Trở lại thời điểm năm 2002, ông Hoàng Văn Hướng đã chuyển nhượng diện tích 12ha đất và ao đầm tại thôn Hà Chanh, xã Cộng Hòa, thị xã Cẩm Phả (nay là TP. Cẩm Phả, Quảng Ninh) cho anh Ngô Doãn Sửu. Giấy chuyển nhượng viết tay, có chữ ký của người làm chứng là Trưởng thôn và các hộ giáp ranh, cùng xác nhận của UBND xã Cộng Hòa.
Những năm đầu, do mải đầu tư làm trang trại, nuôi thả cá nước ngọt trên vị trí đất được chuyển nhượng, nên anh Sửu không để ý đến việc làm thủ tục tách thửa đất. Việc anh Sửu đầu tư làm trang trại, nuôi trồng trên khu đất 12ha từ 2002 đến khi bị thu hồi (2012), dân Hà Chanh ai cũng biết và được chính Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa là ông Hòa Văn Công và ông Khổng Văn Thiện (Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Hải) xác nhận.
Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc TTPTQĐ TP. Cẩm Phả im lặng trước câu hỏi của PV Dân Việt.
Ông Niềm Văn Sìn, hộ giáp ranh với khu đất của anh Ngô Doãn Sửu tại thôn Hà Chanh, cho biết: "Chính tôi là người làm chứng trong biên bản bàn giao mặt bằng do ông Hoàng Văn Hướng và anh Ngô Doãn Sửu lập năm 2002. Và từ đó đến năm 2012 khi bị nhà nước thu hồi, tôi và bất cứ ai ở đất Hà Chanh này đều biết anh Sửu và gia đình đã bỏ bao công sức, tiền của để tôn tạo, xây dựng và lao động nuôi trồng thủy sản trên mặt bằng ấy".
Điều đáng nói là chính trên thông báo thu hồi đất, biên bản kiểm kê tài sản, biên bản xác nhận ranh giới, mốc giới, diện tích thửa đất... đều mang tên Ngô Doãn Sửu. Nhưng đến khi Trung tâm Phát triển quỹ đất (TTPTQĐ) Cẩm Phả lập phương án đền bù đất và ao đầm thì người nhận đền bù lại là ông Hoàng Văn Hướng (người đã chuyển nhượng đất và ao đầm cho anh Sửu).
Bi hài ở chỗ, ông Hướng “bỗng dưng” được TTPTQĐ “dâng” cả đống tiền nhưng lại từ chối nhận, đùn đẩy trả về TTPTQĐ với lời khằng định: “Của chú Sửu thì chú ấy hưởng. Tôi không nhận!”.
Để đến 13h30’ ngày 12.02.2014, đoàn cưỡng chế của UBND TP. Cẩm phả cho người và phương tiện đến đập phá nhà cửa, san gạt tài sản, san lấp mặt bằng làm thay đổi hiện trạng của gia đình anh Sửu cùng 2 hộ khác là các ông Đống Quang Trung, Đống Quang Hùng, trong khi anh Sửu không có nhà, và cũng không có bất kỳ lệnh cưỡng chế hay thông báo nào cho 3 hộ.
Nhiều chứng cứ đưa ra xác thực việc hộ gia đình anh Sửu đã mua lại 12 ha đất của ông Hoàng Văn Hướng từ năm 2002, và làm đầm ao nuôi trồng thủy sản đến khi bị thu hồi.
Đặt vấn đề tại sao UBND TP. Cẩm Phả lại tùy tiện trong cách xử lý thu hồi đất GPMB như vậy, ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc TTPTQĐ TP. Cẩm Phả (người được ông Vũ Quyết Tiến, Chủ tịch UBND TP. Cẩm Phả, ủy quyền giao làm việc với PV Dân Việt) trả lời: “Vì ông Sửu không nằm trong đối tượng thu hồi đất GPMB nên không cần phải có quyết định cưỡng chế”.
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Đặng Quốc Anh (Giám đốc Công ty Luật An Thành) cho rằng, dù chưa làm các thủ tục tách thửa với lô đất của người chuyển nhượng là ông Hoàng Văn Hướng, thì rất nhiều tài sản trên đất qua hơn 10 năm sử dụng, tôn tạo làm đầm nuôi trồng thủy sản (đã được UBND xã Cộng Hòa xác nhận) của anh Sửu là tài sản cá nhân không thể phủ nhận, không thể cưỡng chế vô căn cứ.
Khi PV hỏi, nếu cho rằng anh Sửu không thuộc đối tượng thu hồi đất GPMB nên không có quyết định cưỡng chế, thì buổi xuống hiện trường ngày 12.2.2014 UBND TP. Cẩm Phả có quyết định thành lập đoàn không, và đoàn đó gọi là đoàn gì, đi làm nhiệm vụ gì nếu không phải là cưỡng chế? Ông An im lặng hồi lâu không trả lời, rồi khi PV gặng hỏi, ông mới nói: “Việc này TTPTQĐ xin phép chỉ trả lời đến thế”.
Theo Luật sư Đặng Quốc Anh (Giám đốc Công ty Luật An Thành), việc cưỡng chế thu hồi đất chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây: - Thực hiện đúng trình tự, thủ tục về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; - Đã quá ba mươi (30) ngày, kể từ thời điểm phải bàn giao đất mà người có đất bị thu hồi không bàn giao đất cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; - Sau khi đại diện của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, GPMB, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã nơi có đất thu hồi đã vận động thuyết phục nhưng người có đất bị thu hồi không chấp hành việc bàn giao đất đã bị thu hồi cho Nhà nước; - Có quyết định cưỡng chế của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đã có hiệu lực thi hành; - Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế. Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận quyết định cưỡng chế thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết công khai quyết định cưỡng chế tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi.
|
* Dân Việt tiếp tục thông tin vụ việc.