Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, 13 tuổi, Nguyễn Tuấn Hải (tức Hải “bánh”) đã nếm mùi tù tội về tội trộm cắp và đánh lộn. 6 tiền án, 3 tiền sự và 13 "mùa xuân" ăn Tết trong tù đã đưa Hải "bánh" vào loại "tiền án nhiều hơn tiền mặt" và "ở tù nhiều hơn ở nhà".
Cũng vì thế mà ròng rã 5 tháng 24 ngày ở nhà tạm giữ Công an quận 1, qua Chí Hòa và Trại giam T.16B, hắn không hề hé răng. Tình thế này cũng đặt ra một vấn đề rất khó cho Ban chuyên án là nếu không cạy miệng được Hải "bánh" thì vụ án giết Dung Hà cũng như việc triệt phá đường dây tội ác của Năm Cam và đồng bọn gặp rất nhiều khó khăn.
Sau khi thống nhất với Công an TP.HCM, ngày 23.11.2001, Hải "bánh" được Ban chuyên án quyết định di lý về Trại tạm giam Công an tỉnh Tiền Giang để tiếp tục đấu tranh khai thác. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, lúc đó là Thiếu tá, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, và điều tra viên Nguyễn Tuyến Dũng được phân công trực tiếp xét hỏi Hải "bánh".
Đối với cán bộ điều tra, án truy xét đã là án khó, hơn nữa với Hải "bánh", 5 tháng 24 ngày giam giữ, các đồng nghiệp của anh cũng đã làm hết cách, nhưng hắn vẫn ngoan cố không chịu khai báo.
Thiếu tá Nguyễn Văn Nên quyết định đẩy mạnh khâu cảm hóa giáo dục, đồng thời đột phá vào những mâu thuẫn của Hải "bánh" trong vụ giết Dung Hà.
Bà trùm Dung Hà (trái) và Hải "Bánh" trong một chuyến du hí Hải Phòng năm 1999 - Ảnh: Tri thức trực tuyến
Hơn nữa, từ khi về Trại Tiền Giang, Hải "bánh" chỉ có một bộ quần áo, không hề có đồ dùng cá nhân, trong buồng giam lại không có ai giúp đỡ nên Hải tỏ ra đơn độc. Qua nghiên cứu lai lịch, Thiếu tá Nên cùng cộng sự phát hiện Hải "bánh" là người rất thương con. Được sự đồng ý của lãnh đạo, ngay buổi sáng thứ 3 (kể từ khi Hải "bánh" chuyển về Trại tạm giam Tiền Giang), Thiếu tá Nên đã mang cho Hải 2 bộ quần áo, chăn màn, kem, bàn chải đánh răng và cho tiền mua thức ăn thêm. Khi thấy người cán bộ tặng quà cho mình, Hải "bánh" vội quỳ xuống đón nhận, hai tay run run và mắt ngấn lệ. Hải "bánh" cảm động thực sự trước sự đối xử nhân đạo, đầy tình người của cán bộ điều tra.
Suốt buổi sáng thứ 3, Thiếu tá Nên quyết định không hỏi về án từ, anh chỉ nói chuyện gia đình, hỏi thăm con cái, động viên Hải "bánh". Sau đó, Thiếu tá Nên đều cho anh em mua bánh mì và nước suối về phòng hỏi cung để cùng ăn trưa với Hải "bánh", cán bộ và bị can cùng một khẩu phần, không phân biệt.
Sau mấy ngày đêm căng thẳng tìm cách đấu trí, đấu lý với Hải "bánh", anh em điều tra ăn không ngon, ngủ không được, thần kinh lúc nào cũng căng như dây đàn. Chùn bước lúc này nghĩa là đầu hàng, Thiếu tá Nên và điều tra viên Dũng động viên nhau và tỏ ra quyết tâm hơn.
Thiếu tá Nên quyết định vừa cảm hóa, thuyết phục, vừa bằng những chứng cứ thu thập được để "ra đòn" quyết định, làm cho Hải "bánh" hiểu rằng hành vi tổ chức giết Dung Hà của hắn, nếu không thật thà khai báo sẽ không còn cơ hội lập công chuộc tội và đường sống của hắn kể như khép lại.
