngồi nghe. Sau đó lần lượt các bị cáo cũng được phép ngồi nghe cáo trạng.

Tuy nhiên do bản cáo trạng dài đến 123 trang nên cả buổi sáng đại diện VKS vẫn chưa đọc hết. Thậm chí đến khi kết thúc buổi sáng, đại diện VKS mới chỉ đọc được khoảng 1/3 cáo trạng. Theo kế hoạch của HĐXX, trong chiều nay phiên tòa tiếp tục với phần đọc cáo trạng.

img

Bị cáo Phạm Công Danh khá bình thản tại tòa

Như Dân Việt đã thông tin, trước đó ngày 19.7, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Phạm Công Danh cùng 35 người khác về tội tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Các bị cáo này được xác định có hành vi gây thất thoát cho VNCB số tiền  hơn 9.000 tỷ đồng.

Theo cáo trạng của VKSNDTC, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu Trustbank (ngày 6.9.2012), Phạm Công Danh nắm quyền kiểm soát, chi phối Trustbank (sau đổi tên là VNCB). Trong thời gian điều hành VNCB do nhu cầu cần tiền sử dụng, Phạm Công Danh đã chỉ đạo HĐQT, ban điều hành kiểm soát VNCB, các Chi nhánh VNCB, cấp dưới thuộc tập đoàn Thiên Thanh thực hiện hành vi phạm tội.

Cụ thể, Phạm Công Danh chỉ đạo thuộc cấp của mình thực hiện một số hành vi: lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại cho VNCB 63,276 tỷ đồng; lập hồ sơ khống về việc thuê trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh, (Q.10, TP.HCM) gây thiệt hại 581,6 tỷ đồng;  rút 5.190 tỷ đồng tại VNCB nhưng không được sự đồng ý và không có chữ ký của chủ tài khoản tại VNCB trên các Ủy nhiệm chi và rút 300 tỷ đồng tại VNCB không có hồ sơ vay; phát hành, ủy thác đầu tư trái phiếu trái quy định, gây thiệt hại cho VNCB 903 tỷ đồng. Tổng thiệt hại ở các hành vi trên của Phạm Công Danh cùng thuộc cấp gây hại hơn 7.000 tỷ đồng của VNCB.  

img

Các bị cáo rời khỏi tòa sau phiên tòa buổi sáng.

Bên cạnh đó, từ ngày 28.12.2012 đến ngày 11.3.2014, Phạm Công Danh với vai trò là Chủ tịch HĐQT VNCB đã tổ chức nhiều cuộc họp chỉ đạo một số nhân viên của mình sử dụng pháp nhân của 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh, 2 pháp nhân thông qua mối quan hệ với một doanh nhân ở Gia Lai xây dựng các bộ hồ sơ kinh doanh mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống, chỉ đạo định giá nâng giá 13 lô đất thuộc Sân vận động Chi Lăng và lô đất tại 209 Trường Chinh (TP Đà Nẵng) lên nhiều lần làm tài sản đảm bảo để vay tại VNCB 5.000 tỷ đồng.

Ngày 4.9.2014, Công ty CP thông tin và thẩm định giá Miền Nam thẩm định các lô đất thế chấp nêu trên chỉ có tổng giá trị trên 2.600 tỷ đồng. Sau khi trừ phần thu được từ giá trị của tài sản thế chấp, VNCB không thu hồi được số tiền hơn 2.000 tỷ đồng.

>> XEM THÊM: Đại án Phạm Công Danh: Nhiều "giám đốc" là... bảo vệ, lái xe <<