Tình "nối dây"
Thôn A Vương (xã Tà Rụt, huyện Đakrông) 3 năm về trước có một đám cưới theo phong tục người Pa Kô mà những cán bộ miền xuôi mới lên nhận công tác phải ngạc nhiên. Đó là đám cưới của Hồ Thị S (SN 1998) và Hồ Văn T (SN 1996).
Vợ chồng Hồ Văn D và Hồ Thị L (thôn Ba Lin, xã A Vao, Đakrông) vì kết hôn sớm nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Ảnh: Ngọc Vũ
S là con gái ông Hồ Văn H, còn T là con trai bà Hồ Thị N. Bà N gọi ông H là chú ruột. Theo lẽ thường thì T phải gọi S là dì. Nhưng rồi họ gọi nhau là vợ chồng.
Ôm đứa con trai hơn 1 tuổi vào lòng, S nói, vẫn biết có họ hàng với nhau nhưng phong tục người Pa Kô cho phép lấy nhau làm vợ chồng. Vì vậy, sau 3 tháng đi “sim”, nhận nhiều lời yêu thương cùng những món quà nhỏ như sô cô la, kẹp tóc... nhân ngày lễ tình nhân, S đã xiêu lòng trước T. Hai người chính thức yêu nhau vào tháng 1.2013, đến tháng 4.2014 thì cưới.
Bà Hồ Thị N nói rằng, yêu nhau thì cưới nhau là chuyện bình thường. Đám cưới mà làm đủ thủ tục cúng bái thì có cùng họ hàng huyết thống cũng không đau ốm gì cả. Lễ cúng trong đám cưới người Pa Kô đã được giản tiện đi nhiều nhưng với vật phẩm như một con lợn, một con gà, rượu, bạc… đối với gia đình nghèo miền núi là một vấn đề không nhỏ. Ở nhà chồng, S hàng ngày giao con nhỏ cho bà nội chăm để lên rẫy trồng sắn, chồng phải đi làm thuê nhiều nơi nhưng cuộc sống của họ vẫn bấp bênh.
Rời Tà Rụt, chúng tôi đến thôn Vôi (xã Tà Long, Đakrông) thì bắt gặp Hồ Thị B, dáng vẻ hao gầy đang cho đứa con nhỏ gần 2 tuổi nuốt vội bát cháo trắng. B cho biết, năm nay 23 tuổi, lấy chồng đã được 6 năm và có hai mặt con. Chồng B là Hồ Văn Th, 25 tuổi. Th là con đẻ của bà Hồ Thị D, còn mẹ của B là chị ruột bà D.
Th kể, học hết lớp 8 thì Th bỏ học lên nương rẫy kiếm cái ăn. Biết B là con của dì ruột nhưng thấy B đẹp người nên Th ưng cái bụng. Sau vài tháng đi “sim”, cả hai đem lòng yêu nhau và được gia đình cho cưới. Vậy là B nghỉ học để lấy chồng vào cuối năm lớp 9.
Chúng tôi thắc mắc vì sao có chung huyết thống mà lại cho con cái lấy nhau, bà D trả lời ngắn gọn: “Mình biết pháp luật không cho phép nhưng chúng nó yêu nhau rồi thì biết làm sao. Từ xưa tới nay, người Vân Kiều mình coi chuyện đó là bình thường, được phép. Mình làm đúng theo phong tục của mình thôi, có sai gì đâu”.
Ghé thôn A La (xã Ba Nang, Đakrông), chúng tôi tiếp tục nghe được câu chuyện một lãnh đạo xã này có em trai tên Hồ Văn S (26 tuổi) kết hôn với Hồ Thị Tr (20 tuổi) là cận huyết thống. Nghe chúng tôi hỏi chuyện hôn nhân của mình, Tr tỏ vẻ ngần ngại... Nhưng rồi Tr tâm sự, hai vợ chồng có bà con huyết thống rất gần. Tr là con cậu, còn S là con cô (bố của Tr là anh trai của mẹ S).
“Chúng mình yêu nhau được 1 năm thì gia đình hai bên cho cưới vào năm 2012, lúc đó mình 15 tuổi. Bây giờ mình thấy hối hận lắm. Mình làm điều mà pháp luật không cho phép. Người ta biết mình và chồng cận huyết thống mà lấy nhau, ngại lắm. Mình không gọi ba mẹ chồng mà chỉ gọi là cô, gượng thôi. Đời mình lỡ dại rồi, bây giờ chỉ biết chấp nhận và dạy bảo các em không được dại dột như mình nữa” – Tr tâm sự.
