Dân Việt

Hà Tĩnh: Nơm nớp lo sợ khi qua con suối "nuốt mạng người"

Quỳnh Nga 02/12/2017 13:01 GMT+7
Chỉ cần một cơn mưa rào ở đầu nguồn là bản Phú Lâm bị cô lập hoàn toàn với trung tâm thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. 5 người đã bỏ mạng khi qua suối khi có nước lớn.

Nằm tách biệt với bên ngoài, bản Phú Lâm (xã Phú Gia, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) chỉ có những ngôi nhà gỗ đơn sơ, nhỏ bé nằm nép mình bên dòng sông Rào Rải. Đặc biệt, bản Phú Lâm nằm ở vị trí hợp lưu của 3 con suối đổ về sông Rào Rải nên chỉ cần một trận mưa đầu nguồn là cả bản bị cô lập hoàn toàn.

Những ngày đầu đông, giữa cái rét như "cắt da cắt thịt", chúng tôi tìm về thôn Phú Lâm. Từ thị trấn Hương Khê, vượt chừng 30 cây số, qua dăm bảy ngọn núi không rõ tên, chúng tôi mới đặt chân đến Phú Lâm. Dưới chân ngọn thác Vũ Môn, sát biên giới Việt - Lào, bản Phú Lâm dường như tách biệt với thế giới bên ngoài bởi địa hình đồi núi hiểm trở. 

 Bản Phú Lâm “giữ chân” các hộ thuộc dân tộc Lào sinh sống, cả bản có 28 hộ thì hơn 50% là hộ nghèo. Trong bản không có chợ, không có trạm y tế, không có trường học, chỉ có vài ba ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp nghiêm trọng. Đoạn đường từ bản đến điểm trường của xã tại thôn Phú Lâm chỉ cách khoảng 1 km nhưng đường sông cách trở nên việc học chữ đối với con em trong bản là điều khó khăn.

img

Đoạn đường từ bản đến điểm trường của xã tại thôn Phú Lâm chỉ cách khoảng 1 km nhưng đường sông cách trở nên việc học cái chữ đối với con em trong bản là điều khó khăn.

img

 Để tạo thuận tiện cho con em đi học, người dân đã phải làm tạm cây cầu được lát bằng vài tấm gỗ.

img

Tuy nhiên, mỗi khi mưa lớn, nước dâng nhanh và chảy xiết nên những cây cầu tạm bằng gỗ hễ cứ lũ lớn là lại trôi theo dòng nước.

img

Học sinh trong bản khi đến trường đều phải qua cây cầu tạm trên suối được lát bằng ít tấm gỗ thưa thớt rất nguy hiểm.

img

Lòng suối sâu, đá lởm chởm

img

Xe máy của bà Nguyễn Thị Huệ bị chết máy giữa chừng khi chưa kịp qua suối.

img

Trao đổi với phóng viên báo Dân Việt, ông Nguyễn Văn Nhân – Chủ tịch UBND xã Phú Gia cho biết: “Bản Phú Lâm có 28 hộ dân sinh sống. Mặc dù người dân đã làm cây cầu gỗ tạm bợ nhưng tai nạn vẫn luôn rình rập ở cây cầu thiếu an toàn này. Chỉ trong vòng 3 năm, tại ngầm Cây Trồ có 5 người chết. Tuy nhiên, dựa vào thực tế ngân sách địa phương thì kinh phí để xây dựng cầu là quá lớn”.