Dân Việt

Xét xử tội danh ông Đinh La Thăng bị truy tố theo luật mới thế nào?

Minh Phong 11/01/2018 11:37 GMT+7
Các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, ... đã được áp dụng để khởi tố bị can trước ngày 1.1.2018 thì vẫn áp dụng quy định của BLHS năm 1999 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.

TAND Tối cao vừa có công văn hướng dẫn việc áp dụng Bộ luật hình sự năm 2015 (BLHS 2015) và Nghị quyết số 41 của Quốc hội trong việc xét xử các vụ án.

Cụ thể, Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ vừa ký công văn số 04/TANDTC-PC về việc áp dụng BLHS năm 2015 và Nghị quyết số 41 của Quốc hội. 

img

Ông Đinh La Thăng bị khởi tố về tội Cố ý làm trái các quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tội danh này không còn trong BLHS 2015 vừa có hiệu lực từ 1.1.2018. Ảnh TTXVN.

Cụ thể, Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp và các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao trong quá trình giải quyết vụ án hình sự và thi hành án hình sự cần lưu ý những vấn đề dưới đây. 

Tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 phút ngày 1.1.2018.

Các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 1.1.2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích.

Các điều luật bổ sung hành vi phạm tội mới, các điều luật quy định một hình phạt mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới; các điều luật quy định hạn chế phạm vi miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác không có lợi cho người phạm tội thì không áp dụng đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 1.1.2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích.

Trong trường hợp này, vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật về hình sự có hiệu lực trước 0 giờ 00 phút ngày 1.1.2018 để giải quyết.

img

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị truy tố về hai tội: Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản. Ảnh TTXVN.

Các điều luật mới quy định tội được tách ra từ các tội ghép trong Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 37/2009/QH12 (sau đây gọi Bộ luật Hình sự năm 1999), nếu có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 1.1.2018 để giải quyết. Nếu không có lợi cho người phạm tội thì vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật về hình sự có hiệu lực trước 0 giờ 00 phút ngày 1.1.2018 để giải quyết.

Các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”, “thu lợi bất chính lớn”, “thu lợi bất chính rất lớn”, “thu lợi bất chính đặc biệt lớn”, “đất có diện tích lớn”, “đất có diện tích rất lớn”, “đất có diện tích đặc biệt lớn”, “giá trị lớn”, “giá trị rất lớn”, “giá trị đặc biệt lớn”, “quy mô lớn” của Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được áp dụng để khởi tố bị can trước 0 giờ 00 phút ngày 1.1.2018 thì vẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 41.

Trong hai vụ án lớn đang được xét xử tại TAND TP Hà Nội và TAND TPHCM, có nhiều bị cáo bị truy tố tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 

Trong đó, ông Đinh La Thăng bị truy tố tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù giam. Tội danh này được quy định trong BLHS năm 1999 và không còn trong BLHS 2015.

Ông Trịnh Xuân Thanh bị truy tố hai tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản, khung hình phạt cao nhất là tử hình. 

Bên cạnh đó, TAND Tối cao cũng lưu ý đối với những hành vi phạm tội đã có bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước 0 giờ 00 phút ngày 1.1.2018 thì không được căn cứ vào những quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 có nội dung khác so với các điều luật đã được áp dụng khi tuyên án để kháng nghị giám đốc thẩm.

TAND Tối cao cũng lưu ý, theo quy định tại  điểm d , điểm đ khoản 1 Điều 377 BLHS 2015 thì trong mọi trường hợp người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện việc không ra lệnh, quyết định gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc không thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam bị giam, giữ quá hạn đều phải chịu trách nhiệm hình sự.

"Do đó, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự các Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán và Hội đồng xét xử các cấp phải hết sức lưu ý, không để xảy ra tình trạng do sơ suất dẫn đến việc giam, giữ không có Quyết định tạm giữ, tạm giam" - công văn của TAND Tối cao nêu rõ.