Và những hệ lụy...
Hồ Thị B và Hồ Văn Th kết hôn cận huyết thống, sinh con gặp nhiều bệnh tật. Ảnh: N.V
"Chúng mình yêu nhau được 1 năm thì gia đình hai bên cho cưới vào năm 2012, lúc đó mình 15 tuổi. Bây giờ mình thấy hối hận lắm. Mình làm điều mà pháp luật không cho phép. Người ta biết mình và chồng cận huyết thống mà lấy nhau, ngại lắm. Mình không gọi ba mẹ chồng mà chỉ gọi là cô, dượng thôi...”. Hồ Thị Tr (thôn A La, |
Những chuyện tình cận huyết thống như thế, kéo theo biết bao chuyện buồn, hệ lụy. Đơn cử: Giấy khai sinh có tên cha và mẹ không chỉ là quyền lợi của mỗi đứa trẻ khi được sinh ra, mà còn gắn liền trách nhiệm của đấng sinh thành. Thế nhưng, giấy khai sinh của đứa trẻ Hồ Thị B.O (sinh năm 2006, ở thôn Pa Hy, xã Tà Long, Đakrông) lại thiếu đi tên cha, mặc dù em có cả cha lẫn mẹ.
Mẹ của O là Hồ Thị H (15 tuổi), còn cha em (24 tuổi) nên việc kết hôn là vi phạm pháp luật. Vì vậy, gia đình đã làm giấy khai sinh cho O mà không thể có tên cha; đồng thời không thể nhập hộ khẩu về bên nội. Người ta gọi B.O là con ngoài giá thú.
Người Pa Kô – Vân Kiều xưa nay coi lứa tuổi 14 – 15 hiển nhiên được phép đi “sim”, tìm hiểu và yêu nhau. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc học của con em nơi này, dù nhà nước và các nhà hảo tâm đã có nhiều hỗ trợ. Một cán bộ của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị đã thốt lên rằng, trường học nội trú cũng là “cái nôi” nảy sinh tình trạng tảo hôn.
Khi các em học sinh tham gia học tập ở các trường nội trú, sống xa gia đình, nhiều em phát sinh tình cảm hoặc lỡ có thai phải bỏ học để cưới sớm. Cũng có không ít học sinh từ trường học nội trú tự tìm hiểu, yêu đương lẫn nhau sau đó bỏ học, lập gia đình.
Lường trước điều đó, giáo viên các trường học nội trú ra sức khuyên răn học sinh nhưng kết quả không như mong muốn, nhiều khi còn bị vạ lây.
Một giáo viên ở Trường THCS Pa Nang (xã Pa Nang, Đakrông) vẫn còn bàng hoàng khi nhớ lại thời điểm cuối tháng 12.2013. Lúc đó, vì ngăn cản không cho các thanh niên địa phương vào phòng nội trú của các em học sinh nữ đang theo học tại trường để “sim”, nên các giáo viên ở trường này đã bị đám trai làng tấn công bằng gạch đá, gậy gộc. Phải nhờ đến sự can thiệp của lực lượng công an, sự việc mới được vãn hồi.
Một số giáo viên còn cho biết, sau khi ngăn cản tụi nhỏ đi “sim” thì bị trai làng trả thù bằng những thứ xú uế, bẩn thỉu… ném vào nơi ở.
Tình yêu học trò với sự “xâm thực” của lối sống hiện đại đến với học sinh miền núi khi các em chưa được trang bị kiến thức về giới tính đã để lại những nỗi buồn và hậu quả đáng tiếc. Ấy vậy nên ở nhiều trường học, đặc biệt với khối THPT, rất ít khi tổ chức hội trại hay các hoạt động tập thể dài ngày. Bởi sau mỗi lần hội trại y như rằng sẽ có vài học sinh bỏ học, lập gia đình. Hay sau dịp nghỉ hè, lễ tết dài ngày, số lượng học sinh sẽ giảm, không chỉ vì các em ham làm, ham chơi mà còn vì đi “sim” và... dính bầu!
>>> XEM THÊM: Gặp cụ già 80 tuổi nhổ đinh kiếm sống gây xôn xao cộng đồng mạng