Dân Việt

Thời đại Hùng Vương (Phần 3): Cương vực Văn Lang rộng tới đâu?

N.V.T 06/04/2017 06:30 GMT+7
Thời đại Hùng Vương tuy đã được dày công nghiên cứu nhưng huyền thoại và lịch sử vẫn còn hòa quyện vào nhau. Hiện nay, các bằng chứng khảo cổ học tuy phần nào xác minh một số vấn đề lịch sử trong thời đại này nhưng các vấn đề còn lại vẫn dựa trên một số “gợi ý” từ huyền thoại. Với các ý kiến dưới đây, tác giả mong muốn phác thảo một cái nhìn toàn cảnh hơn về thời đại vẫn còn mang màu sắc huyền thoại này…

Việc chống ngoại xâm và cương vực của Văn Lang

Thánh Gióng hay còn gọi là Phù Đổng Thiên Vương là vị anh hùng đã giúp vua Hùng thứ sáu đánh tan giặc Ân xâm lấn bờ cõi nước Văn Lang. Có ý kiến cho rằng Thánh Gióng tượng trưng cho cả tâm hồn dân tộc. Bởi lời nói đầu tiên của một đứa bé lại là lời nói cứu nước. Đánh tan giặc, Thánh Gióng bay luôn về trời, không nghĩ gì đến quyền lợi cá nhân. Đó là một con người đại diện cho chủ nghĩa yêu nước thương nòi đầu tiên của cả dân tộc ta, mà ngày nay chúng ta vẫn còn nhớ đến câu “gươm núi Sóc, cọc Bạch Đằng”. Sách giáo khoa (SGK) và kể cả giáo trình đại học & cao đẳng môn lịch sử Việt Nam đều có ghi chép chuyện Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân vào thời Hùng Vương thứ 6. Vậy giặc Ân là giặc nào?

img

Thuyền của người Văn Lang.

Đại Việt Sử Ký Toàn thư, Quyển một, Kỷ Hồng Bàng thị viết: “Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang. Đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn”. Rõ ràng, nếu cương vực Văn Lang gần như bao trọn lãnh thổ cư trú của Bách Việt (phía nam sông Dương Tử trở xuống) thì giặc Ân có thể là triều Ân Thương (thường biết đến ở Việt Nam là triều Thương, sau triều Hạ trước triều Chu) của Trung Quốc. Các triều đại này còn sau cả thời Tam Hoàng Ngũ Đế. Do đó, Văn Lang với cương giới phía bắc gần với Ân Thương của tộc người Hán như vậy tất nhiên phải chịu họa xâm lấn từ triều đại này.

Có nhiều chi tiết nữa để chứng minh điều này. Chẳng hạn, đến thời Hai Bà Trưng tên nước Lĩnh Nam (gồm các quận Nhật Nam, Cửu Chân, Giao Chỉ, Hợp Phố, Hải Nam) cũng chính là tên nước xưa của Tổ phụ Lạc Long Quân. Bên cạnh đó, khi khởi nghĩa, Hai Bà Trưng muốn khôi phục lại “nghiệp xưa họ Hùng”, nghĩa là khôi phục lại lãnh thổ và chủ quyền của nước Văn Lang. Tuy nhiên lãnh thổ nước Lĩnh Nam thời Hai Bà Trưng như trên lại hẹp hơn nước Lĩnh Nam thời Tổ Phụ Lạc Long Quân rất nhiều. Bởi nước Lĩnh Nam của Lạc Long Quân nằm ở phía nam Ngũ Lĩnh (nay là năm ngọn núi thuộc các tỉnh Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Giang Tây - Trung Quốc ngày nay). Mặc dù vậy, điều này cũng chứng tỏ cương vực của nước Văn Lang là rất rộng lớn chứ không giống với quan điểm chính thống hiện nay là chỉ gồm Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Như vậy, Biển Đông thời cổ đã là một vùng biển thuộc sở hữu của người Việt cổ. Điều này cũng là một sự thực lịch sử mà Trung Quốc hiện nay cũng không thể bác bỏ vì cương vực của dân tộc Hán ban đầu chỉ là một vùng đất nhỏ nhoi vùng Hoa Hạ ở phía Đông Bắc Trung Quốc.

Thậm chí, cũng có nhiều chi tiết lịch sử nữa liên quan đến điều cần làm rõ này. Chẳng hạn, đến đời Quang Trung nhà Tây Sơn, vị vua này còn yêu cầu Càn Long nhà Thanh trả Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây) cho Đại Việt và Càn Long cũng đã đồng ý. Tuy nhiên, khi Quang Trung mất thì nhà Thanh cũng không đề cập đến lời hứa này nữa.

