Dân Việt

Bi kịch khi mời thầy mo về cúng trị bệnh cho "người điên"

Dương Hưng 17/12/2017 16:44 GMT+7
Bị trúng một viên đạn súng kíp khi đi rừng, giờ đây mỗi khi phát bệnh anh T lại đập phá nhà cửa, đánh đập người thân. Cực chẳng đã, gia đình phải nhốt T vào buồng.

Phát bệnh, cởi quần áo chạy khắp xóm

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi có mặt tại gia đình bà Ma Thị M, ở xóm Bản Chấu, xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Lúc này, trong nhà chỉ còn mỗi anh Nguyễn Văn T. (sinh năm 1981) bị bệnh tâm thần ngồi một mình bên bếp lửa (ảnh), bà M (mẹ đẻ anh) và cậu em trai đã đi làm để kiếm tiền sinh hoạt hàng ngày.

img

Anh Nguyễn Văn T ngồi thẫn thờ bên bếp, tâm trí không được tỉnh táo. Ảnh Dương Hưng. 

Trời mùa đông, căn nhà sàn của gia đình anh T. được dựng từ lâu nay đã xuống cấp, xập xệ, các tấm ván gỗ bưng tường nhà cái còn, cái mất khiến gió lùa vào lạnh buốt. Chúng tôi phải đợi cả giờ mới gặp được bà M đi làm về, bà chia sẻ: "Vợ chồng tôi có 3 người con, anh T là con cả. Năm 16 tuổi, trong 1 lần đi vào rừng bắn chim, anh T bị ngã khi đang mang súng kíp nên bị viên đạn bắn trúng cằm. Được cứu chữa kịp thời nên T giữ được mạng sống, nhưng từ đó, tâm lý có biểu hiện không bình thường".

Gia đình có đưa đi điều trị một thời gian, nhưng do điều kiện khó khăn, không có tiền viện phí nên đành phải đưa T về nhà. Mỗi khi phát bệnh, anh đập phá nhà cửa, đánh đập người thân, quấy phá láng giềng nên nhiều lúc gia đình phải nhốt trong buồng. Thời gian này, thời tiết lạnh nên đành phải kê tạm chỗ ngủ cho anh T gần bếp để giữ ấm...

Tuy anh T được nhận chế độ trợ cấp đối với người khuyết tật, với số tiền hơn 400 nghìn đồng/tháng, nhưng lại chưa được cấp phát thuốc điều trị bệnh tâm thần thường xuyên nên bệnh tình không khỏi. Hiện tại, gia đình anh T thuộc diện nghèo nhất của xóm Bản Chấu nên việc chăm sóc gặp nhiều khó khăn. Không có điều kiện để điều trị bệnh, anh T trở thành gánh nặng của gia đình và nỗi lo của xóm làng mỗi khi phát bệnh.

img

Ngôi nhà cũ nơi anh T và gia đình đang sinh sống tại xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh Dương Hưng. 

Cạnh đó, chị Ma Thị V (sinh năm 1979), xóm Bản Chấu, xã Sảng Mộc cũng bị bệnh tâm thần. Được biết, chị V sau khi lấy chồng, sinh con thì tâm lý thay đổi hẳn, những lúc bệnh tái phát, chị lại cởi quần áo, chạy khắp xóm. Hiện tại, chị và cậu con trai phải chuyển về ở nhờ nhà bố đẻ và anh trai. Nhờ được cấp thuốc điều trị nên chị V tỉnh táo hơn anh T, những lúc tỉnh táo, chị phải đi làm thuê để kiếm tiền nuôi con.

Ông Trịnh Đức Kim, Trưởng xóm Bản Chấu cho biết: Trong xóm có 3 người bị mắc chứng bệnh tâm thần, trong đó chỉ có 2 người nhận được tiền hỗ trợ hàng tháng, có thuốc điều trị thường xuyên, còn một người chưa nhận được hỗ trợ của Nhà nước vẫn còn có thể lao động. Đa số bà con trong xóm cũng gặp nhiều khó khăn nên không giúp được gì nhiều cho các gia đình có người bị mắc bệnh tâm thần.

Phát bệnh, mời thầy mo về cúng

Đây chỉ một vài trong tổng số 301 trường hợp người mắc bệnh tâm thần hiện có trên địa bàn huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, phần lớn họ đều nhận được các chính sách trợ cấp của Nhà nước, được cấp thuốc uống điều trị tại nhà. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế và nhận thức của các gia đình có người bệnh còn nhiều hạn chế nên việc chăm sóc, điều trị, giúp người bệnh hòa nhập cộng đồng gặp không ít khó khăn.

Ông Dương Hoàng Lam, cán bộ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Võ Nhai cho biết: Trên địa bàn huyện có 1.302 người khuyết tật, trong đó có 301 người bị mắc các chứng bệnh về thần kinh được hỗ trợ theo chính sách đối với người khuyết tật.

Những người này đều giảm hoặc không có khả năng lao động, thêm vào đó là phần lớn các gia đình có người mắc bệnh về thần kinh đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo nên việc chăm sóc và điều trị rất khó khăn, có không ít gia đình đã cho người bệnh đi điều trị, nhưng do không có điều kiện kinh tế nên lại phải đưa về nhà để tự chăm sóc.

Ông Dương Văn Bẩy - Phó Giám đốc Trung tâm Y Tế huyện Võ Nhai cho hay: "Nhiều trường hợp khi thấy người thân có biểu hiện không bình thường về thần kinh hay tìm đến thầy mo để cúng, khi không khỏi mới đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Việc này là nguyên nhân làm cho quá trình điều trị không kịp thời, càng để lâu thì việc điều trị càng khó".

Đối với người bị mắc chứng bệnh tâm thần, ngoài việc có phác đồ điều trị thuốc còn cần có phương pháp trị liệu tâm lý và chế độ lao động thích hợp thì người bệnh mới có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn huyện vẫn chưa có mô hình công tác xã hội để chăm sóc sức khỏe người tâm thần.

Qua thực tế điều trị cho thấy, người mắc bệnh tâm thần có nhiều khả năng phục hồi để tái hòa nhập cộng đồng nếu có sự chăm sóc và điều trị tốt. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế của người dân vùng cao Võ Nhai còn nhiều khó khăn, một số hủ tục lạc hậu vẫn còn, vì vậy công tác chăm sóc, điều trị cho người bệnh tâm thần ở đây còn nhiều hạn chế.

Ngoài sự chung tay chăm sóc, chia sẻ của xã hội, rất cần chính quyền địa phương và đơn vị chức năng quan tâm, có các biện pháp cụ thể trong việc chỉ đạo và thực hiện, để công tác chăm sóc, điều trị cho người bệnh tâm thần được thực hiện ngày một tốt hơn.