Đương kim lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un
Trong bài viết được đăng trên Washington Post, Tổng thống Mỹ thứ 39, người sáng lập trung tâm phi lợi nhuận Carter chia sẻ, ông đã gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành, ông Kim Yong Nam, Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên cũng như một số quan chức cấp cao khác ở Bình Nhưỡng.
Từ những cuộc gặp này, ông Carter nhận ra rằng, các lãnh đạo Triều Tiên rất quyết tâm để bảo vệ chế độ của họ. Họ gần như không bị ảnh hưởng bởi áp lực bên ngoài. Cơ chế miễn dịch với mọi áp lực từ bên ngoài này tới thời Kim Jong-un thậm chí áp dụng cho cả Trung Quốc, đồng minh duy nhất của nước này.
Theo ông Carter, những gì giới lãnh đạo Triều Tiên mong muốn là đàm phán trực tiếp với Mỹ, đạt được thỏa thuận hòa bình thay cho lệnh ngừng bắn năm 1953 về mặt kỹ thuật vẫn chưa giúp đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột Triều Tiên.
Bình Nhưỡng cũng muốn chấm dứt các biện pháp trừng phạt, đảm bảo không có bất cứ cuộc tấn công quân sự nào nhắm vào Triều Tiên đồng thời bình thường hóa quan hệ và thiết lập các mối quan hệ hòa bình với Mỹ, cũng như cộng đồng quốc tế.
Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter
Cựu Tổng thống Mỹ còn cho biết, ông đã đến thăm người dân Triều Tiên và nhận xét rằng họ có lẽ là những người bị cô lập nhất trên Trái đất. Theo ông Carter, người dân Triều Tiên gần như đều tin rằng, mối đe dọa lớn nhất của họ là một cuộc tấn công phủ đầu từ Mỹ.
Đã có nhiều gợi ý để giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên, bao gồm tấn công quân sự vào các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, áp dụng các hình phạt kinh tế nghiêm trọng hơn...
Cho đến nay, những trừng phạt kinh tế nghiêm trọng mức nào cũng đã không ngăn được Triều Tiên phát triển một lực lượng quân sự đáng gờm, bao gồm tên lửa hạt nhân tầm xa, đẩy mạnh khả năng khoa học và công nghệ tiên tiến.
Theo Tổng thống thứ 39 của Mỹ, Triều Tiên sẽ không có khả năng đồng ý phi hạt nhân hóa, dựa trên những gì đã xảy ra với một Liba phi hạt nhân và những hoài nghi về sự tuân thủ của Mỹ đối với thỏa thuận hạt nhân Iran.
Cuối cùng, ông Carter nhận định rằng, bước tiếp theo cho Mỹ là nên đưa ra một phái đoàn cấp cao tới Bình Nhưỡng để tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình với Triều Tiên hoặc để thúc đẩy cho một hội nghị quốc tế bao gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên.