Ngày 11.6, Báo điện tử Dân Việt thông tin “Sống vật vã tại khu tái định cư Thủy điện Hủa Na” phản ánh tình trạng hàng trăm hộ dân thiếu đất sản xuất, phải chạy ăn từng bữa... tại khu tái định cư của dự án Thủy điện Hủa Na.
Sau khi báo thông tin, chiều ngày 14.6, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy điện Hủa Na đã gọi cho phóng viên với thái độ giận dữ. Cụ thể, khi phóng viên vừa mới nghe máy (toàn bộ nội dung cuộc gọi đã được phóng viên ghi âm), ông Hùng đã nói ngay: “Tái định cư à, không quan tâm, đừng có viết vớ vẩn”.
Câu hỏi đặt ra là có đúng câu chuyện tái định cư tại Thủy điện Hủa Na là "không đáng quan tâm" như ông Nguyễn Mạnh Hùng nói. Phóng viên Dân Việt đã ghi nhận thêm những ý kiến bức xúc của người dân nơi đây.
Thiếu đất
Cụ thể, ngày 20.6, anh Vi Văn Tùng trú tại khu tái định cư thủy điện Hủa Na bức xúc cho hay: “Ngày xưa chúng tôi chỉ nghèo tiền bạc chứ không thiếu thức ăn, nước uống... Bây giờ ruộng không, nước sạch không, tiền lại càng là một cái gì đó rất xa xỉ với chúng tôi. Khi chúng tôi có ý kiến thì Chủ tịch của Công ty CP Thủy điện Hủa Na lại bảo "không quan tâm" thì là quá coi thường dân".
Còn anh Vi Văn Huyền (nguyên quán tại bản Huôi Muồng, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong - nay là lòng hồ thủy điện - PV) hiện tái định cư ở bản Huôi Siu - Huôi Lạn, xã Tiền Phong (Quế Phong, Nghệ An) bức xúc không kém: “Từ khi gia đình chúng tôi chuyển về khu tái định cư ở bản Huôi Siu - Huồi Lạn thì gia đình đã được phía Công ty cấp 5.184m2 đất ruộng nước để sản xuất như cam kết đâu. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương rồi nhưng đã hơn 5 năm nay dù huyện nhiều lần có ý kiến nhưng Công ty Thủy điện Hủa Na không làm. Không chỉ riêng gia đình tôi đâu, cả khu tái định cư có tới 26 hộ dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù đất ruộng...”
Bà Lô Thị Quyên, trú tại bản Huôi Muống, xã Tiền Phong cầm đùm gạo mới đi vay về để nấu qua ngày. Ảnh: Cảnh Thắng
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, đến nay có tới 359 hộ dân tại các điểm tái định cư Piêng Cu, Khủn Na, Nậm Nui - Nậm Ke, Huôi Chà Là, Huôi Siu - Huôi Lạn vẫn chưa có đất để sản xuất vì lý do đang xây dựng ruộng, thiếu diện tích và đất chưa khai hoang... Đặc biệt về đất lâm nghiệp có tới 311 hộ dân/ 5 điểm tái định cư Pù Sai Cáng, Huôi Lướm, Na Lướm, Huôi Đừa, Na Hứm chưa được giao xong...
Thiếu nước
Tới thời điểm này, phía Công ty Tủy điện Hủa Na vẫn chưa cấp kinh phí để cấp gạo hỗ trợ bổ sung cho điểm tái định cư Piêng Cu theo Quyết định số 588/QĐ-UBND ngày 8.8.2016 về việc phê duyệt phương án tổng thể về hỗ trợ ổn định đời sống cho 92 hộ dân bản Nong Đanh đến điểm tái định cư Piềng Cu, xã Tiền Phong và Quyết định số 1178/QĐ-UBND ngày 21.12.2016 về việc phê duyệt phương án chi tiết hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ dân di dời đến điểm tái định Piêng Cu với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng của tỉnh Nghệ An.
Đặc biệt, kinh phí tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho nhân dân tái định cư là 405 triệu đồng vẫn chưa có.
Chị Lương Thị Hiệp và con ở điểm tái định cư Huôi Sai do thiếu đất sản xuất nên không có việc làm. Ảnh: Cảnh Thắng
Quan sát của phóng viên, người dân không những thiếu đất sản xuất mà nước sạch cũng khan hiếm. Hệ thống 6 công trình nước sinh hoạt của các hộ dân cũng không đảm bảo, xuống cấp. Đặc biệt hệ thống cấp nước sinh hoạt cho điểm tái định cư Na Lướm do các tuyến nối đường nước ở nội vùng bị bể hư hỏng hoàn toàn.
Chiếu theo Quyết định 2327/QĐ – UBND của tỉnh Nghệ An về chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư thì từ năm 2012 đến nay phía Công ty Thủy điện Hủa Na vẫn chưa triển khai công tác bồi thường như: Nhà văn hóa cộng đồng chưa có nhà để xe; chưa hỗ trợ cho xã Tiền Phong (là xã tiếp nhận dân tái định cư) để đầu tư nâng cấp Trạm y tế xã; chưa bố trí đất và đất san nền hạng mục sân thể thao cho các điểm tái định cư có quy mô trên 50 hộ dân (Piêng Cu, Huôi Siu- Huôi Lạn thuộc xã Tiền Phong, Huôi Đừa, Pù Sai Cáng, Huối Lướm, Na Hứm thuộc xã Thông Thụ, Nâm Nui- Nậm Ke thuộc xã Đồng Văn...); chưa thực hiện hạng mục kiên cố hóa kênh mương nội đồng; chưa có khu xử lý rác thải tại các điểm tái định cư..
“Từ đầu năm 2017 đến nay, huyện đã nhiều lần có ý kiến với Công ty Thủy điện Hủa Na về các vấn đề trên nhưng Công ty vẫn chưa thấy động tĩnh gì” - ông Lê Văn Giáp - Chủ tich UBND huyện Quế Phong cho hay.
Những tồn tại trong công tác tái định cư tại Thủy điện Hủa Na nhức nhối nhiều năm nay khiến nhiều hộ dân lao đao. Thiết nghĩ, đã đến lúc tỉnh Nghệ An phải có những chỉ đạo để Công ty Thủy điện Hủa Na thực hiện đúng cam kết và lời hứa của mình trước người dân tái định cư - những người đã hy sinh nhà cửa, đất đai hương hỏa cho dự án này.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc...