Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang mưu tính chia rẽ Mỹ, Nhật, Hàn bằng các vụ thử hạt nhân, tên lửa.
Ngày 3.9, Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch, không lâu sau khi tuyên bố đã có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên (vốn có sức công phá khoảng 160 kiloton, gấp 10 lần quả bom Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945) diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bình Nhưỡng bắn tên lửa tầm trung Hwasong-12 xuyên qua không phận Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lên án vụ phóng tên lửa Hwasong-12 là "mối đe dọa chưa từng có, cực kỳ nghiêm trọng" và gọi vụ thử nghiệm hạt nhân hôm 3.9 là "không thể chấp nhận được".
Chỉ trong năm nay, chế độ Kim Jong-un đã tiến hành nhiều vụ thử tên lửa hơn so với gần 20 năm dưới thời lãnh đạo Kim Jong-il trước đó. Các vụ thử nghiệm liên tiếp của Triều Tiên vi phạm các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ và gây ra các mối đe ngày càng tăng rằng, chế độ Kim Jong-un có khả năng bắn vũ khí hạt nhân tới Mỹ, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc.
Các vụ thử tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên bên cạnh việc tăng cường các khả năng quân sự của Bình Nhưỡng, còn nhắm đến mục tiêu thúc ngoại giao là đâm mũi giáo chia rẽ vào giữa Mỹ, các đồng minh của nước này và Trung Quốc.
Liệu liên minh Mỹ, Nhật, Hàn có trụ vững trước mũi giáo chia rẽ của Triều Tiên? Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa), Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) gặp nhau owrw Hamburg trước hội nghị G20.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn chia rẽ các nước láng giềng để giành được những sự nhượng bộ, nới lỏng các lệnh trừng phạt và phá vỡ các áp lực phối hợp từ những nước này. Tuy nhiên, nếu liên minh Mỹ, Nhật, Hàn tăng cường hợp tác 3 bên, họ có thể chống lại các mối đe dọa của Bình Nhưỡng và hối thúc Trung Quốc gây áp lực buộc Triều Tiên phải đàm phán phi hạt nhân hóa.
Khả năng chia rẽ Mỹ và Nhật Bản của Triều Tiên phụ thuộc vào năng lực trấn an Tokyo của chính quyền Trump và mức độ chủ động của chính quyền Abe trong chính sách an ninh.
Hiện khả năng chia rẽ của Bình Nhưỡng đối với liên minh Mỹ, Nhật được cho là không cao vì chính quyền Trump rất ủng hộ Nhật Bản. Sự chú ý và cam kết chính thức của Mỹ đối với Nhật Bản rất mạnh mẽ, bất chấp các vấn đề trong nước và bộ máy chính quyền Trump vẫn còn chưa hoàn thiện. Hơn nữa, bản thân chính quyền Abe cũng mong muốn tăng đóng góp quốc phòng (chia sẻ gánh nặng với Mỹ) và hợp tác với cường quốc số 1 thế giới.
Tuy nhiên, những động thái khiêu khích của Triều Tiên nhiều khả năng làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Seoul và Tokyo. Bỏ qua những vấn đề lịch sử, Hàn Quốc và Nhật Bản gần đây đã cải thiện quan hệ, tăng cường hợp tác an ninh với các cuộc đối thoại cấp cao, chia sẻ tình báo và các cuộc tập trận chung chống tàu ngầm và tên lửa. Tuy nhiên, tiến trình này vẫn mang tính thăm dò và ít được chính phủ Hàn Quốc thông tin với công chúng.
Ngoài ra, mặc dù Nhật Bản và Hàn Quốc nhất trí với cách tiếp cận dùng cả áp lực và đối thoại để kiềm chế Triều Tiên song chính quyền mới của Tổng thống Moon Jae-un nghiêng về đối thoại hơn, trong khi chính phủ Abe lại cam kết tăng áp lực hơn.
Theo đó, các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên có thể làm rạn nứt quan hệ giữa Seoul và Tokyo nếu các nhà lãnh đạo Hàn Quốc không thể hiện tình đoàn kết với an ninh quốc gia của Nhật Bản hoặc nếu các nhà lãnh đạo Nhật Bản không đánh giá cao chính sách trong nước của Hàn Quốc.
Vì vậy, để ngăn Triều Tiên chia rẽ Nhật, Hàn, vai trò của Mỹ ở đây là rất đáng kể. Washington không nên chỉ trấn an mà còn cần tăng gấp đôi sự phối hợp ba bên, bao gồm các hoạt động sơ tán phi chiến đấu (NEO) và các cuộc tập trận phòng vệ dân sự. Đặc biệt những động thái khiêu khích mới nhất của Triều Tiên cũng sẽ có ảnh hưởng hạn chế đến quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh của Mỹ.
Bắc Kinh đã không ủng hộ các lệnh trừng phạt bổ sung của Liên Hợp Quốc để đáp trả lại vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6, một nghị quyết trừng phạt mới có thể được Hội đồng Bảo an đưa ra. Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc không ủng hộ việc dồn Triều Tiên đến đường cùng vì lợi ích quốc gia của Bắc Kinh khác với Mỹ, Nhật, Hàn. Trung Quốc không muốn chứng kiến viễn cảnh Triều Tiên sụp đổ trong khi Mỹ, Nhật, Hàn thì ngược lại. Hơn nữa, Bắc Kinh tin rằng, Triều Tiên có xu hướng khiêu khích hơn nếu bị dồn ép.
Theo đó, để thuyết phục Trung Quốc tích cực kiềm chế Triều Tiên, Mỹ có thể nhấn mạnh rằng, việc nước này tăng cường triển khai các tài sản chiến lược lên bán đảo Triều Tiên (như hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD) vốn khiến Bắc Kinh không vừa lòng sẽ không cần thiết nếu Bắc Kinh nghiêm túc và tăng cường thực hiện các lệnh trừng phạt LHQ áp đặt lên Bình Nhưỡng.
Cuối cùng, sự thống nhất ba bên trong liên minh Mỹ, Nhật, Hàn sẽ chứng minh các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng đã thất bại trong việc chia rẽ họ và sẽ cho Bắc Kinh một cơ hội để đưa ra một lựa chọn ngoại giao đáng tin cậy mà tất cả các bên đều mong muốn hơn là leo thang quân sự.