Dân Việt

Ấm nồng hương vị món “cáy mọ” ngày Đông, ít người biết đến

Quốc Định 04/01/2018 11:28 GMT+7
Món “cáy mọ” (hay còn gọi là món “gà mọ”) được chế biến rất cầu kỳ, phức tạp tạo nên hương vị ngon lạ thường níu lòng lữ khách.

Trong tiết trời se lạnh ngày Đông, chúng tôi đến bản Phiêng Ngùa (xã Chiềng Xôm, TP Sơn La, Sơn La) - nơi có phần lớn người dân tộc Thái sinh sống. Bà con nơi đây chế biến những món ăn mang hương vị ẩm thực đặc trưng người Thái, trong đó phải kể đến “cáy mọ” - món ăn làm mê hoặc nhiều lữ khách.

img

Chị Khốn đang hấp những gói gà mọ  trong nồi bốc khói nghi ngút

Qua đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Thái món “cáy mọ” trở nên thơm ngon lạ thường mà ít người biết đến. Cách chế biến của món ăn rất cầu kỳ, phức tạp, sự tổng hợp của nhiều loại gia vị đã tạo nên hương vị riêng của món ăn.

Đang hí hoáy bỏ túm “cáy mọ” vào nồi hấp, chị Tòng Thị Khốn, dừng tay kể: "Nghe người già của bản nói rằng, món cáy mọ có từ khi người Thái biết đoàn kết sống tập trung thành bản, mường. Vào dịp ngày tết, cưới hỏi hay khách đến nhà thì chủ nhà ra vườn đuổi bắt gà về thịt, làm món mọ đãi khách".

img

Mọ gà khi được gói trong lá chuối hoặc lá dong đem vào nồi hấp sẽ tạo ra hương vị thơm ngon đăc trưng của món ăn

Chị Khốn kể rằng, gọi tên là món “gà mọ” bởi cái tên nói lên tính cầu kỳ, tỉ mỉ trong cách chế biến, tổng hợp của nhiều loại gia vị. Đầu tiên là khâu chọn gà, phải là những con gà to vừa phải, không quá già hoặc quá nhỏ, thường từ 1,5 kg đến 2 kg.

Sau khi gà được làm sạch, chặt thành từng khúc nhỏ đem ướp mắm, muối, mì chính, hạt tiêu, tỏi, ớt, mắc khén, hành… Chị Khốn bảo: Gia vị cho món cáy mọ này quan trọng lắm, nó quyết định độ thơm ngon của món ăn.

Đặc biệt trong món cáy mọ không thể thiếu được đó chính là bột gạo nếp giã bằng chày. Gạo nếp phải ngâm trong nước khoảng 30 phút rồi mới đem giã nhỏ, không được dùng máy nghiền vì như thế sẽ làm mất hương vị của gạo, làm nhão món ăn.

Hoa chuối rừng cũng là thứ gia vị quan trọng không kém, được thái lát mỏng, ngâm nước muối cho tan nhựa, sau đó cho vào cối giã nhưng không được làm quá nát, vừa độ mềm. Sau đó đem tất cả trộn đều với nhau, cho gia vị ngấm đều. Rồi dùng lá dong hoặc lá chuối gói lại thành những gói nhỏ, cho lên hong, nồi hấp hoặc chõ đồ xôi hấp chín… hấp trong thời gian khoảng 1 giờ đồng hồ. Cho lửa cháy đều để giữ nhiệt độ trong nồi hấp ổn định, thịt gà và các loại gia vị gói trong lá sẽ chín nhừ.

img

Thịt gà và các gia vị khi được hấp trong nồi sẽ chín nhừ mà ăn vẫn giữ nguyên được vị ngọt của thịt gà, hòa quyện với hương thơm của bột gạo, hoa chuối, mắc khén...

Chị Khốn cho biết rằng, món ăn này thường chỉ được nấu vào những dịp lễ, tết, cưới xin hay khách đến nhà, Nhưng ngày nay đời sống khá hơn, món “cáy mọ” ở bản Phiêng Ngùa được bà con chế biến thường xuyên để phục vụ thực khách qua đường hoặc đến thăm quan.

Thấy khách tò mò, chị Khốn tặc lưỡi, nhấc một gói “cáy mọ” nóng hổi vừa hấp chín trong chõ đồ ra mời chúng tôi thưởng thức, mới gỡ nút lạt buộc ra thôi mà mùi thơm của món ăn đã tỏa ra khiến ai nấy đều nuốt nước bọt vì thèm.

Đưa miếng thịt lên miệng mới cảm nhận được hết vị ngon của món ăn tuyệt vời này. Vị ngọt của thịt gà, hòa quyện với hương vị của gạo nếp, vị chát của hoa chuối, mùi thơm nồng của mắc khén, tỏi, rau thơm… lẫn với mùi thơm của của lá rừng làm cho dư vị của món ăn thật hấp dẫn.

img

Khi hấp phải chú ý giữ lửa cháy thật đều

img

Món mọ gà ăn vào có hương vị rất thơm ngon