Việc lấy tên Lĩnh Nam để làm quốc hiệu thời Hai Bà Trưng và các động thái sau này như đòi đất, xin đổi quốc hiệu chứng tỏ cương vực nước Văn Lang của các vua Hùng phải rộng lớn hơn lãnh thổ Việt Nam ngày nay rất nhiều, có thể trùng với cương vực mà Đại Việt Sử Ký Toàn thư đã ghi chép.

Bên cạnh đó, theo hiểu biết của cá nhân người viết, nhiều đội quân ngoại xâm khác trong thời cổ đại của dân tộc như Đế Lai và Thục Phán cũng được ít người Việt Nam biết đến.

Nhiều sử sách có ghi rằng Đế Lai là anh em con chú con bác với Tổ Phụ Lạc Long Quân. Đế Lai thấy Lĩnh Nam trù phú nên cướp lấy và cai trị rất tàn bạo. Người dân bèn gọi vua của họ là Lạc Long Quân đang đi ngao du tứ hải về. Lạc Long Quân bèn bày mưu cướp được Âu Cơ (con gái Đế Lai) về làm vợ. Sau đó Người đã dốc sức tập hợp nhân dân, huấn luyện các loài mãnh thú và đánh đuổi được quân xâm lược về phía Bắc.

Còn Thục Phán vốn thuộc dòng dõi vua Khai Minh nước Thục thời Chiến Quốc. Thục là một quốc gia cổ ở vùng Tứ Xuyên, Trung Quốc. Xuất phát quyền lực của nước Thục là đồng bằng Thành Đô, với lãnh thổ chủ yếu nằm ở vùng Trung và Tây bồn địa Tứ Xuyên, cũng như vùng thượng thung lũng sông Hán Thủy. Dân tộc chủ yếu ở Thục là người Khương. Kinh đô của Thục được đặt tại Thành Đô. Nước Thục bị Tần đánh bại vào năm 316 TCN. Đại Việt Sử Ký Toàn thư chép rằng: “Vua Hùng Vương có người con gái nhan sắc tuyệt vời tên gọi là Mỵ Nương. Vua nước Thục nghe tin, sai sứ cầu hôn. Vua Hùng Vương muốn gả nhưng Lạc Hầu can rằng: Thục muốn lấy nước ta, chỉ mượn tiếng cầu hôn đó thôi. Không lấy được Mỵ Nương, Thục Vương căm giận, dặn lại con cháu phải diệt Văn Lang mà chiếm lấy nước”. Và: “Đời cháu Thục Vương là Thục Phán mấy lần đem quân sang đánh nước Văn Lang. Nhưng Vua Hùng Vương có tướng sĩ giỏi, đã đánh bại quân Thục. Vua Hùng Vương nói: Ta có sức thần, nước Thục không sợ hay sao? Bèn chỉ say sưa yến tiệc không lo việc binh bị. Bởi thế, khi quân Thục lại kéo sang đánh nước Văn Lang, vua Hùng Vương còn trong cơn say. Quân Thục đến gần, Vua Hùng trở tay không kịp phải bỏ chạy rồi nhảy xuống sông tự tử. Tướng sĩ đầu hàng. Thế là nước Văn Lang mất. Giáp Thìn, năm thứ 1 [257 TCN], vua đã thôn tính được nước Văn Lang, đổi quốc hiệu là Âu Lạc” - Đại Việt Sử Ký Toàn thư chép tiếp.

img

Trống đồng Đông Sơn.

Bên cạnh việc sẵn sàng đối phó khi có ngoại xâm, các vua Hùng cũng đã có sự chủ động trong chính sách đối ngoại. Hai sự kiện lớn nhất được truyền thuyết và sử sách ghi nhận là việc Hùng Vương sai sứ sang thông hiếu với triều đại ở phương Bắc, tặng “rùa thần” và chim “trĩ trắng”. “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn có viết: “Xứ Việt Thường Thị đem dâng rùa thần sang Trung Quốc, sau hai lần thông dịch mới hiểu được nhau. Rùa thần sống nghìn năm, vuông hơn ba thước, lưng có chữ khoa đẩu ghi việc từ khi trời đất mới mở trở về sau. Vua Nghiêu sai người chép lại, gọi là lịch rùa”. Cuốn “Sử ký” của Tư Mã Thiên (cuốn sử đầu tiên của Trung Quốc) viết: “Đất Giao Châu, ở phía Nam có Việt Thường thị, qua nhiều lần thông dịch, đến hiến một con chim trĩ trắng”. Trong tác phẩm sử học cổ nhất của nước ta còn giữ đến nay là Đại Việt sử lược đã chép: “Đến đời Thành Vương nhà Chu, Việt Thường Thị mới đem dâng chim trĩ trắng…”.

