Dân Việt

Những kỳ đại hội nổi bật của đảng Cộng sản Trung Quốc

Trí Dũng 13/10/2017 14:30 GMT+7
Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc là sự kiện chính trị quan trọng có ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình phát triển của quốc gia này.

img

Ngôi nhà nơi diễn ra đại hội đầu tiên của đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Đại hội lần thứ 19 đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) sẽ khai mạc vào ngày 18/10 ở thủ đô Bắc Kinh dưới sự chủ trì của Chủ tịch, Tổng bí thư Tập Cận Bình. Những lần đại hội được tổ chức năm năm một lần này là sự kiện chính trị quan trọng nhất ở Trung Quốc, trong đó có những đại hội mang ý nghĩa rất lớn góp phần thay đổi diện mạo đất nước Trung Quốc hiện đại, theo Reuters.

Đại hội lần thứ nhất

Đại hội đầu tiên của đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra từ ngày 23/7 đến 31/7/1921 tại địa điểm bí mật ở Thượng Hải và sau đó là trên một con thuyền ở Nam Hồ, quận Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang. 12 đại biểu, trong đó có Mao Trạch Đông, thay mặt cho hơn 50 đảng viên tham dự đại hội nhằm thảo luận về việc thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc và thông qua cương lĩnh, điều lệ đảng.

Sự kiện này đánh dấu sự ra đời của đảng Cộng sản Trung Quốc, tuy nhiên do một số thông tin nhầm lẫn rằng đại hội đầu tiên diễn ra từ ngày 1/7 đến 5/7/1921, nên ngày 1/7/1921 được lấy làm ngày thành lập đảng. Sau này thời điểm diễn ra đại hội được xác minh lại, nhưng ngày 1/7 vẫn được coi là ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đại hội đã bầu ba người là Trần Độc Tú, Trương Quốc Đào và Lý Đạt vào Trung ương Cục, trong đó Trần Độc Tú làm Bí thư Trung ương.

Đại hội lần thứ bảy

Đại hội lần thứ 7 của CPC diễn ra từ 23/4 đến 11/6/1945, vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Nhật. 544 đại biểu chính thức và 208 đại biểu dự khuyết thay mặt cho 1,21 triệu đảng viên tham gia đại hội ở Diên An, ngôi làng nhỏ ở tỉnh Thiểm Tây miền bắc Trung Quốc.

Đại hội thông qua điều lệ mới của CPC, trong đó nhấn mạnh "đảng lấy Tư tưởng Mao Trạch Đông tích hợp chủ nghĩa Marx-Lenin" làm kim chỉ nam cho mọi hành động, đánh dấu việc Mao Trạch Đông trở thành lãnh đạo cao nhất của CPC.

Hành động này được cho là giúp CPC đạt được mức độ đoàn kết, thống nhất chưa từng có, tạo nền tảng để giành thắng lợi cuối cùng trước phát xít Nhật cũng như xây dựng một Trung Quốc dân chủ mới.

Đại hội bầu ra Ủy ban Trung ương mới gồm 44 ủy viên chính thức và 33 ủy viên dự khuyết. Mao Trạch Đông được bầu làm chủ tịch Ủy ban Trung ương.

Đại hội lần thứ chín

img

Chân dung Mao Trạch Đông tại quảng trường Thiên An Môn. Ảnh: Reuters.

Đại hội lần thứ chín của CPC được tổ chức vào tháng 4/1969 ở Bắc Kinh, giữa thời điểm cao trào của cuộc Cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Đông khởi xướng từ năm 1966 đã gây ra không ít tổn thất cho đảng. Hàng loạt đảng bộ cấp tỉnh và chi bộ cấp cơ sở bị xóa sổ và phần lớn đảng viên chưa quay lại sinh hoạt đảng bình thường.

Tại đại hội này, Mao Trạch Đông lựa chọn nguyên soái Lâm Bưu là người kế nhiệm của mình, tiếp tục khẳng định lý thuyết và cách thức thực hiện cách mạng văn hóa, đồng thời sa thải hơn 80% ủy viên Ủy ban Trung ương đảng.

Đại hội bầu Mao Trạch Đông là chủ tịch Ủy ban Trung ương, Lâm Bưu là phó chủ tịch. Hai năm sau, Lâm Bưu thiệt mạng trong một tai nạn máy bay.

Đại hội lần thứ 12

Đại hội lần thứ 12 diễn ra vào tháng 9/1982 ở Bắc Kinh, nhằm mục đích tổng kết những thắng lợi lịch sử từ sau đại hội đảng lần thứ 11 và loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực do thời kỳ hỗn loạn trong Cách mạng Văn hóa để lại.

Trong bài phát biểu khai mạc, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đề xuất khái niệm "chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc", thúc đẩy quá trình cải cách kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường.

Đại hội xác định một trong những nhiệm vụ của CPC trong "thời kỳ lịch sử mới" là tăng gấp bốn lần giá trị sản xuất công nghiệp và nông nghiệp từ 710 tỷ nhân dân tệ năm 1980 lên khoảng 2.800 tỷ nhân dân tệ vào năm 2000 để người dân có mức sống cao hơn.

Đại hội bầu Ủy ban Trung ương mới gồm 210 ủy viên chính thức và 138 ủy viên dự khuyến, Ủy ban Cố vấn Trung ương gồm 172 thành viên và Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương gồm 132 thành viên. Hồ Diệu Bang được bầu làm tổng bí thư, còn Đặng Tiểu Bình giữ chức chủ tịch Quân ủy Trung ương và chủ tịch Ủy ban Cố vấn Trung ương.

img

Đặng Tiểu Bình (phải) và Hồ Diệu Bang tại đại hội đảng năm 1978. Ảnh: SCMP.

Đại hội lần thứ 16

Diễn ra vào tháng 11/2002 ở Bắc Kinh, đại hội lần thứ 16 là lần đầu tiên đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức cho phép kết nạp các doanh nhân trong lĩnh vực tư nhân làm thành viên. Đại hội cũng đưa học thuyết "Ba đại diện" của Giang Trạch Dân vào Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Học thuyết "Ba đại diện" khẳng định Đảng cộng sản Trung Quốc đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, đại diện nền văn hóa tiên tiến và đại diện lợi ích của đông đảo nhân dân Trung Quốc. Học thuyết này cho thấy CPC coi trí thức và doanh nhân là lực lượng sản xuất tiên tiến, kinh tế tư nhân đóng vai chủ đạo và nền kinh tế được chi phối bởi cơ chế thị trường.

Trong đại hội này, ông Hồ Cẩm Đào được bầu làm tổng bí thư. Tuy nhiên, vị trí chủ tịch Quân ủy Trung ương vẫn do ông Giang Trạch Dân nắm giữ cho đến năm 2005 mới bàn giao lại cho ông Hồ Cẩm Đào.

Ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường được bầu thẳng vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm 9 thành viên vào đại hội lần thứ 17 năm 2007 dù chưa phải là ủy viên Bộ Chính trị vào thời điểm đó. Điều này biến hai ông trở thành những ngôi sao sáng của thế hệ lãnh đạo thứ năm, để sau này trở thành Chủ tịch và Thủ tướng Trung Quốc.