Cũng từ đây, Hải “bánh” không còn cứng đầu cứng cổ nữa, dường như gã hiểu, đã đến lúc nói ra toàn bộ sự thật. Hải “bánh” nghĩ rằng, tội lỗi của mình cũng quá nhiều, pháp luật trừng trị là thích đáng. Nhưng kẻ chủ mưu là ông trùm Năm Cam không thể “sống tốt” khi đẩy Hải “bánh” vào bước đường cùng.
Khi đã đặt niềm tin tuyệt đối vào các cán bộ điều tra, Hải “bánh” khai hết quá trình ra tay với bà trùm Dung Hà cùng những hoạt động đen tối của ông trùm Năm Cam với cơ quan điều tra.
Được biết, ngay sau khi có được những nguồn tin và chứng cớ quan trọng thì Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp cùng nhiều lực lượng chuyên trách khác tiến hành ra quân đồng loạt để thi hành lệnh bắt đối với Năm Cam và đồng bọn.
Những lời khai của Hải “bánh” đã mở ra tất cả các cánh cửa bí mật của “tập đoàn tội phạm Năm Cam”. Từ đây, hàng trăm tên tội phạm khét tiếng chính thức vào tầm ngắm của cảnh sát… Năm Cam cũng không ngờ "ngày tàn" của mình lại đến nhanh như vậy, và ổ khóa bí mật mà hắn tạo dựng bấy lâu là Hải "bánh" đã bị mở toang...
Cuộc gặp cuối cùng tại pháp trường
Sau phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Năm Cam và đồng bọn, Hải “bánh” xin thi hành bản án ngay nhưng do Năm Cam kháng án nên vẫn phải làm nhân chứng cho phiên tòa phúc thẩm vào 3 tháng sau đó. Dù có ngụy biện cho lỗi lầm và tội ác của mình như thế nào nhưng Năm Cam vẫn không thể thoát án tử hình.
Hải vẫn bị tòa giữ nguyên án chung thân, rồi di lý về Trại giam Tiền Giang để đợi ngày thụ án.
Trước ngày thi hành án tử hình với Năm Cam, Hải có đề đạt nguyện vọng xin được đưa tiễn hắn ra trường bắn. Thật không ngờ vì chính Năm Cam cũng có nguyện vọng xin được gặp Hải lần cuối.
Rạng sáng 3.6.2004, Năm Cam và đồng bọn được trích xuất làm thủ tục ra pháp trường. Năm Cam được thay bộ quần áo tù mới sau khi đã tắm rửa sạch sẽ. Sau đó thực hiện các thủ tục nhận dạng, lăn tay, ký vào bản giao quyết định thi hành án.
Các thủ tục xong xuôi, Hải được các cán bộ thi hành án đưa lên chiếc xe chuyên dụng, có thùng bịt kín mít cùng với Năm Cam và mấy tử tù khác. Ngồi trên xe Hải định nói gì đó nhưng cổ họng cứ nghẹn lại. Còn Năm Cam bất ngờ ôm lấy Hải nói với vẻ đầy hối hận: “Anh sai rồi! Chú tha lỗi cho anh!”. Từ đó, Hải và Năm Cam đều im lặng, không ai nói câu nào nữa.
Đoàn xe đặc chủng áp tải tử tội lao vun vút trên đường. Hải chẳng thấy gì bên ngoài, chỉ nghe rõ tiếng còi hú vang của chiếc xe cảnh sát đi mở đường phía trước. Cả đoàn xe hướng thẳng về trường bắn Long Bình (quận 9).
Một hồi lâu ngồi trên xe, cảm nhận từng khúc cua khi vai va vào thành xe thì cuối cùng cũng đến nơi hành quyết. Năm Cam cùng 4 đàn em lầm lũi bước xuống xe tù đặc chủng. Tất cả được áp tải về phía những chiếc cột cao quá đầu người, xung quanh có đám cỏ lùm xùm. Họ được buộc chặt tay và chân vào cột.
Tiếng đạn khô khốc phá tan sự im lặng của khu vực trường bắn và những người có mặt ở đó. Lúc này, Hải sờn hết gai ốc, tóc dựng ngược lên vì sợ. Ngẫm lại thì suốt 20 năm hành tẩu trên giang hồ thì đây là lần đầu tiên Hải biết sợ. Nỗi sợ làm chân Hải run rẩy, mắt Hải như mờ đi khi Năm Cam cùng 4 tử tội khác gục xuống sau làn mưa đạn.