Sau một năm gián đoạn, năm nay việc xét tặng Giải thưởng Văn học được Hội Nhà văn Hà Nội được thực hiện cho cả hai năm 2016 và 2017. Ngoài các giải thưởng được trao như mọi năm, đặc biệt lần này, để ghi nhận và cổ vũ các tác giả bước đầu đến với văn học đã để lại ấn tượng tốt, Ban chấp hành Hội nhà văn Hà Nội đã quyết định trao Tặng thưởng cho Tác phẩm đầu tay xuất sắc. Và cuốn “Hồi ức lính” đã mang lại Tặng thưởng này cho tác giả Vũ Công Chiến - một cựu chiến binh chiến tranh chống Mỹ.
Tác giả Tô Hải Vân (thứ 3 từ trái sang) và tác giả Vũ Công Chiến (thứ 4 từ trái sang) nhận hoa chúc mừng. Ảnh: Cử Tạ
Phát biểu tại Lễ trao giải thưởng diễn ra trang trọng sáng nay (10.12) tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, nhà thơ Trần Quang Quý - Trưởng ban Sáng tác, Hội Nhà văn Hà Nội – một trong 8 thành viên của Hội đồng chung khảo xét giải đánh giá: “Có lẽ khoảng thời gian lùi sau chiến tranh quá xa là thời điểm để những người lính đã trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước viết đầy đủ hơn, bình tĩnh hơn, nhìn một cách thấu đáo về cuộc sống và chiến đấu mà họ đã trải qua. “Hồi ức Lính” là một cuốn sách như thế. Dù cuốn sách rất dày - hơn 700 trang, khổ lớn, co chữ nhỏ nhưng đọc rất lôi cuốn, hấp dẫn vì những trang viết giản dị, trung thực và ngồn ngộn tư liệu, chi tiết đời sống lạ lùng của những người lính chiến. Ở đây không thiếu những trang viết hóm hỉnh mà rất lính”…
Trước đó, hồi đầu năm 2016, cái tên Vũ Công Chiến bỗng trở thành một hiện tượng xuất bản khi cuốn “Hồi ức Lính” của ông đã nhận được sự chào đón nhiệt tình của đông đảo bạn đọc và sự trân quý, ghi nhận của chính giới văn chương dành cho một cây viết chưa hề có tên tuổi. Ngay nhà văn Bảo Ninh – tác giả tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” được coi như một tượng đài viết về chiến tranh thậm chí còn bày tỏ rằng ông không biết bình luận thế nào về tác phẩm này cho thật thỏa lòng mình hay chọn những từ ngữ nào để nói về một tác phẩm văn học đích thực văn chương và đích thực là viết về chiến tranh và người lính bộ binh hay như “Hồi ức Lính”.
Tác giả Vũ Công Chiến (sinh năm 1953) vốn là một kỹ sư điện tử của Đại học Bách Khoa Hà Nội, một cán bộ Viện Khoa học Việt Nam, Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa, Bộ Công Thương. Ông nhập ngũ vào năm 1971, là bộ đội Trường Sơn, chiến trường Nam Lào, mặt trận B3 Tây Nguyên, Đắk Lắk. 6 năm trong cuộc đời quân ngũ, chỉ là một lát cắt trong cuộc sống của Vũ Công Chiến nhưng đó là phần đời dữ dội, có sức ám ảnh rất lớn. Từ cuối năm 2013, ông bắt đầu chia sẻ về cuộc sống ở chiến trường trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ trên trang Facebook cá nhân bằng con mắt nhìn của một người lính bình thường kể lại những điều đã thấy, đã nghe, đã làm, cùng những suy nghĩ và cảm nhận khi đó. Thật bất ngờ khi những mẩu ghi chép của Vũ Công Chiến ngay từ lúc vừa xuất hiện đã được bạn đọc khắp mọi miền đất nước và bạn đọc ở nước ngoài yêu thích ủng hộ, trong đó có không ít những bạn trẻ chưa từng trải qua chiến tranh. Chính sự khích lệ từ bạn đọc, sự động viên từ đồng đội là động lực để một người lính vốn “tay ngang” trong lĩnh vực viết lách có thể hoàn thành đến những trang viết cuối cùng.
Và một cái duyên, cũng là sự may mắn cho tác giả và bạn đọc khi những ghi chép đó lại đến tay PGS.TS Lưu Khánh Thơ (Viện Văn học) khi bà được anh trai và chị dâu mình (vốn là đồng đội và bạn học của tác giả Vũ Công Chiến) nhiệt tình “tiếp thị” về những ghi chép này. Để rồi bà lại giới thiệu chúng với một “bà đỡ giàu kinh nghiệm” là NXB Trẻ. Trong bối cảnh thực tế hiện nay những cuốn sách to dầy thường kén bạn đọc và khó bán, biên tập viên Hoàng Anh của nhà xuất bản vẫn đưa ra một quyết định khá táo bạo khi để in cả một cuốn sách dày hơn 700 trang khổ lớn với cỡ chữ nhỏ, chỉ với lý do rất đơn giản: “Vì cắt chỗ nào cũng thấy tiếc!”.
Tác giả Vũ Công Chiến và "đứa con tinh thần" đầu tay
Tặng thưởng lần này cho “Hồi ức Lính” là một sự khích lệ đầy ý nghĩa đối với những người lính cầm bút, đặc biệt lại là những người viết không chuyên. Về phía tác giả Vũ Công Chiến, mặc dù rất cảm động khi nhận được tặng thưởng này, tuy nhiên khi được hỏi sau thành công của cuốn sách đầu tay này liệu có tiếp tục cho ra mắt những tác phẩm khác… tác giả “Hồi ức Lính” bày tỏ rằng ông chỉ có một cuộc đời, một hồi ức nên có lẽ chỉ viết một cuốn sách này mà thôi.
Cùng với Tặng thưởng cho “Hồi ức Lính”, Giải thưởng năm nay của Hội Nhà văn Hà Nội cho thấy NXB Trẻ khá “mát tay” khi hạng mục Giải thưởng về văn xuôi cũng được trao cho cuốn tiểu thuyết “6 ngày” của nhà văn Tô Hải Vân do đơn vị này làm “bà đỡ”. Bên cạnh đó, hạng mục Lý luận phê bình tôn vinh “Trang sách, mạch đời” (NXB Văn học) của nhà văn Phạm Khải. Hạng mục văn học dịch trao giải thưởng cho tác phẩm dịch “Búp bê” (NXB Phụ nữ) do dịch giả Nguyễn Chí Thuật chuyển ngữ từ tiểu thuyết của tác giả người Ba Lan Boleslaw Prus. Năm nay giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội không trao giải cho hạng mục Thơ do Hội đồng chung khảo chưa tìm thấy tập thơ nào vượt trội so với mặt bằng và chính tác giả đó ở những tập thơ trước để trao giải. |