Huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được biết đến với tiềm năng phát triển kinh tế biển đảo. Tuy nhiên, nhiều yếu tố tự nhiên ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích phát triển của một số xã tuyến đảo xa đất liền, trong đó có tình trạng bồi lắng bùn cát, phù sa trên nhiều luồng tuyến giao thông, ảnh hưởng đến quá trình giao thương hàng hóa, vận chuyển hành khách giữa đất liền ra các đảo.
Tàu thuyền liên tục bị mắc cạn.
Theo tìm hiểu, các tuyến luồng thủy ngày càng bị khan cạn do bồi lắng phù sa, bùn cát. Một số tuyến luồng dân sinh đi ra ngư trường cũng như nối giữa các xã đảo như Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen thuộc huyện Vân Đồn hoàn toàn chỉ đi được khi nước thủy triều lên cao.
Mấy năm trở lại đây, tại huyện đảo Vân Đồn lượng khách du lịch tăng cao, hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng trên các xã đảo cũng đang phát triển nên ngày càng có nhiều phương tiện thủy có trọng tải lớn vận chuyển hàng hóa, du khách lưu thông. Nhưng do các tuyến luồng chưa đảm bảo nên việc lưu thông hàng hóa, vật liệu xây dựng, vận chuyển khách du lịch, đánh bắt thủy hải sản… ở đây gặp nhiều khó khăn. Bất cập này khiến nhiều dự án, công trình bị kéo dài thời gian, đội chi phí, các dịch vụ du lịch bị hạn chế.
Ngư dân phải thuê thuyền cứu hộ lai rắt qua đoạn bị mắc cạn.
Ông Nguyễn Đức Kết, Thuyền trưởng tàu Hoàng Vy 01 (tuyến Vân Đồn – Quan Lạn) bức xúc cho biết, khoảng tháng 5 - 6, phù sa bồi đắp, bị cạn, tàu chạy khó khăn, phải vòng đi vòng lại theo con nước, mất nhiều thời gian. Cứ mỗi lần như vậy mất thêm từ 400.000 - 500.000 đồng tiền dầu. Hiện vẫn chưa có cơ quan chức năng tiến hành nạo vét, khơi thông tuyến luồng.
“Cứ mỗi lần tàu mắc cạn, chúng tôi phải nhảy xuống biển để đẩy tàu, thậm chí phải nhờ một tàu khác kéo ra khỏi chỗ cạn. Thông thường, thời gian từ Quan Lạn sang Ngọc Vừng đánh bắt hải sản mất khoảng 30 phút, nhưng khi nước cạn phải đi đường vòng khoảng 2 tiếng, tốn tiền, thời gian" - anh Nguyễn Hữu Thương, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn ngao ngán.
Quá trình di chuyển ra khơi, nhiều tàu thuyền của ngư dân phải rất khó khăn, vất vả, có khi mới đi được 1/3 quãng đường thì đã bị mắc cạn dù ở thời điểm đó chưa phải là lúc con nước xuống thấp nhất.
Ông Đỗ Minh Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Quan Lạn cho biết: Trước đây, huyện Vân Đồn cho nạo vét khơi thông các tuyến luồng cũ ra các xã đảo và mở thêm nhiều luồng mới tạo điều kiện thuận lợi đối với người dân.
Trước thực trạng hiện nay nhiều tuyến luồng lại bị bùn cát, phù sa bồi lắng, xã đã có ý kiến đề xuất cấp trên phê duyệt dự án nạo vét tuyến luồng. Tuy nhiên, hiện tại chủ trương này bị tạm dừng do UBND tỉnh đang thực hiện việc rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý các tuyến luồng thủy.
Việc nạo vét các tuyến luồng thủy sẽ giúp tàu thuyền đi lại dễ dàng, không phải phụ thuộc vào con nước lên xuống. Khi bão gió tàu to có thể đi qua đây để tránh bão, tiết kiệm thời gian, chi phí cho ngư dân. Đồng thời giúp làm giảm tải sự cố va chạm đá ngầm gây nguy hiểm và chi phí sửa chữa tàu sau mỗi lần gặp sự cố cho ngư dân tại huyện đảo.