Dân Việt

Giáo viên mầm non đánh trẻ: Một người làm, hàng ngàn người chịu!

Tùng Anh (ghi) 11/02/2017 17:07 GMT+7
Mỗi lần báo chí phanh phui một vụ bạo hành là mỗi lần những giáo viên chúng tôi lại nhận được những ánh mắt dò xét, hoài nghi rất khó chịu từ phía phụ huynh.

Ngày càng được “hỏi han” nhiều hơn

Tôi đã có 7 năm gắn bó với nghề giáo viên mầm non, cũng ngần ấy năm dạy tại các trường tư thục vì vậy tất cả những hỉ, lộ, ái, ố của nghề đều đã được nếm trải. Mặc dù trong nghề, nhưng xem clip giáo viên trường mầm non Sen Vàng lấy dép đánh vào đầu trẻ rồi lên gối thúc vào bụng các bé tôi cũng cảm thấy... rùng mình. Những hành động ấy không thể chấp nhận được đối với một giáo viên mầm non và không thể là những hành động của một giáo viên có nghề, có tâm thực sự.

img

Giáo viên mầm non là nghề rất vất vả với việc vừa phải dạy dỗ, vừa phải chăm sóc trẻ. Ảnh minh họa. Nguồn Internet

 Không chỉ ảnh hưởng đến trẻ, những vụ bạo hành này còn làm xấu đi hình ảnh của các cô giáo mầm non nói chung. Mỗi lần báo chí phanh phui một vụ bào hành là mỗi lần những giáo viên chúng tôi lại nhận được những ánh mắt dò xét, hoài nghi rất khó chịu từ phía phụ huynh.

Mấy ngày gần đây, các cô giáo trong trường tôi được phụ huynh "hỏi han" nhiều hơn. Những cuộc điện thoại gọi bất chợt giữa giờ học dày hơn: "Cô ơi, chỉnh lại camera đi, sao lại đứng hình rồi? Cô giáo ơi sao không thấy con trong hình? Cô ơi sao con không ngủ trưa vậy?..." Tôi hiểu, các bậc cha mẹ cũng đang "sống trong sợ hãi" và bị ám ảnh bởi hình ảnh trẻ bị bạo hành vừa diễn ra.

12 tiếng với ị, đái, khóc và nôn trớ

Tôi không bênh các cô giáo trường Sen Vàng, chỉ muốn chia sẻ một "góc" của nghề để phụ huynh và xã hội có cái nhìn công bằng hơn đối với nghề giáo viên mầm non.

Điều tôi muốn khẳng định trước tiên đó là: Muốn làm nghề giáo viên mầm non phải tuyệt đối yêu nghề, yêu trẻ. Nếu không có tình yêu này thực sự thì bạn nên chọn nghề khác. Bởi lẽ, không yêu nghề,  yêu trẻ, chắc chắn các cô không thể sống với nghề trọn vẹn mà không xảy ra những sự cố đáng tiếc như trên.

img

Áp lực với cô giáo mầm non thường rất lớn. Ảnh minh họa.I.T

Không giống như bất kỳ một nghề nào khác, giáo viên mầm non "mang tiếng" làm giờ hành chính nhưng thời gian trên lớp không bao giờ dưới 12 tiếng. Đối với các trường công lập, các cô thường đón trẻ lúc 8 giờ sáng và trả trẻ trước 17 giờ chiều. Nhưng trường tư thục thì khác, thời gian đón trẻ thường là 7 giờ sáng. Giáo viên phải có mặt trước đó nửa tiếng để chuẩn bị, dọn lớp. Còn thời gian trả trẻ được tính đến lúc nào học sinh cuối cùng được đón.

Đối với những lớp lớn còn đỡ vất vả, với lớp bé, giáo viên đúng thật phải làm việc cật lực cả ngày. Trường tư không như trường công, trẻ mới được nhận liên tục. Mỗi lần có cháu mới là một lần lớp bị xáo trộn. Trẻ mới đến trường thường khóc rất nhiều vì chưa quen, có bé khóc đến cả tháng trời.

Một bé khóc thường gây "hiệu ứng dây truyền" khiến các trẻ khác khóc theo. Lớp có 2 cô thì một cô sẽ được phân công trông trẻ đó. Cô luôn phải vỗ về, ôm ấp và bế trên tay không rời. Thậm chí, buổi trưa cũng phải cho con nằm trên bụng mình để ngủ.

Trẻ mới cũng chưa có thói quen đi vệ sinh, ăn uống. Các cô phải dạy từ đầu. Có trẻ mỗi ngày ị, tè đến 4 - 5 lần. Chỉ mỗi việc thay quần áo, rửa đít và giặt đồ cho các con cũng đã mệt đến... tắt thở. Mỗi lớp bé chừng 15 - 20 trẻ, cứ thử nhân lên sẽ biết các cô đã phải gồng mình lên như thế nào? Có những hôm cho trẻ ăn, rồi trẻ trớ phun đầy vào người, cả mặt mũi, chân tay cô. Nếu không điềm tĩnh, chắc cô giáo cũng phải phát rồ.

Ngoài việc chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ, rửa ráy cho các con mỗi ngày, các cô vẫn phải thực hiện đầy đủ chuyên môn: dạy hát, múa, kể truyện và các trò chơi... chính vì vậy một lớp 2 cô phải quay chong chóng cả ngày. Buổi trưa, đợi các con ngủ cả, cô mới được ăn vội bữa cơm. Hôm nào có cháu khó ngủ, quấy khóc cô phải vừa bế vừa ăn cơm rất vất vả.

Trăm việc phụ huynh nhờ, nghìn lý do bị phụ huynh chửi

Không những thế, nhiều phụ huynh bây giờ rất đáng sợ, họ nghĩ rằng họ có tiền cho con học trường tư thục (học phí cao hơn) là có thể được đòi hỏi trường phải phục vụ con như phục vụ... khách hàng.

img

Ảnh minh họa.I.T

Có mẹ buổi sáng dậy muộn không kịp cả thay bỉm, chải đầu cho con, thế là "giữ nguyên hiện trường" mang đến lớp cho cô xử lý. Có mẹ không bắt được con ăn sáng cũng mang cả đồ ăn, sữa đến nhờ cô cho con ăn. Nhiều trẻ ốm, mẹ không cho uống thuốc được cũng mang đến nhờ cô. Mỗi trẻ một bịch thuốc, cô phải thuộc thuốc này của bé nào, cho uống ra sao, trước hay sau khi ăn, nào xi - rô, kháng sinh, rửa mũi, rửa tai mỗi ngày mấy lần... Có mẹ còn mang cả dụng cụ hút mũi, khí dung đến nhờ cô làm giúp.

Trường tư cũng có cái "đặc cách" thêm việc cho các cô là ngoài các bữa chính, bữa phụ cố định của trường, mẹ nào cũng gửi cô một hộp sữa bột riêng để cô pha cho con mình uống bổ sung. Vậy là cô phải thêm tiết mục sữa nào của bé nào, pha ra sao, rồi vệ sinh bình sữa, dụng cụ pha, cho con uống đủ tiêu chuẩn mẹ dặn.

Trường tư thường gắn camera theo dõi, nên áp lực của các cô tăng lên gấp bội. Phụ huynh theo dõi con suốt ngày, điện thoại của các cô luôn phải để chuông cho các mẹ gọi đến: "Cô ơi, sao con không chơi? Sao con ngồi một mình? Sao con không ngủ? Sao con tè dầm? Sao không thấy con trong camera, con đi đâu vậy?..."

Nhiều việc, nhưng các cô vẫn phải căng mắt ra trông chừng trẻ. Lỡ không may trẻ dành đồ chơi, đánh nhau gây chảy máu,bầm, xước hay thương tích nhẹ thể là các cô... lĩnh đủ.

Có lần, ở trường có bé bị bạn cắn, thế là ngay mùng 1, bà nội bé đó đến đứng giữa sân trường chửi hai cô giáo lớp đó không ngớt. Rồi không thích cô là họ đòi chuyển lớp, đổi cô ngay. Giáo viên lại bị chủ trường quở trách, phạt tiền.

Cái giá “rẻ” của nghề “danh giá’

Dạy trường tư, có được chủ trường tốt, cảm thông không sao, vớ phải trường có chủ không ra, coi lợi nhuận là trên hết thì các cô... coi như xong. Lương thử việc được 2,5 - 2,7 triệu, lương tôi làm đã ngót 7 năm mới được hơn 5 triệu. Nhiều chủ trường còn ì ra, các cô làm hơn năm mà không đóng bảo hiểm cho các cô, không tăng lương, không thưởng Tết mà còn nhăm nhăm các cô mắc lỗi để... trừ tiền. Trường đầu tiên tôi dạy còn cho giáo viên ăn trưa rất... thảm hại. Lúc các cô không chịu được nói tự mang cơm đi ăn thì chủ trường bảo chỉ trả cho các cô 170.000 tiền ăn trưa/ tháng vào lương. Từng ấy tiền chia cho 1 tháng thì bữa trưa của các cô giá bao nhiêu?

Nhiều đồng nghiệp không chịu được áp lực đã phải bỏ nghề. Có cô giờ làm nhân viên bán hàng cho siêu thị, có cô bán hàng online, có cô mở quán bún đậu mắm tôm để mưu sinh... Công việc tuy không "danh giá" như nghề giáo nhưng các cô nói tinh thần thoải mái lắm, không còn chịu áp lực như trước nữa.

Nói thế để thấy rằng, những giáo viên còn đang miệt mài đứng lớp và có tâm với nghề họ thực sự phải có lòng yêu trẻ.

(Cô N.T.T giáo viên một trường mầm non tư thục tại Hà Nội)