Dân khổ vì ô nhiễm môi trường
Lúc PV có mặt, tại khu đất này có nhiều người dân đang chăm sóc, thu hoạch tôm chân trắng. Dãy nhà nhiều phòng vốn phục vụ cho lực lượng quân đội làm nhiệm vụ trở thành nơi nghỉ ngơi của người nuôi tôm.
Quan sát của PV, nước thải từ các hồ tôm hiện được đổ về một ao chứa nhỏ rồi chảy thẳng ra biển. Đi dọc theo mương xả thải, chúng tôi nhận thấy nước thải đổ ra biển có màu đen, nhiều bọt và có mùi hôi thối khó chịu.
Một trong hàng loạt hồ nuôi tôm chân trắng trên đất của Đội Quản lý công trình chiến đấu. Ảnh: Trần Hòe.
Nước thải ô nhiễm từ các hồ tôm chảy ra biển. Ảnh: Trần Hòe.
Anh Nguyễn Văn Thạch (thôn Phú Hải) cho biết, nước thải có mùi hôi thối từ khu vực nuôi tôm đã và đang đe dọa môi trường biển ở thôn.
“Họ xả thải ra biển mạnh lắm, nước thải quá hôi. Dân đã gửi đơn phản ánh nhiều rồi nhưng chưa ai giải quyết”- anh Thạch bức xúc.
Theo anh Thạch và nhiều người dân khác ở thôn Phú Hải, ngoài gây ô nhiễm môi trường, việc đào bới khu đất quốc phòng để nuôi tôm còn khiến dân bị chặn đường ra biển.
Cụ thể, trước đây người dân trong thôn ra biển đánh cá bằng đoạn đường chạy qua khu đất Đội quản lý công trình chiến đấu, nhưng từ khi khu đất này trở thành nơi nuôi tôm, dân bị cấm đi qua đường này.
Con đường đi xuống biển hiện tại của người dân thôn Phú Hải bị hư hỏng nghiêm trọng trong khi đường cũ bị cấm đi. Ảnh: Trần Hòe.
“Nhiều tháng rồi chúng tôi phải ra biển bằng đoạn đường đắp tạm không bảo đảm an toàn. Đường này quá dốc và bị xói lở nghiêm trọng nên chúng tôi rất khổ sở khi vận chuyển hải sản cũng như ngư lưới cụ qua đây”- một người dân thôn Phú Hải buồn nói.
Trao đổi với PV, ông Huỳnh Quang Việt ( người thuê đất trên để nuôi tôm) cho biết, hoạt động nuôi tôm tại khu đất quốc phòng diễn ra từ 3 tháng nay.
Ông Việt thừa nhận, cơ sở vật chất của khu vực nuôi tôm chưa đảm bảo, nhất là hệ thống xử lý nước thải. Khi PV hỏi việc nuôi tôm được cấp phép hay không, ông Việt nói “họ cho thuê đất thì mình làm rứa thôi, ngang mô thì tính ngang nấy”.
Cho thuê đất quốc phòng 8 năm?
Làm việc với Ban Chỉ huy quân sự huyện Phú Lộc, PV được cung cấp bản hợp đồng cho thuê đất quốc phòng giữa cơ quan này với 2 chủ hồ tôm là các ông Nguyễn Văn Phước, Huỳnh Quang Việt (cùng trú huyện Phú Lộc). Hợp đồng này được ký vào ngày 1.1.2017 và có hiệu lực đến 31.12.2024.
Nội dung hợp đồng ghi rõ việc Ban Chỉ huy quân sự huyện Phú Lộc cho ông Phước và ông Việt nuôi tôm trên phần đất Đội quản lý công trình chiến đấu với giá thuê đất 80 triệu đồng/năm.
Ngoài được đào ao hồ trên khu đất, ông Phước và ông Việt còn được bàn giao dãy nhà 5 phòng cùng toàn bộ cơ sở vật chất để phục vụ cho hoạt động nuôi tôm.
.
Hồ nuôi tôm trên phần đất của Đội quản lý công trình chiến đấu. Ảnh: Trần Hòe.
Thượng tá Trần Quốc Khánh- Tham mưu trưởng, Phó chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Phú Lộc- cho biết: Diện tích đất cơ quan này cho thuê nuôi tôm đã được chính quyền tỉnh Thừa Thiên- Huế cấp sổ đỏ và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đồng ý với việc cho thuê đất.
Một trong những lý do đơn vị quân đội được giao sử dụng khu đất này là để phục vụ công tác bảo vệ các công trình quốc phòng.
Về việc cơ sở hạ tầng khu vực nuôi tôm không đảm bảo quy định, thượng tá Khánh nói đơn vị của ông chỉ cho thuê đất, còn các thủ tục pháp lý cũng như công tác bảo vệ môi trường khi nuôi tôm do phía người nuôi chịu trách nhiệm.
Luật sư nói gì?
Trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SBLAW) về việc Ban Chỉ huy quân sự huyện Phú Lộc cho thuê đất như trên, luật sư Hà cho biết: Căn cứ Điều 61, Điều 148 Luật Đất đai 2013 và Điều 50 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì diện tích đất mà Ban Chỉ huy quân sự huyện Phú Lộc cho thuê nuôi tôm là đất sử dụng vào mục đích quốc phòng an ninh.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 50, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì: “Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh phải được sử dụng đúng mục đích đã được xác định.
Đối với diện tích đất không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo cho đơn vị sử dụng đất để đưa đất vào sử dụng đúng mục đích; sau 12 tháng kể từ ngày được thông báo, nếu đơn vị sử dụng đất không khắc phục để đưa đất vào sử dụng đúng mục đích thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thu hồi để giao cho người khác sử dụng.”
Từ những căn cứ pháp lý trên cho thấy, việc Ban Chỉ huy quân sự huyện Phú Lộc cho thuê đất để nuôi tôm là trái quy định của pháp luật, không đúng với quy định “Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh phải được sử dụng đúng mục đích đã được xác định” dù việc cho thuê được Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đồng ý.
Đấy là chưa nói đến việc các hộ nuôi tôm vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, thay đổi hiện trạng đất ảnh hưởng đến việc phòng thủ bảo vệ an ninh.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.