Dân Việt

Thiếu phụ bị tuyên phạt 12 tháng tù vì làm sứt mặt bàn: Luật sư nói gì?

Lê Chiên (ghi) 24/06/2017 20:53 GMT+7
Chỉ vì làm sứt mép bàn trong lúc không kiềm chế được bản thân mà Lê Thị Trang (phường Thanh Châu, TP Phủ Lý, Hà Nam) đã bị rơi vào vòng lao lý. 

Sau khi Lê Thị Trang  bị TAND thành phố Phủ Lý tuyên phạt 12 tháng tù, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Người cho rằng hình phạt đối với Trang là quá nặng, trong khi đó Trang lại đang nuôi con nhỏ; có người cho rằng đến nhà người ta quậy phá như thế thì bị tù là đáng rồi… còn chuyên gia pháp lý đánh giá thế nào? Dân Việt ghi lại một số ý kiến của luật sư xung quanh vụ án này.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo (Giám đốc Công ty Luật Đức An, Hà Nội): 

img

Trang tại tòa. Ảnh: PLO

"Nếu hành vi  của Trang là cố ý làm hư hỏng tài sản thì hình phạt tù giam với người mẹ trẻ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi là quá nghiêm khắc, chưa thể hiện sự khoan hồng nhân đạo của pháp luật. Có thể áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo là đủ để răn đe phòng ngừa chung. 

Theo thông tin báo chí thì Lê Thị Trang bị bà Hà và hai người con gái của bà Hà xông vào giật tóc, cào cấu nên trong vụ việc này, bị hại cũng có lỗi một phần.

Đối với tội cố ý hủy hoại tài sản thì hậu quả là dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội phạm. Hậu quả của hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản là làm cho tài sản của người khác bị mất một phần hoặc giảm giá trị, giá trị sử dụng nhưng ở mức độ có thể khôi phục lại được. Giá trị hoặc giá trị sử dụng của tài sản là thiệt hại do hành vi cố ý làm hư hỏng gây ra chứ không phải giá trị hoặc giá trị sử dụng ban đầu của tài sản khi chưa bị huỷ hoại hoại hoặc làm hư hỏng. 

Cần xác định thiệt hại chiếc mặt bàn bằng đá của gia đình bà Hà sau khi bị cáo Trang làm sứt 2 vết chứ không phải định giá toàn bộ mặt bàn khi chưa bị hư hỏng. Vấn đề này cần được hiểu đúng và xác định chính xác. Cần định giá lại phần mặt bàn bị sứt trong thực tế.

Thêm vào đó, ngay sau khi vụ án xảy ra, bị cáo Trang đã tự nguyện bồi thường cho gia đình bà Hà số tiền lên đến 6 triệu đồng, gấp hơn 2 lần chiếc mặt bàn. Đây là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 46 BLHS. 

Theo tôi, bị cáo có thể kháng cáo để toà phúc thẩm xem lại tội danh và mức hình phạt". 

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Luật Đại Nam, Hà Nội): 

"Trên nhiều các trang báo chí, công luận những ngày vừa qua, đã có bài viết, góc nhìn đối với vụ việc trên, nhưng người viết do vô tình hay cố ý đang lái vấn đề theo khía cạnh dân sự.

Trước hết, về tính chất của Bộ luật hình sự là xác định các hành vi nguy hiểm cho xã hội bằng các điều luật cụ thể (trong đó có hành vi hủy hoại tài sản quy định tại Điều 143 – BLHS năm 1999 ). Chúng ta phải hiểu rằng mức độ thiệt hại (vấn đề dân sự) chỉ là căn cứ để định khung lượng hình; còn căn cứ để định tội phải căn cứ vào hành vi, động cơ mục đích.

Nếu vô tình là hỏng tài sản thì lại khác còn nếu cố tình hủy hoại hoặc làm hỏng tài sản của người khác thì đó là hành vi nguy hiểm.Trở lại sự việc trên, để đánh giá  Tòa án tuyên phạt 12 tháng từ giam đối với bị cáo có đúng không thì cần phải xem xét đến các khía cạnh động cơ, mục đích và hành vi cùng với nhân thân chứ không chỉ đơn thuần chỉ xem xét đến mức độ thiệt hại".