Nhà nước Văn Lang thịnh trị suốt mấy thế kỉ liền, để lại nhiều thành tựu văn minh. Có thịnh tất suy, cuối thời Văn Lang, tình hình đất nước có những chuyển biến quan trọng. So với các vua Hùng trước đó, Vua Hùng thứ mười tám bỏ bê chính sự, ham thú tiêu khiển, vui chơi, không chăm lo đời sống nhân dân và sửa sang võ bị nên bị Thục Phán cướp ngôi.

Cướp được ngôi vua từ Hùng Vương, Thục Phán dựng cột đá trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để thề rằng: “Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa đập”. Tiếc là sau đó, nước Âu Lạc của Thục Phán cũng bị nước Nam Việt của Triệu Đà tiêu diệt do những sai lầm chủ quan của cá nhân.

Tạm kết luận một số ý kiến về thời đại Hùng Vương

Với các ý kiến về sự thành lập nước Văn Lang, mô hình Nhà nước và xã hội Văn Lang, việc chống ngoại xâm và cương vực của nước Văn Lang dựa trên huyền thoại và đặc biệt là các chứng cứ lịch sử - khảo cổ học, tác giả mong muốn phác thảo một cái nhìn toàn cảnh hơn về thời đại Hùng Vương. Từ những ý kiến nói trên, tác giả khẳng định cương vực của Nhà nước Văn Lang rất rộng lớn, gồm cả phần đất hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, có nghĩa là từ sông Dương Tử (Trường Giang) thuộc Trung Quốc trở xuống đến tận Trung Trung Bộ thuộc nước Việt Nam ta ngày nay. Và rõ ràng, với “dấu ấn” văn hóa Đông Sơn như trống đồng lan tỏa tại vùng đất liền và các vùng biển phía nam Trung Quốc cũng như tại Đông Nam Á thì chủ nhân văn hóa của Biển Đông từ ngàn xưa chính là người Việt cổ chứ không phải dân tộc nào khác. Và Việt Nam chính là hậu duệ của người Việt cổ hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

Lê Thái Dũng (2010), Tìm hiểu văn hóa thời đại Hùng Vương, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội.

Viện Khảo cổ học: Hùng Vương dựng nước, Tập I- 1970, Tập lI-1972, Tập III-1973, Tập IV - 1974.

Nguyễn Khánh Toàn: Về thời kỳ bắt đầu dựng nước: Hùng Vương - An Dương Vương - Văn Lang - Âu Lạc. Vai trò của khảo cổ học trong việc soi sáng những vân đề thuộc giai đoạn ấy, Tạp chí KCH số 1, 1969.

Nguyễn Lương Bích: Lạc Việt, Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng, Lạc dân là tổ tiên người Việt chúng ta hay là tổ tiên chung của nhiều dân tộc khác, Tạp chí NCLS số 56, 11-1963.

Nguyễn Văn Huyên: Góp phần nghiên cứu văn hoá Việt Nam, tập T1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996.

Phạm Huy Thông: 30 năm soi sáng thời các vua Hùng dựng nước, Tạp chí KCH số 3, 1984.

Tư Mã Thiên: Sử ký, Nxb. Văn học , Hà Nội, 1988.

Trần Quốc Vượng - Đỗ Văn Ninh: Thời An Dương Vương trong quan hệ với thời Hùng Vương, Tạp chí KCH số 9-10, 1971.

Trần Quốc Vượng: Về danh hiệu Hùng Vương, Tạp chí KCH số 7-8, 12.1970.

Trần Quốc Vượng: Nhân đẩy mạnh nghiên cứu văn minh thời các Vua Hùng: Về những nhân tố tự nhiên, dân số, kỹ thuật. ý thức trong văn minh nông nghiệp Việt Nam, Tạp chí KCH số 2 - 1983.

 Vũ Quỳnh - Kiều Phú: Lĩnh Nam chích quái, Nxb. Văn hoá, Hà Nội, 1960.

 Vũ Tuấn Sán: Truyền thuyết về Thánh Gióng, Tạp chí NCLS số 106, 1.1968.