Dự án phục vụ công cộng hay thương mại?
Đại diện 56 hộ dân thuộc tổ 8, khu dân cư số 5, Phủ Tây Hồ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội vừa có đơn gửi các cơ quan chức năng về việc kiểm đếm diện tích đất phục vụ dự án “Công viên cây xanh và nhà điều hành tổ chức sự kiện phục vụ vui chơi giải trí công cộng Tây Hồ”. Dự án được phê duyệt thực hiện với diện tích hơn 18.000m2 trên đường Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ.
Người dân cho rằng giá đền bù thấp nên khu đất nông nghiệp tại đường Đặng Thai Mai, quận Tây Hồ nhiều năm chưa giải phóng mặt bằng được để thực hiện dự án. Ảnh: M.P
Năm 2011, UBND quận Tây Hồ ban hành Thông báo 415/TB-UBND về việc thu hồi khu đất phục vụ dự án. Tuy nhiên, các hộ dân cho rằng mức đền bù quá thấp nên chưa đồng ý. Ngày 13.3.2017, UBND quận Tây Hồ ra quyết định kiểm đếm (tài sản trên đất) bắt buộc với 56 hộ dân. Ngày 17.3, lực lượng cưỡng chế tháo dỡ các công trình tạm trên khu đất. |
Đại diện các hộ dân, bà Nguyễn Thị Hồng Thủy khẳng định các hộ dân nơi đây ủng hộ việc thực hiện dự án, sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chức năng nhưng chưa đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ hiện nay.
Cụ thể, mức giá đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) đang được đưa ra chưa đến 2 triệu đồng/m2, theo các hộ dân là chưa tương xứng với giá trị “khu đất vàng” thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, các hộ dân cho rằng dự án vẫn còn những vấn đề chưa minh bạch, cần phải công khai để người dân được rõ.
Năm 2011, Công ty CP Đầu tư thương mại Hà Nội Xanh đã đề xuất cơ chế đầu tư dự án. Theo đó, đơn vị này đề nghị được ủng hộ 48 tỷ đồng xây dựng công viên cây xanh, ủng hộ quận Tây Hồ và phường Quảng An. Đổi lại, công ty này đề xuất được xây dựng Nhà điều hành, Nhà tổ chức sự kiện - ẩm thực trên diện tích 2.000m2...
Tuy nhiên, theo các hộ dân nơi đây, Công ty CP Đầu tư Thương mại Hà Nội Xanh là doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận, sẽ thu lời từ việc kinh doanh trên “khu đất vàng” chứ không vì mục đích công cộng. Giấy chứng nhận đầu tư dự án giao cho doanh nghiệp này cũng ghi rõ thời hạn hoạt động là 50 năm.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thủy đặt câu hỏi: “Nếu vì lợi ích chung của cộng đồng, tại sao dự án không công khai mời gọi các doanh nghiệp có nhu cầu xã hội hóa tham gia đấu giá, từ đó có chính sách chi trả hỗ trợ cho người dân có đất bị thu hồi?”.
Vì sao giá đền bù “bèo”?
Trong đề xuất gửi Ban chỉ đạo GPMB TP.Hà Nội vào năm 2016, Sở Tài nguyên - Môi trường và UBND quận Tây Hồ đều cho rằng vị trí khu đất thu hồi là “đất trồng quất cảnh có giá trị kinh tế cao, là nguồn thu nhập thường xuyên, hàng năm. Vì vậy khi thu hồi đất người dân sẽ gặp nhiều khó khăn nên đề nghị phê duyệt cho các hộ dân được hỗ trợ 30% giá đất trung bình ở vị trí 3 của khu vực”.
Sau đó, Ban chỉ đạo GPMB TP.Hà Nội căn cứ Nghị định 42/2014/NĐ-CP quy định đối với các trường hợp thuộc diện Nhà nước thu hồi đất nhưng chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ nào được phê duyệt trước ngày 1.7.2014 để bác đề xuất trên.
Tuy nhiên, bà Thủy cho biết, ngày 27.8.2013, UBND quận Tây Hồ đã ban hành Phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện dự án. Đến tháng 5.2014, Ban bồi thường GPMB quận Tây Hồ và nhà đầu tư đã đưa ra dự thảo phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án kể trên.
Ví dụ như hộ bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, với diện tích GPMB là 156,2m2 sẽ được nhận tổng tiền bồi thường, hỗ trợ là hơn 706 triệu đồng. Còn hiện nay, bà Thủy cho biết đơn giá đất bồi thường cho dự án trên “khu đất vàng” kể trên đang được tính khoảng 1,5 triệu đồng cho mỗi m2!
Đáng chú ý, tại các Văn bản 935/UBND-BBT ngày 5.8.2016 gửi Ban chỉ đạo GPMB TP.Hà Nội và Văn bản 1181/UBND-BBT ngày 20.9.2016 gửi Sở Tài nguyên Môi trường, UBND quận Tây Hồ đã dựa vào khoản 5, Điều 23 Quyết định 23/2014/QĐ-UBND để đề nghị thành phố phê duyệt hỗ trợ khác cho 56 hộ dân. Cụ thể: Hộ liên quan được hỗ trợ 30% giá đất ở trung bình vị trí 3 của khu vực (khoảng 5 triệu đồng/m2).
Đồng thời, đây cũng là kiến nghị của Sở Tài nguyên Môi trường gửi UBND thành phố. Tuy nhiên, UBND thành phố đã bác đề xuất này với lý do dự án chưa có phương án bồi thường hỗ trợ nào được phê duyệt trước 1.7.2014.
Ngược lại, theo người dân, từ tháng 8.2013, UBND quận Tây Hồ đã ban hành phương án tổng thể về việc bồi thường hỗ trợ và tái định cư, đồng thời ra Quyết định hành chính 2597/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án này. Do đó, lập luận của thành phố là chưa chính xác (?).