Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Thứ nhất, ứng phó vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên
Nhà Trắng ngày 29.9 thông báo, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ công du Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines từ ngày 3-14.11 để tham dự các hội nghị thượng đỉnh khu vực cũng như thảo luận về thương mại và mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.
Thực ra thông tin về việc ông Trump sẽ thăm Trung Quốc sớm được khẳng định thông qua lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp với ông Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Palm Beach, Florida, Mỹ hồi tháng 4. Lúc đó, hai vấn đề mà Trung-Mỹ cần giải quyết tức tốc đó là căng thẳng thương mại và vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Kể từ cuộc gặp đó đến nay, dựa theo những tiến triển và thành quả đàm phán thương mại Trung-Mỹ, cộng với mức độ và hiệu quả của việc Trung Quốc đã "giúp đỡ" Mỹ giải quyết vấn đề Triều Tiên... là những lý do khiến ông Trump tích cực thúc đẩy chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Trung Quốc.
Thực tế, đối mặt với việc triều Tiên liên tục thử tên lửa và thử nghiệm bom nhiệt hạch lớn nhất từ trước đến nay, Trung Quốc đã nhiều lần bỏ nhiều tán thành nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Liên hợp quốc do Mỹ soạn thảo. Điều này khiến cho chính quyền của ông Trump nhận được những tín hiệu tích cực từ sự phối hợp của Trung Quốc.
Hơn nữa, quan điểm cá nhân của ông Trump về bán đảo Triều Tiên được cho là đã có sự "thay đổi", khi ông không còn chỉ trích Trung Quốc nữa. Thay vào đó ông Trump nhấn mạnh xây dựng nhận thức chung với Trung Quốc và cộng đồng quốc tế để gia tăng mức độ trừng phạt lên Triều Tiên.
Thứ hai, định hình mối quan hệ Trung-Mỹ
Làm thế nào để định hình mối quan hệ Trung-Mỹ cũng là vấn đề mà ông Trump cần giải quyết trong chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc.
Sau khi ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ, mối quan hệ Trung-Mỹ đã bị vấn đề hạt nhân Triều Tiên bắt làm con tin. Mặc dù hai bên đã tổ chức các cuộc gặp song phương ở các cấp độ khác nhau, tuy nhiên, vẫn chưa đạt được những nhận thức chung cơ bản trong vấn đề Triều Tiên.
Đặc biệt, Trung-Mỹ là một trong những cặp quan hệ song phương quan trọng nhất trong thế kỷ 21. Trung-Mỹ có rất nhiều điểm vừa hợp tác vừa đấu tranh. Trong đó, làm thế nào để xác định phân lượng giữa hợp tác và đấu tranh là một vấn đề mà chính quyền của ông Trump cần phải giải đáp trong quan hệ với Trung Quốc.
Ngoài vấn đề căng thẳng thương mại rất khó được hóa giải trong khoảng thời gian ngắn, Trung-Mỹ còn nhiều vấn đề cạnh tranh và hợp tác liên quan tới tình hình hạt nhân Triều Tiên, vấn đề tự do hàng hải trên Biển Đông, Hoa Đông, sự bố trí chiến lược toàn cầu, và sự "tái xác định" vai trò trách nhiệm của từng nước trong các vấn đề quốc tế... tất cả vấn đề này đòi hỏi Trung-Mỹ phải định hình lại trong sự phát triển của mối quan hệ song phương.
Thứ 3, Trung Quốc tổ chức Đại hội 19
Việc ông Trump thăm Trung Quốc sau khi Trung Quốc tổ chức Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 19 (Đại hội 19) với việc ông Tập Cận Bình củng cố được quyền lực tuyệt đối trong nước cũng là một nhân tố khiến ông Trump tính toán thời điểm thăm Trung Quốc.
Trong con mắt của ông Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giống như Tổng thống Nga Putin, đều là những "lãnh tụ" chính trị cứng rắn.
Giới quan chức Mỹ đều chung nhận định, sau Đại hội 19 của Trung Quốc, quyền lực của ông Tập Cận Bình sẽ được gia tăng. Chính điều này là nhân tố thôi thúc ông Trump quyết tâm tăng cường mối quan hệ cá nhân với ông Tập Cận Bình.
Ngoài ra, ông Trump cũng không muốn "có sự thay đổi" hoặc những phiền hà không cần thiết trong quá trình lên kế hoạch cho chuyến thăm Trung Quốc.
Theo các chuyên gia về quan hệ Trung-Mỹ, việc ông Trump tuyên bố thăm Trung trước thềm Trung Quốc tổ chức Đại hội đảng 19 và thực hiện chuyến thăm sau khi Trung Quốc kết thúc Đại hội đảng còn nhằm mục đích "lái" lãnh đạo Trung Quốc thực hiện điều chỉnh về chính sách đối với Triều Tiên khi tiến hành Đại hội đảng.
Thứ 4, nhân tố trong nước
Chuyến thăm châu Âu của ông Trump xét ở một mức độ nhất định bị coi như là một thất bại. Nguyên nhân là do ông Trump đã tỏ thái độ "coi thường" với các đồng minh truyền thống. Cộng với việc chính trường Mỹ liên tiếp dậy sóng liên quan tới việc điều tra cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ hồi cuối năm 2016. Điều đó khiến cho kết quả chuyến thăm của ông trump tới châu Âu đã bị phủ bóng đen.
Do vậy, chuyến thăm châu Á nói chung, đặc biệt chuyến thăm Trung Quốc với việc tiếp xúc và nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, là một trong những cơ hội để ông Trump tạo dựng hình ảnh nhà lãnh đạo mạnh mẽ và cứng rắn trong lòng người dân Mỹ.
Đồng thời, ông Trump cũng muốn thông qua chuyến thăm Trung Quốc phát tín hiệu với các cử tri trung thành, cũng như muốn bắn tín hiệu tới các cử tri đã không bỏ phiếu cho ông rằng, ông hoàn toàn có năng lực và sức mạnh để thể hiện sự lãnh đạo của Mỹ tại khu vực châu Á.